Cần có hình thức răn đe thích đáng với hành vi đấu giá cao rồi bỏ cọc
Dẫn một số vụ việc xảy ra tại một số địa phương thời gian qua như vụ đất Thủ Thiêm tại TP Hồ Chí Minh; vụ đấu giá đất tại Mê Linh (TP Hà Nội) hay vụ đấu giá biển số xe ô tô 32 tỷ rồi bỏ cọc 40 triệu đồng, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng để xảy ra những tình trạng đấu cao rồi bỏ cọc như vậy gây thất thoát, tốn kém thời gian và tiền bạc của xã hội.
Nhấn mạnh đây là hành vi cần lên án và đưa ra các hình thức răn đe thích đáng, đại biểu cho rằng các hành vi như trên là hiện tượng thao túng giá khởi điểm để trả giá rất cao rồi thực hiện hành vi bỏ cọc, tạo hiệu ứng ảo giá.
Nhằm hạn chế dần tình trạng bất cập này, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần quy định ngay trong Luật một số hành vi có dấu hiệu vượt quá giá trị thực hoặc quá vô lý để xác thực, đảm bảo việc trả giá thực chứ không phải là trả giá ảo.
“Cần quy định cụ thể trách nhiệm về mặt dân sự, hình sự khi đối tượng đấu giá trả giá một cách xa vời thực tế nhưng khi đã được đấu giá viên giải thích tại phiên đấu giá trực tiếp và đối tượng vẫn tiếp tục chấp nhận đấu giá một cách chủ quan phi thực tế”, đại biểu nêu quan điểm.
Theo đại biểu, cần quy định việc trả giá vượt mức khởi điểm bao nhiêu lần mà khi trúng đấu giá lại thực hiện bỏ cọc, dẫn đến hủy kết quả đấu giá thì phải chịu số tiền phạt bằng bao nhiêu lần số tiền cọc. Quy định như vậy tại sự chặt chẽ trong mức giá và bước giá. Đồng thời, đại biểu đề nghị xem xét quy định chặt chẽ tương tự đối với đấu giá biển số xe ô tô theo hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị quan tâm đến điều kiện đăng ký tham gia đấu giá về năng lực tài chính, thời gian nộp tiền. Theo đại biểu, tuy khó nhưng việc thắt chặt điều kiện tham gia đấu giá chứng minh năng lực tài chính là việc hết sức cần thiết để công tác đấu giá được thực hiện một cách hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng nhận định, trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc của nhà đầu tư để thổi giá đất thị trường lên cao diễn ra như hiện nay, thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.
Tuy nhiên, theo đại biểu, bản chất quan hệ đấu giá tài sản là quan hệ dân sự, tôn trọng thoả thuận giữa các bên, vì vậy nên cân nhắc kỹ lưỡng các biện pháp xử lý được đưa ra, tránh sự can thiệp quá sâu vào quan hệ dân sự; nhất là khi chúng ta đã có những quy định để xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự nếu có vi phạm trong hoạt động đấu giá.
Cùng với đó, Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 cũng sẽ góp phần khắc phục một số những bất cập tồn tại trong lĩnh vực đất đai thời gian qua.
Đối với quy định “cấm tham gia đấu giá” tại khoản 2 điều 70 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung cụ thể trường hợp áp dụng như sau: Trong trường hợp người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận đấu giá bị huỷ từ 2 lần trở lên trong thời hạn 1 đến 2 năm liên tục thì mới áp dụng quy định về cấm tham gia đấu giá.
“Điều này vẫn có ý nghĩa trong việc ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tình trạng bỏ cọc thổi phồng giá trị tài sản mà vẫn có sự mềm mỏng hơn, tôn trọng thoả thuận dân sự giữa các bên trong hoạt động đấu giá”, đại biểu nêu.
Cũng quan tâm tới quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, từ thực tế xảy ra trong thời gian qua, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc có những quy định mới về chế tài đối với đối tượng này rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định những người trúng đấu giá mà không thực hiện đúng quy định về mặt tài chính chỉ là không cho tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm là chưa hợp lý.
Đại biểu đề nghị nâng lên là từ 1 năm trở lên, để chế tài có đủ sức răn đe, đặc biệt là đối với tài sản là bất động sản, khoáng sản… Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với những đối tượng này. "Cần có những biện pháp răn đe, ràng buộc như thế để mọi người phải cân nhắc rõ ràng việc tham gia đấu giá, đảm bảo pháp luật được nghiêm minh", đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) nêu thực trạng hiện nay, khi ô tô hết thời hạn sử dụng và mang bán thanh lý thì các cơ quan thường gom thành một lô khoảng 10 - 20 chiếc xe có công năng sử dụng riêng lẻ để bán thành một lô. Việc này có thể vi phạm điều cấm vì hạn chế sự tham gia của tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc tham gia đấu giá.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, vừa qua, khi sửa Luật Đấu thầu đã có quy định hạn chế được việc chia tách gói thầu nhưng đối với đấu giá tài sản là tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đất thì trong dự thảo Luật không đề cập đến việc sửa đổi theo hướng cấm việc gom tài sản đấu giá thành một lô để hạn chế sự tham gia của tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc đấu giá.
Do đó, đại biểu đề nghị cần phải sửa quy định về hành vi bị cấm theo hướng cụ thể hơn trong dự thảo Luật để hạn chế các trường hợp nói trên.
Về tiêu chuẩn đấu giá viên và đào tạo nghề đấu giá, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ tán thành với dự thảo Luật, cho rằng việc bỏ quy định “các trường hợp miễn đào tạo nghề đấu giá” là phù hợp. Theo đại biểu, thời gian tham gia khoá đào tạo nghề đấu giá không quá dài, theo quy định của dự thảo là 6 tháng nên cũng rất thuận lợi cho người có nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng theo nghề đầu giá tham gia đào tạo. Việc tham gia khoá đào tạo sẽ trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cơ bản cho các đấu giá viên tương lai, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá. Quy định này cũng là phù hợp trong bối cảnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động đấu giá nói riêng hiện nay.