1. Trang chủ /
  2. Hai Bà Trưng và ngôi đền thiêng trên đất Thăng Long

Hai Bà Trưng và ngôi đền thiêng trên đất Thăng Long

thứ hai, 12/2/2024 09:47 GMT+07
Đền Đồng Nhân, ngôi đền thờ Hai Bà Trưng linh thiêng nhất Thăng Long xưa. Một trong những di sản vô giá ở đây là hệ thống hoành phi, câu đối ca ngợi hai vị nữ anh hùng đầu tiên giành độc lập cho dân tộc trong đêm trường ngàn năm Bắc thuộc.

Lập ra cương giới

Đền được dựng vào đời Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ ba (1142) ở ven sông Hồng, đến năm Gia Long thứ 18 (1819), do đất bị xói lở nên dân làng phải dời ngôi đền tới khu Cựu Võ Sở của triều Lê ở thôn Hương Viên, thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hiện nay, nhưng vẫn giữ tên đền cũ.

den-dong-nhan.jpg
Quang cảnh đền Đồng Nhân.

Chính giữa tòa đại bái có bức đại tự “Địa duy dĩ lập” - Tạm hiểu là: Lập ra cương giới đất nước. Hai bên ban thờ có đôi câu đối rất đẹp:

Phong Quận phấn binh uy, vạn cổ anh thanh kinh Bắc địa

Hương Mai lưu hiển tích, thiên thu linh ứng chấn Nam bang

Nghĩa là: Đất Phong Châu chấn động binh uy, muôn thủa danh tiếng anh hùng còn khiến đất Bắc kinh sợ/ Làng Hương Mai còn hiển tích, ngàn năm linh ứng vang dội nước Nam.

Đôi câu đối cô đọng, phần nào nói lên được sự nghiệp hiển hách của Hai Bà. Kỷ Trưng Nữ Vương trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Mùa xuân, tháng Hai, Vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng em là gái là Nhị nổi binh hãm trị sở ở châu. Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng họ là Trưng”.

Hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu. Trưng Trắc có chồng là Thi Sách, con trai Lạc tướng Chu Diên. Tô Định đã sát hại Thi Sách và nhiều Lạc tướng, Huyện lệnh không chịu phục tùng. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến Trưng Trắc khởi nghĩa để trả thù nhà, đền nợ nước. Nhà sử học Lê Văn Hưu viết: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng. Việc dựng nước, xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ra đủ dựng nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu đến họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm. Bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”.

Như vậy sau khi đánh đổ được chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán, Bà Trưng đã xưng Vương. Sử sách ngày nay ghi rằng Hai Bà “tự lập làm Vua, đóng đô ở Mê Linh”.

Đọc lại lịch sử mới thấy bức đại tự “Địa duy dĩ lập” chính là nhấn mạnh giá trị khẳng định quyền độc lập, tự chủ quốc gia của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Ngay cổng tam quan có đôi câu đối: “Phục thù nghĩa liệt anh hùng nữ/ Lập quốc cơ đồ chính thống vương”, tạm hiểu là: Lẫm liệt khởi nghĩa để trả thù, thật là nữ anh hùng/ Lập quốc, xây dựng cơ đồ, Hai Bà đã lập nên một vương triều chính thống, hô ứng với bức đại tự trong đền.

cau-doi-den-dn-1-.jpg
Đôi câu đối đặc biệt tại Đền Đồng Nhân.

Không dung thứ

Trong số rất nhiều chữ nghĩa ở đền Đồng Nhân, chúng tôi đặc biệt chú ý đến đôi câu đối được làm cách đây 100 năm, chữ viết khải thếp vàng trên nền sơn son với kiểu trang trí sang trọng, trang nhã, nội dung gửi gắm tâm tư, suy ngẫm của người soạn.

Triệu Ẩu tụ chúng nãi cô quân, nan đồng nhật ngữ

Lê Tắc trứ thư vô nghị cốt, hà bỉnh bút mê

Vế thứ nhất, tạm hiểu rằng bà Triệu Ẩu (Triệu Thị Trinh) quy tụ nhân dân khởi nghĩa, nhưng hiềm vì quân ít khó nói chuyện ngang hàng với quân địch.

Sau Hai Bà Trưng hơn 200 năm, vào năm 248, Bà Triệu dựng cờ khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của phương Bắc. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Mậu Thìn (248) người Cửu Chân nổi lên đánh hãm thành ấp. Châu quận rối động. Ngô vương cho Hành dương đốc quân đô úy là Lục Dận làm Thứ sử kiêm Hiệu úy. Dận đến nơi, lấy ân tình ra hiểu dụ, hàng phục đến ba vạn nhà, trong nước lại yên. Đến sau, người con gái ở Cửu Chân là Triệu Ẩu… họp quân đánh cướp quận huyện. Dận dẹp yên được”.

Thần tích và truyền thuyết ở Thanh Hóa cho biết, bà Triệu sinh năm Bính Tuất (226). Bà là em gái của Triệu Quốc Đạt, một Huyện lệnh có thế lực trong vùng.

