1. Trang chủ /
  2. Nội chính - Tư pháp /
  3. CHƯƠNG TRÌNH BÌNH CHỌN, TÔN VINH “GƯƠNG SÁNG PHÁP LUẬT”: Vị Tiến sĩ trăn trở, đam mê với nghề “khám bệnh pháp lý”

CHƯƠNG TRÌNH BÌNH CHỌN, TÔN VINH “GƯƠNG SÁNG PHÁP LUẬT”: Vị Tiến sĩ trăn trở, đam mê với nghề “khám bệnh pháp lý”

thứ sáu, 12/8/2022 14:17 GMT+07
(PLM) - Theo TS. LS Đặng Văn Cường, nghề luật sư (LS) cũng giống như nghề bác sĩ, thực hiện sứ mệnh “khám bệnh pháp lý”. Bác sĩ cần khám đúng bệnh, bốc đúng thuốc thì LS cũng cần đánh giá đúng tình huống pháp lý, tư vấn đúng hướng cho thân chủ, góp phần tạo cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc một cách đúng đắn, công bằng, khách quan, đúng luật.

Chỉ có kiến thức lý thuyết để tư vấn là không đủ, không hiệu quả

TS. LS Đặng Văn Cường là Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp. Trước khi trở thành LS, anh đã trải qua nhiều công việc, từ công nhân đến bộ đội, giảng viên luật với những trải nghiệm khác nhau

Tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội, anh Cường từng tham gia giảng dạy môn Pháp luật tại cơ sở 2 của ĐH Chu Văn An và Cao đẳng Bách khoa. Trong quá trình đứng lớp, nhiều sinh viên hỏi anh các tình huống thực tiễn của gia đình, anh đã nỗ lực tư vấn, giải thích ở góc độ kiến thức lý thuyết nhưng không giải quyết được vấn đề. Anh nhận thấy chỉ có kiến thức lý thuyết để tư vấn là không đủ và không hiệu quả, rất nhiều vụ việc cần phải có LS trực tiếp tham gia mới bảo vệ được quyền lợi của thân chủ.

Những trăn trở với các tình huống pháp lý, các vụ án chưa có lời giải là lý do khiến anh quyết định chuyển sang nghề LS. Anh tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ LS tại Học viện Tư pháp và gia nhập Đoàn LS Hà Nội. Sau gần 15 năm “lăn lộn” trong ngành luật, anh đã hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho hàng ngàn người và xây dựng thương hiệu Văn phòng LS Chính Pháp.

Theo LS Cường: “Nghề LS là nghề khá đặc biệt, đặc thù bởi đây là một trong những lực lượng phản biện xã hội, tiếp xúc với rất nhiều cơ quan tổ chức, tầng lớp, giai cấp, cũng như những mặt trái của xã hội, những cảnh đời trái ngang, oan ức. Không chỉ vậy, LS còn là nghề nguy hiểm và nhiều cám dỗ. Nếu không giỏi về mặt chuyên môn, không có bản lĩnh và không thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức thì rất khó thành công và dễ gặp nguy hiểm, khó vượt qua được những cám dỗ, cạm bẫy cuộc sống”.

ạm bẫy cuộc sống”. LS Cường vẫn hay nói với các đồng nghiệp, nghề LS cũng giống như nghề bác sĩ (BS). Nếu BS khám chữa bệnh cho bệnh nhân thì LS cũng “khám bệnh”, “chữa bệnh” cho những “người bệnh pháp lý”. Nếu BS đòi hỏi y đức cao thì LS cũng cần có đạo đức nghề nghiệp tương xứng. BS khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc cũng giống như LS tư vấn pháp luật. Nếu không đoán đúng bệnh, không bốc đúng thuốc do trình độ năng lực yếu kém hoặc do yếu tố chủ quan thì bệnh nhân sẽ trở thành “nạn nhân” của BS.

LS tư vấn cũng vậy, nếu đánh giá sai tình huống pháp lý, tư vấn sai hướng thì thân chủ sẽ phải gánh chịu hậu quả. Hậu quả pháp lý thường rất nghiêm trọng, có thể là tù tội, mất tài sản cả đời gom góp, tan vỡ hạnh phúc gia đình... Vì thế, LS phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh và tích lũy kinh nghiệm qua từng vụ việc, từng năm tháng hành nghề. LS tranh tụng lại càng khó, nếu không có những giải pháp pháp lý tích cực thì “người bệnh” có thể “thiệt mạng”, khách hàng có thể mất tất cả... Do vậy, thành công của người LS không chỉ là vấn đề chuyên môn, kết quả mang tính số học mà còn là vấn đề đạo đức và uy tín.

Thế nào là một luật sư thành công?

