Hồ hởi đón 'lộc biển' đầu năm
Tất bật chuẩn bị vươn khơi
Những ngày qua, nơi cửa biển Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, đâu đâu cũng gặp cảnh ngư dân tất bật chuẩn bị ra khơi khai thác đánh bắt hải sản, với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, lộc biển dồi dào.
Đang nhập nhiên liệu và đưa nhu yếu phẩm lên tàu cá QNg 96416 TS tại cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), ngư dân Trần Khổ (ngụ xã Bình Châu) cho hay, từ mùng 10 Tết, các thuyền viên đã sẵn sàng lương thực, đá lạnh, nước uống đưa lên tàu. Tàu cá có hơn 10 thuyền viên, hành nghề lặn, thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết, ở địa phương, dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối phát triển, đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động trong và ngoài xã. Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân về chấp hành nghiêm quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hiện nay, Bình Châu cũng là địa phương hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá với 236/238 tàu (2 tàu cá nằm bờ cam kết không hành nghề).
Theo ông Hồ Trọng Phương (Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi), toàn tỉnh hiện có 4.544 tàu cá, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi hơn 3.200 tàu; tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m là 970 tàu. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, đơn vị cùng các ngành chức năng đã đến thăm hỏi, động viên ngư dân, đồng thời tổ chức các buổi lễ ra quân đánh bắt đầu năm mới với mong muốn ngư dân tham gia đánh bắt trên biển không vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp. Toàn tỉnh phấn đấu năm 2024 sản lượng đánh bắt đạt 270 nghìn tấn hải sản.
Niềm vui đón “lộc biển” đầu năm. (Ảnh: Vân Anh)
Tại Quảng Nam, sau Lễ hội Cầu ngư mùng 8 Tết Nguyên đán 2024, ngư dân cũng bắt đầu có mặt ở cảng cá Tam Quang, cảng An Hòa, thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam để nhập nhiên liệu và đưa các ngư lưới cụ lên tàu chuẩn bị vươn khơi đánh bắt đầu năm mới.
Ông Huỳnh Thế Điểu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang thông tin, toàn huyện Núi Thành có hơn 400 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, trong đó xã Tam Quang có 200 tàu thuyền, qua đó đã tạo việc làm cho 4.000 lao động trực tiếp và phục vụ hậu cần khai thác hải sản. Ngoài ra, Nghiệp đoàn còn tích cực tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho đoàn viên, ngư dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đón “lộc biển” đầu năm
Bên cạnh những tàu thuyền chuẩn bị vươn khơi, những ngày sau Tết Nguyên đán cũng là điểm nhiều tàu thuyền đánh bắt xuyên Tết trở về với những khoang đầy ắp cá, tôm.
Qua hơn 20 ngày bám biển xuyên Tết, ngày 12 tháng Giêng vừa qua (21/2/2024), ngư dân Trần Đức Linh (ngụ xã Bình Châu, chủ tàu cá QNg 90701 TS) cùng các bạn thuyền vui mừng trở về đất liền, thành quả đánh bắt được hơn 7 tấn cá chuồn, giá bán 50 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, thực phẩm, trung bình mỗi thuyền viên nhận về hơn 20 triệu đồng/người. “Với “khí thế” này, các thuyền viên nghỉ ngơi 1 - 2 hôm rồi tiếp tục nhập nhiên liệu, nhu yếu phẩm để kịp vươn khơi trở lại sau ngày rằm tháng Giêng”, ông Linh nói.
Ngư dân Nguyễn Cu (ngụ xã Tam Quang, tỉnh Quảng Nam) cũng chọn vươn khơi ngay trong dịp Tết. Ông cho biết, do tàu công suất nhỏ nên đánh bắt gần bờ, đi trong 3 - 5 ngày. Mùng 3 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ông bắt đầu xuất phát, mỗi chuyến biển thu về được hơn 30 triệu đồng. Nhờ đó, từ đầu năm, ông ước tính đã có đủ khoản chi phí trong năm cho 2 con đang theo học đại học và trang trải cuộc sống.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, từ mùng 4 Tết đến nay, các bãi biển Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà) lúc nào cũng nhộn nhịp ghe nhỏ, thuyền thúng cập bờ mang theo những mẻ tôm, cá tươi ngon. Đàn ông, trai tráng cùng nhau kéo lưới, đưa thuyền vào bờ; phụ nữ ngồi gỡ tôm, cá, trao đổi mua bán.
Một tàu cá đánh bắt xuyên Tết trở về. (Ảnh: Vân Anh)
Ngư dân Phạm Văn Quang (ngụ phường Mân Thái) vui mừng kể, những ngày đầu năm biển êm, ngư dân các làng chài đều rủ nhau tranh thủ đánh bắt. Phiên biển gần bờ thường chỉ vài tiếng đồng hồ, nhưng mỗi nhóm ngư dân có khi kiếm cả triệu đồng.
Hoạt động này nhiều năm nay cũng giúp du khách khi đến Đà Nẵng có nhiều trải nghiệm thú vị. Nhiều người đến Đà Nẵng nay không chỉ tắm biển ngắm bình minh mà họ còn tham gia cùng ngư dân kéo lưới, đưa thuyền thúng lên bờ. Một số du khách mua hải sản tươi sống còn có thể nhờ người dân bản địa chế biến những món ăn đơn giản ngay tại chỗ và tận hưởng.
Tại tỉnh Quảng Nam, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện số lượng tàu cá toàn tỉnh hơn 2.700 chiếc, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi 648 chiếc (43 tàu dài từ 24m trở lên), tàu cá dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng 729 chiếc, tàu cá chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động vùng bờ 1.338 chiếc. Về lao động khai thác thuỷ sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó 13.000 người khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 2.000 lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua.
Để động viên tinh thần ngư dân đầu năm mới, ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cùng các ngành chức năng trong tỉnh cũng đã đến thăm hỏi và tổ chức các lễ hội cầu ngư, lễ ra quân đánh bắt đầu năm mới.