Năm 20 tuổi bà không lấy chồng mà vào núi chiêu lập binh mã, luyện tập võ nghệ. Tương truyền bà nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta”.

Quân khởi nghĩa của bà được đánh giá là mạnh như vũ bão, các thành ấp của giặc Ngô ở Cửu Chân đều bị hạ. Cuộc khởi nghĩa lan rộng khắp Giao Chỉ, vào tận Cửu Đức, Nhật Nam. Nhà Ngô phải cử Lục Dận, Thứ sử Giao Châu mang theo 8.000 quân tinh nhuệ với nhiều thủ đoạn mới dẹp được cuộc khởi nghĩa.

Vế thứ hai của đôi câu đối tạm hiểu là Lê Tắc biên soạn sách mà không giữ được cốt cách cương nghị, sao chẳng u mê trong ngòi bút của mình. Tác giả nhắc đến việc Lê Tắc viết An Nam chí lược với tâm thế của kẻ đầu hàng, hèn nhát, bỏ nước chạy theo giặc Nguyên Mông.

Chúng ta xem Lê Tắc là ai và viết thế nào về Hai Bà Trưng để tác giả đôi câu đối phải viết những dòng chỉ trích nghiêm khắc như vậy.

Lê Tắc vốn họ Nguyễn, dòng dõi Nguyễn Phu nhà Đông Tấn, từ đời cụ đã đến ở Ái Châu, cha ông đều làm quan nhà Lý, nhà Trần. Tắc do được làm con nuôi ông Lê Bổng nên đổi sang họ Lê.

Theo lời tự thuật, lúc nhỏ Lê Tắc đã học giỏi, mới 9 tuổi đã thi khoa Thần đồng, nên được cho vào hầu cận Trần Thái Tông, rồi làm quan đến Thị Lang, sau đó được chuyển sang giúp việc cho Chương Hiến Hầu - Trần Kiện.

Năm 1285, quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai, Trần Kiện được giao nhiệm vụ vào Thanh Hóa chống cự cánh quân của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra, nhưng Trần Kiện đã đầu hàng giặc, mang theo thủ hạ, binh lính, trong đó có Lê Tắc theo giặc sang Trung Quốc. Đại Việt sử ký toàn thư viết:

"...Tháng 2, ngày Giáp Thìn mồng 1, con thứ của Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang là Chương Hiến hầu (Trần) Kiện và liêu thuộc là bọn Lê Trắc đem cả nhà đầu hàng quân Nguyên. Toa Đô sai đưa bọn Kiện về Yên Kinh. Thổ hào Lạng Giang là bọn Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh tập kích ở trại Ma Lục (Chi Lăng). Gia nô của Trần Hưng Đạo là Nguyễn Địa Lô bắn chết Kiện. Trắc đưa xác Kiện lên ngựa, trốn đi đêm, chạy được vài chục dặm, tới Khâu Ôn chôn Kiện ở đó"...

Nhà Nguyên phong quan tước cho Lê Tắc. Trong những ngày lưu vong ở trên đất nhà Nguyên, Lê Tắc soạn An Nam chí lược gồm 20 quyển. Trong sách này ghi chép về địa lý nước ta; các chiếu chỉ vua Nguyên gửi cho vua Trần; các sứ giả nhà Nguyên sang nước ta và cả các sứ giả đời trước; các cuộc chiến tranh giữa nước ta và phong kiến Trung Hoa; thư của các quan lại nhà Nguyên gửi thư cho triều đình nước ta; thư sớ nội bộ nhà Hán, nhà Tấn, nhà Tống khuyên vua đừng gây chiến; phần quan trọng trong sách là lịch sử Việt Nam, ghi từ thời Triệu Đà đến nhà Trần; việc học tập, quan chế, phẩm phục, hành chính, pháp luật, binh chế, nhân vật và sản vật… Đây là tác phẩm được đưa vào Tứ khổ toàn thư của Trung Quốc và nhiều người ca ngợi, có người so sánh Lê Tắc với những sử gia danh tiếng nhất của Trung Hoa trước đây như Tư Mã Thiên, Ban Cố…

Người Việt từng biết đến tác phẩm này nhưng do khinh bỉ tư cách của tác giả nên không sử dụng, không truyền bá dù chỉ để nghiên cứu. Năm 1960, Viện Đại học Huế mới phiên dịch An Nam chí lược, Viện trưởng Cao Văn Luận đã viết những lời giới thiệu xác đáng rằng:

“Sở dĩ Ủy ban lấy bộ An Nam chí lược làm công việc phiên dịch đầu tiên, là vì bộ ấy có lẽ là bộ sử xưa nhất do một cá nhân người Việt soạn ra, và gồm có nhiều sử liệu đáng quý có liên quan đến cổ sử và trung sử Việt Nam, chứ không phải Ủy ban có chút định nào dung thứ những hành động và quan niệm sai lầm của soạn giả đối với Tổ quốc”.