Nhiều người không hiểu rõ về nghề LS có thể cho rằng LS phải “cãi cho vô tội”, phải thắng kiện mới là thành công. Tuy nhiên, theo LS Cường, thành công là một khái niệm rất rộng, không đơn giản chỉ là thắng kiện hay thân chủ được toà tuyên vô tội.

Với ông, thành công của LS trong mỗi dịch vụ pháp lý là khi LS đánh giá đúng về tình huống pháp lý, góp phần làm sáng tỏ sự việc, làm cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc một cách đúng đắn, công bằng, khách quan, đúng pháp luật. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, LS phải thực hiện những gì tốt nhất cho thân chủ theo quy định pháp luật bằng tâm huyết, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của mình.

Luật sư Cường tranh tụng tại một phiên tòa.


Thành công của LS cũng thể hiện ở nhìn nhận, đánh giá của những cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng và cả cộng đồng xã hội qua từng vụ án, từng vụ việc. Khi vụ việc khép lại, cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận những ý kiến, quan điểm, những đóng góp của LS góp phần làm sáng tỏ bản chất của vụ việc, chỉ ra những căn cứ giải quyết vụ việc công bằng, khách quan, đúng pháp luật.

“Ngoài ra, những vụ án dân sự mà LS động viên, thuyết phục được các bên hòa giải, giữ được tình cảm gia đình cho họ phải giải quyết, hóa giải được những mâu thuẫn dân sự với anh em, chồng vợ, cha con cũng là những cảm xúc khó tả, niềm vui trong hoạt động nghề nghiệp. Những hoạt động trợ giúp pháp lý giúp đỡ người nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các gia đình chính sách vừa là trách nhiệm nghề nghiệp, vừa là niềm vui của mỗi LS chúng tôi”, LS Cường chia sẻ.

Một trong những “cầu nối” chuyển tải pháp luật vào đời sống

Với LS Cường, ngoài hoạt động nghề nghiệp, LS còn có trách nhiệm xã hội, phải thực hiện những nhiệm vụ xã hội, lớn hơn là thực hiện vai trò phản biện xã hội để góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật của Nhà nước, hướng đến một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Anh Cường luôn tâm niệm nghề LS ở Việt Nam là một nghề cao quý, với sứ mệnh góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, LS là “cầu nối” chuyển tải pháp luật vào đời sống, tạo thế ổn định và minh bạch trong sự phát triển của xã hội, bộ máy nhà nước có được sự trợ giúp pháp lý để vận hành và quyết sách đúng đắn, tố tụng tư pháp có được sự đối trọng cần thiết tạo thành bản chất dân chủ và người dân có được chỗ dựa về mặt pháp lý bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Với hoạt động hành nghề, LS có vai trò tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Với tâm niệm như vậy, ngoài cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật cho khách hàng, LS Cường thường xuyên tham gia hội thảo khoa học, giảng dạy, viết các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học, đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo luật, nghị định và tham gia nhiều diễn đàn, nói lên quan điểm thông qua các cơ quan truyền thông để phản biện xã hội, tuyên truyền pháp luật góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

“Mỗi con người có một ước mơ, hoài bão và lý tưởng khác nhau. Với tôi thì trọng trách của LS là phải đi tìm chân lý, làm sáng tỏ chân tướng sự thật trong mỗi vụ việc, đảm bảo được mức độ công bằng cao nhất cho thân chủ trong mỗi vụ án. Đồng thời thông qua hoạt động nghề nghiệp phải nói tiếng nói của nghề mình, ngành mình, cần phải có quan điểm đúng, sai rõ ràng trước công chúng, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến để xây dựng và hoàn thiện pháp luật”, LS Cường nói.

“Bản thân LS Cường và các đồng nghiệp trong Văn phòng LS Chính Pháp trải qua hàng trăm vụ án mỗi năm. Nhiều yêu cầu của thân chủ và LS đưa ra được cơ quan tố tụng chấp nhận, thân chủ giữ được tài sản, đòi được tài sản..., đó là những phần thưởng giá trị trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi LS.

Một số vụ việc như cú đá vào chân mang tội giết người ở Sóc Sơn, Hà Nội; vụ cướp 500.000 đồng ở Hoàng Mai, Hà Nội; trộm vàng ở Thái Nguyên; thuê xe mang tội lừa đảo ở Thái Nguyên... là những vụ án Văn phòng LS Chính Pháp tham gia thành công, thân chủ được đình chỉ điều tra vụ án, được minh oan, được trả tự do… Một số vụ kiện hành chính ở Hải Dương, Điện Biên, TP HCM... được cơ quan tố tụng chấp nhận, toà án hủy các quyết định hành chính của cơ quan hành chính, thân chủ giữ lại được nhà đất... cũng là những dấu ấn khó quên trong hành trình làm nghề của LS Cường và đồng nghiệp.”

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 224 ra ngày 12/8/2022)