1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. QUẢNG NAM: Vì sao nhà máy trăm triệu USD nhưng vẫn làm đơn xin nợ thuế?

QUẢNG NAM: Vì sao nhà máy trăm triệu USD nhưng vẫn làm đơn xin nợ thuế?

thứ năm, 22/9/2022 12:30 GMT+07
Sau một thời gian dài “đắp chiếu” do gây ô nhiễm môi trường, tháng 3/2022, Nhà máy Sô đa Chu Lai do Cty CP Sản xuất Sô đa Chu Lai (đóng tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) làm chủ đầu tư, được cho phép tái khởi động. Tuy nhiên, qua 3 đợt vận hành thử nghiệm, Nhà máy đã bị lỗ khoảng 80 tỷ đồng. Cty này vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh giải trình và xin lùi thời gian thực hiện nộp thuế theo quy định.

Gây ô nhiễm, phải “đắp chiếu” nhiều năm

Nhà máy Sô đa Chu Lai được xây dựng vào tháng 4/2010, trên diện tích 20ha tại thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 100 triệu USD (khoảng 2.300 tỉ VNĐ), công suất thiết kế 200.000 tấn/năm. Cty Sô đa đã thuê nhà thầu EPC của Trung Quốc thực hiện thiết kế, mua sắm, xây dựng Nhà máy. Thời điểm đó, dự án này nhận được rất nhiều kỳ vọng vì nhu cầu nguyên liệu sô đa phục vụ sản xuất công nghiệp tại Việt Nam lên đến gần 1 triệu tấn/năm, phải hoàn toàn nhập khẩu.

Tuy nhiên, tháng 6/2015, Nhà máy vừa đi vào hoạt động thử nghiệm đã gây ô nhiễm, có mùi hôi và tiếng ồn khiến người dân địa phương phản ứng quyết liệt. Người dân đã nhiều lần kéo đến Nhà máy yêu cầu ngừng hoạt động vì nước thải làm cá nuôi chết hàng loạt, gia súc uống nước sông gần đó sinh bệnh; hoa màu và muối do người dân làm ra khó tiêu thụ do… nghi nhiễm độc. Lo ngại nhất là môi trường sống bị đe dọa bởi khí thải, tiếng ồn và xỉ than do Nhà máy gây ra.

Người dân thôn Đại Phú liên tục ý kiến từ ngày Nhà máy đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân bị xáo trộn. Ở trong nhà mà phải đeo khẩu trang, vật nuôi chết đột ngột. Tháng 2/2016, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) thanh tra Nhà máy Sô đa Chu Lai, phát hiện nhiều sai phạm nên đã ra quyết định xử phạt hơn 730 triệu đồng.

Tháng 7/2016, Nhà máy tiếp tục bị người dân và Đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường bắt quả tang xả thải trực tiếp ra môi trường. Kết luận của Đoàn thanh tra nêu rõ, Nhà máy không thực hiện đầy đủ nội dung đánh giá tác động môi trường, không thu gom triệt để chất nguy hại, đổ tràn chất thải ra môi trường. Nhà máy còn có hàng loạt sai phạm khác như: Không kê khai, lưu giữ chứng từ chất thải nguy hại; không có số đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; không báo cáo quản lý chất thải nguy hại cho cơ quan nhà nước; lưu giữ chất thải quá 6 tháng không báo cáo chính quyền; chưa có giấy phép xả nước thải ra môi trường...

Từ kết quả thanh tra, tháng 8/2016, UBND Quảng Nam ra văn bản yêu cầu Nhà máy tạm dừng hoạt động để khắc phục việc gây ô nhiễm. Từ đó, Nhà máy dừng hoạt động, dây chuyền sản xuất phơi mưa, phơi nắng. Đáng chú ý, Nhà máy trên có tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng, nhưng vốn vay từ các ngân hàng đã lên đến 2.000 tỉ đồng.

Tổng vốn đầu tư của dự án trên 100 triệu USD (khoảng 2.300 tỉ VNĐ).

Ngoài ra, Cty CP Sản xuất Sô đa Chu Lai còn nợ thuế hơn 70 tỉ đồng không trả; nợ tiền điện hơn 3 tỉ suốt thời gian dài. Theo báo cáo giải trình của Cty, năm 2014 và 2015, nhà thầu EPC đã lắp đặt thiết bị và vận hành thử nghiệm để bàn giao Nhà máy cho Cty. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thử nghiệm đã xảy ra lỗi thiết bị của nhà thầu EPC không đạt tiêu chuẩn như hợp đồng cam kết.