Trong An Nam chí lược, Lê Tắc đã dùng cây bút u mê của mình để viết gì về Hai Bà Trưng?

Ngay phần Tổng tự, mở đầu cuốn sách, tác giả viết: “Năm Kiến Võ thứ 16 (40 sau công nguyên), đời vua Hán Quang Võ, có người đàn bà Giao Chỉ tên là Trưng Trắc làm phản, năm thứ 19 (43), sai Mã Viện qua đánh dẹp yên, rồi dựng trụ đồng để làm giới hạn nhà Hán”.

Quyển 4, trong mục Sự chinh phạt của các triều đại trước, Lê Tắc viết kỹ hơn: Năm Kiến Võ thứ 16... người đàn bà Giao Chỉ là Trưng Trắc làm phản, quận Cửu Chân và quận Nhật Nam đều hưởng ứng theo, đánh các quận, ấp, cướp được 60 thành, rồi tự lập làm vua. Quang Vũ Đế bèn hạ chiếu các quận Trường Sa và Hợp Phố chuẩn bị thuyền bè, sửa cầu, đường, tích trữ lương thực, rồi cử Mã Viện làm Phục Ba tướng quân... do thủy lục hai đường cùng tiến đánh Giao Chỉ.

Mã Viện do đường duyên hải tiến quân, gặp núi thì làm đường, trải hơn 1.000 dặm, kéo quân tới Lãng Bạc đánh nhau và đại phá quân Trưng Trắc, rồi đuổi theo tới đất Kim Khê.

“Đến năm Kiến Võ thứ 19 (43), Mã Viện chém yêu tặc là Trưng Nhị (Nhị là em gái của Trưng Trắc) và đánh luôn cả dư đảng, bọn Đô Lương, đến huyện Cư Phong, bọn này chịu đầu hàng, đất Lĩnh Nam đều được bình định”.

Đến quyển 15, mục Những kẻ phản nghịch, Lê Tắc lại kể đến Trưng Trắc. Ngay sau đó, Lê Tắc viết về Bà Triệu cũng với cái nhìn của kẻ mất gốc: “Con gái ở huyện Quân Ninh, quận Cửu Chân, lúc trẻ không lấy chồng, vú dài ba thước, vắt ra sau lưng, thường mặc áo vàng, đi dép ngà, cỡi đầu voi đánh giặc. Ở trong núi tụ đảng đi trộm cướp, bị Thứ sử Giao Châu là Lục Duệ (Lục Dận) giết”.

Qua những dòng viết về Hai Bà Trưng, Bà Triệu dưới cái nhìn vong bản, Lê Tắc miệt thị các vị nữ anh hùng dân tộc là “yêu tặc”, gọi các cuộc khởi nghĩa yêu nước là “làm phản”, “trộm cướp”... Tuy nhiên, sự thật khiến ngòi bút của Lê Tắc không thể che giấu được khí thể hào hùng, tinh thần lẫm liệt của Hai Bà, trong bài Đồ chí ca, Lê Tắc viết:

… Mê Linh hai gái sính anh hùng,

Chị là Trưng Trắc, em Trưng Nhị.

Phất cờ độc lập xứ Giao Châu,

Oai phục trăm man ai dám ví.

Lĩnh Nam sáu mươi lẻ năm thành,

Bà chị làm vương, em làm súy.

Đường đường tướng Hán Mã phục ba,

Cắn răng khổ chiến ba năm lẻ,

Chia quân thẳng ruổi đến Man Khê,

Tặc tướng chịu thua thảy bình trị.

Rộng mở Hán giới tột trời nam…

Trước khí thế “Phất cờ độc lập xứ Giao Châu/ Oai phục trăm man ai dám ví/ Lĩnh Nam sáu mươi lẻ năm thành/ Bà chị làm vương, em làm súy” của Hai Bà, viên tướng cáo già của nhà Hán - Mã Viện phải “Cắn răng khổ chiến ba năm lẻ” mới thắng được, đủ thấy sức mạnh lẫm liệt của Hai Bà và tinh thần quật khởi của nhân dân ta lúc bấy giờ.

Niềm tin mãnh liệt

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta…

Đại Nam quốc sử diễn ca đã viết những dòng tự hào như thế về thành quả của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hai Bà đã gánh lấy một nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả đầy hiểm nguy và đòi hỏi phải có khí khách anh hùng, là nổi dậy đánh đuổi ngoại xâm và đã thực sự giành được nền độc lập. Trưng Vương lên ngôi chỉ được ba năm, do chênh lệch lực lượng quá lớn nên không giữ được đất nước.

Sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng đâu chỉ lúc sống xưng Vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa.

Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực, chính đại ấy ư?!”.

Gần hai thiên niên kỷ đã qua, nhưng sự nghiệp vĩ đại của Hai Bà Trưng vẫn sáng ngời lịch sử dân tộc, là niềm tự hào của nhân dân và phụ nữ Việt Nam. Tưởng nhớ đến Hai Bà, hậu thế có thêm điểm tựa tinh thần, có niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam.