Hội Báo toàn quốc 2024 thành công, gian trưng bày Báo Pháp luật Việt Nam được trao giải
Sáng 17/3, Hội Báo toàn quốc năm 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì Sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND TP HCM tổ chức, với sự chỉ đạo và phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính thức bế mạc.
Đến dự lễ bế mạc có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành uỷ TP HCM cùng lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, TP HCM, các cơ quan báo chí và người làm báo cả nước...
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, Hội Báo toàn quốc 2024 dù lần đầu được tổ chức tại TP HCM nhưng đã quy tụ được hàng trăm cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố; diễn ra thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng tốt trong các nhà báo và công chúng báo chí cả nước.
“Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, năm kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; cùng với đó là việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí và sơ kết 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc của Chính phủ.
Tôi mong muốn, các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền tốt việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm nay; bám sát hơi thở cuộc sống để phản ánh, góp ý, kiến tạo, lan tỏa những giá trị tốt đẹp và nhân ái trong xã hội; đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống đáp ứng mong mỏi của mọi người dân.
Các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc sản xuất, phát sóng các chương trình, tin, bài. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí phải tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; không ngừng bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, chuyên môn nghiệp vụ cho người làm báo; cần quyết tâm hơn nữa để xây dựng mỗi cơ quan báo chí là một cơ quan tiêu biểu về văn hoá.
Người đứng đầu cơ quan báo chí và cơ quan tạp chí cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, nhất là việc thực hiện quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là thực hiện tôn chỉ, mục đích; có giải pháp quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên hoạt động tác nghiệp đúng quy định; kiểm soát khoa học, chặt chẽ hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên, bảo đảm hoạt động đúng quy định của Luật Báo chí và các văn bản pháp luật liên quan”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, điểm nhấn đặc sắc là Diễn đàn báo chí quy mô toàn quốc với 10 phiên thảo luận về các chủ đề báo chí truyền thông rất sôi động và thiết thực cho người làm báo cả nước. Ông Nghĩa yêu cầu, trong thời gian tới, báo chí phải cần tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo kĩ năng làm báo hiện đại, phương thức tác nghiệp báo chí trong môi trường số; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp, cách thức ứng xử trên mạng xã hội đối với hội viên, những người làm báo cả nước.
Đội ngũ những người làm báo phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam; không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, kỹ năng công nghệ; rèn luyện tài - đức để “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc”, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cũng tại lễ bế mạc, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội Báo đã thu hút 120 gian trưng bày các sản phẩm báo chí tiêu biểu của 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, hơn 300 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo báo chí. Đây cũng là lần đầu tiên có sự góp mặt của 64 gian hàng sản phẩm OCOP đến từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng những bản sắc riêng của từng địa phương, đã đem đến thêm sự phong phú, sinh động cho Hội Báo.
“Thành công của Hội Báo toàn quốc năm nay thể hiện rõ kết quả của tinh thần đoàn kết giữa các cơ quan báo chí, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; giữa các cấp Hội Nhà báo; giữa báo chí - doanh nghiệp - công chúng. Chúng ta cùng nhau chung sức, đồng lòng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong báo chí, cùng nhau nắm thời cơ, cùng gắng sức cộng tác để vượt qua khó khăn thách thức, hướng tới một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, nhằm phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đó cũng là chính là thông điệp của Hội Báo toàn quốc năm nay: “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”, ông Lợi nhắn gửi.
Tại lễ bế mạc, ban tổ chức đã trao 1 giải A, 3 giải B, 6 giải C, 5 giải khuyến khích đối với giải Phát thanh Tết ấn tượng. 1 giải A, 3 giải B, 5 giải C, 9 giải khuyến khích đối với giải Truyền hình Tết ấn tượng. 1 giải A, 3 giải B, 6 giải C, 9 giải Khuyến khích đối với giải Giao diện điện tử Tết ấn tượng.
Ban tổ chức cũng đã trao giải Gian trưng bày xuất sắc (5 giải A, 15 giải B, 26 giải C, 36 giải Khuyến khích) và tặng giấy khen cho các đơn vị có đóng góp vào thành công của Hội Báo. Trong đó, Báo Pháp luật Việt Nam đạt giải Khuyến khích Gian trưng bày xuất sắc.