Một số nhà thầu phụ của tổng thầu EPC đã bỏ về nước, không quay trở lại Việt Nam để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nhà thầu EPC cũng không mời được chuyên gia kỹ thuật nước ngoài sang bàn giao vận hành, đồng thời một số thiết bị không đồng bộ. Công ty Sô đa đã tự huy động nguồn tài chính đưa Nhà máy vận hành, nhưng chưa đạt tiêu chuẩn dẫn đến hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

 Do nhà thầu EPC không quay trở lại và không bàn giao Nhà máy dẫn đến Cty Sô đa phải ghi nợ thuế với cơ quan thuế và nợ thuế nhà thầu.

Vận hành lại 3 đợt, lỗ 80 tỷ đồng

Đến tháng 12/2020, Cty Sô đa đã sửa chữa thay thế thiết bị, xây dựng đầu tư khu xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải theo quy chuẩn, Cty hợp tác với Cty TNHH TM&SX Tân Tiến xin phép UBND tỉnh và các sở, ban ngành cho Nhà máy được đi vào hoạt động trở lại.

Thời điểm này, theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam, tỉnh rất lo lắng về Nhà máy, nhất là vấn đề môi trường. UBND tỉnh cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho DN phục hồi, hoạt động nhưng vấn đề môi trường phải được rà soát nghiêm ngặt.

Cty phải khắc phục ô nhiễm tiếng ồn và một số vấn đề môi trường khác trước khi vận hành. Trong 3 tháng vận hành thử nghiệm, cơ quan quản lý môi trường thường xuyên quan trắc, nếu bảo đảm thì tỉnh mới xem xét cho Nhà máy hoạt động. Một lãnh đạo sở chuyên ngành ở Quảng Nam cho biết thêm, nguyên liệu sô đa rất cần với Nhà máy kính nổi Chu Lai, mỗi năm nhập từ nước ngoài mười mấy triệu USD.

Tuy nhiên, theo ông, ở các nước trên thế giới, nhà máy sản xuất sô đa thường đặt tại thung lũng trong núi sâu chứ không xây dựng gần khu dân cư như Nhà máy Sô đa Chu Lai.

Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn cho môi trường sống của cộng đồng phải được xem xét kỹ lưỡng. Sau khi kiểm tra, ngày 24/3/2022, Sở TN&MT có Văn bản 639/STNMT-BVMT về việc cho phép Cty Sô đa được vận hành thử nghiệm trở lại. Ngày 10/4, Cty Sô đa bắt đầu đưa Nhà máy đi vào vận hành đến ngày 6/6. Trong thời gian này, Cty đã vận hành được 3 đợt sản xuất, nhưng do đang thiếu vốn nên không thể cung cấp nguồn nguyên liệu liên tục để hoạt động.

Theo báo cáo gửi UBND tỉnh, Cty giải trình quá trình vận hành chạy máy còn xảy ra sự cố đường điện khiến điện vào Nhà máy gặp sự cố sụt áp, dẫn đến dừng tê liệt hoàn toàn các thiết bị trong Nhà máy; tiếp đến mưa trên diện rộng gây sét đánh làm đứt đường dây điện, Nhà máy phải tạm dừng sản xuất để tiến hành khắc phục sự cố. Nhà máy hoạt động gián đoạn, mỗi đợt sản xuất nhiều nhất chỉ được 24 ngày nên công suất mới đạt 50% và chất lượng sản phẩm giai đoạn này chưa đạt theo tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, Cty khó tuyển dụng lao động có tay nghề cao để vận hành Nhà máy và thiếu chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm điều hành Nhà máy dẫn đến 3 đợt vận hành sản xuất lỗ khoảng 80 tỷ đồng. “Hiện Cty Sô đa đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa có nguồn thu bù đắp để trả nợ thuế theo cam kết và trả lương cho công nhân. Mong UBND tỉnh cùng Sở KH&ĐT, Cục Thuế xem xét, chấp thuận cho phép Cty được lùi việc nộp tiền nợ thuế nhà thầu từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023, mỗi tháng Cty sẽ nộp 2 tỷ đồng; tháng 11 và 12/2023 Cty sẽ thanh toán hết tiền nợ thuế nhà thầu.

Riêng về số lãi phát sinh, Cty xin được UBND tỉnh, các sở, ngành xem xét miễn giảm phần phạt thuế chậm nộp do Nhà máy ngừng hoạt động”, báo cáo nêu. Sau khi nhận được văn bản của Cty Sô đa, mới đây, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn 997/VPUBND-KTTH gửi Sở KH&ĐT, Cục Thuế tỉnh nghiên cứu tham mưu giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 265 ra ngày 22/9/2022)