1. Trang chủ /
  2. Nội chính - Tư pháp /
  3. Khai mạc Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Khai mạc Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

thứ hai, 28/11/2022 10:18 GMT+07
Sáng 28/11, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở một số nhiệm vụ cấp bách, cụ thể, mới đây Thủ tướng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, trình Quốc hội giải quyết sớm 7 nội dung.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 28/11.

Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về phía khách mời có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ…

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong 1 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5; cho ý kiến về nội dung và khả năng chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội.

Cụ thể, căn cứ vào báo cáo đánh giá của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá về kỳ họp vừa qua, những gì hiệu quả, những gì còn hạn chế cần rút kinh nghiệm cho các kỳ họp sau.

“Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Ủy ban Thường vụ cũng sẽ cho ý kiến bước đầu về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 5/2023”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quang cảnh Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, trên cơ sở một số nhiệm vụ cấp bách, cụ thể, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, trình Quốc hội giải quyết sớm 7 nội dung. Trong đó có nội dung về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu để đến Kỳ họp tháng 5 thì các quy hoạch khác, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ có những khó khăn. Vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia là việc hết sức cấp thiết. Đây là nội dung quan trọng nhất phải giải quyết sớm.

Cũng tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Đồng thời, cho ý kiến về việc ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về các điều kiện cải tạo, xây dựng và bảo trì các tòa nhà có liên quan đến các cơ quan ngoại giao và lãnh sự 2 bên (Thỏa thuận Coca).

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.