Cưỡng chế thi hành án dân sự: Cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan
Điều 9 Luật THADS quy định, Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án; người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này. Điều 45 Luật quy định, thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp theo quy định.
Trên thực tế, công tác phối hợp trong cưỡng chế thi hành án những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao tỷ lệ thi hành án, khơi thông nguồn lực kinh tế cho xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương. Vai trò của các cơ quan liên quan như Toà án, VKS, chính quyền địa phương, bảo hiểm, tài nguyên môi trường… được phát huy. Đặc biệt đối với các cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng, Công an các địa phương luôn làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan THADS, tham gia ký kết và ban hành quy chế phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ cưỡng chế THADS giữa các cơ quan THADS, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an để triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi có yêu cầu bảo vệ cưỡng chế THADS, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của Công an các địa phương đã chủ động phối hợp từ giai đoạn nghiên cứu hồ sơ vụ việc, xác minh, khảo sát thực tế, nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người bị cưỡng chế. Từ đó, xây dựng kế hoạch, phương án, dự kiến các tình huống và biện pháp xử lý để thống nhất trong bảo đảm thực hiện bảo vệ cưỡng chế sát với tình hình thực tế từng vụ việc và đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Công an các địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan THADS và các cơ quan, ban ngành có liên quan trao đổi thống nhất các nội dung, giải pháp trước, trong và sau khi cưỡng chế THADS để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện bảo vệ cưỡng chế. Theo thống kê của ngành Công an, chỉ tính từ ngày 14/12/2018 đến ngày 15/6/2023, Công an các địa phương đã tham gia bảo vệ cưỡng chế THADS với tổng số 7.452 vụ, gồm 82.882 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động THADS có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc trao đổi thông tin, hồ sơ tài liệu chưa đầy đủ về vụ việc cưỡng chế giữa cơ quan THADS và cơ quan Công an chưa được đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời dẫn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ có lúc còn bị động, chưa nhịp nhàng; việc giải quyết, xem xét các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số vụ việc còn chậm dẫn đến việc xác định và đánh giá chưa sát với tình hình, chưa đúng tính chất, mức độ của vụ cưỡng chế THADS; Biên chế cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế THADS còn thiếu, đặc biệt là ở cấp huyện. Trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, đặc biệt là các vụ bảo vệ cưỡng chế phức tạp, nhiều đối tượng manh động, hung hãn, chống đối quyết liệt. Kinh phí bồi dưỡng cho lực lượng bảo vệ cưỡng chế còn thấp, phần nào chưa động viên họ yên tâm công tác.
Do tính chất, đặc điểm của việc cưỡng chế THADS có liên quan đến quyền, lợi ích kinh tế của người phải thi hành án nên tính manh động, liều lĩnh của đối tượng rất nguy hiểm, khó lường...
Đó là chưa kể, pháp luật hiện hành chưa xác định rõ chế tài đối với những cá nhân, cơ quan khi không nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về phối hợp cưỡng chế trong THADS. Quy định hậu quả pháp lý đối với những cá nhân, cơ quan khi không phối hợp, chậm phối hợp, cung cấp thông tin không đúng cho cơ quan THADS dẫn đến thiệt hại; Quy trình thi hành án chưa phát huy hết vai trò của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình tổ chức THADS.
Do đó, ngoài việc hoàn thiện các quy định về cưỡng chế THA (như phân định rõ quyền và trách nhiệm của chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan THADS; quyền nghĩa vụ của người phải thi hành án; Quy định rõ hơn nữa trách nhiệm của từng cơ quan trong việc phối hợp cưỡng chế…) thì cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan; phát huy vai trò Ban Chỉ đạo THADS các cấp; vai trò tham mưu, chủ động của cơ quan THADS địa phương. Để giảm thiểu các cuộc cưỡng chế phải huy động lực lượng gây tốn kém nhân lực, vật lực, chi phí… thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về THADS, tăng cường công tác vận động thuyết phục, để người phải thi hành án tự nguyện thi hành.