1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC: Đưa nghệ thuật chèo thành thương hiệu văn hóa quốc gia

BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC: Đưa nghệ thuật chèo thành thương hiệu văn hóa quốc gia

thứ tư, 10/8/2022 13:47 GMT+07
(PLM) - Trong quá trình tồn tại và phát triển cả nghìn năm qua, nghệ thuật chèo càng hoàn thiện, mang đậm chất đặc trưng của văn hóa người Việt, phản ảnh thực tế phong phú của các trạng thái, cung bậc của cuộc sống, con người. Tuy nhiên, trước những biến chuyển của đời sống hiện nay, nghệ thuật chèo dường như đã mất dần vị thế vốn có…

Giữ chèo vì chèo là hồn cốt của văn hóa dân tộc

nghệ thuật chèo, NSND Minh Thu luôn trăn trở về sự mai một từng ngày của bộ môn nghệ thuật truyền thống đã gắn với cô như máu thịt. Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, con của vua hề chèo Mạnh Tuấn, NSND Minh Thu đến với chèo từ khi còn trong bụng mẹ. Học chèo và trở thành diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam. Với bà, chèo không những là sản phẩm, thậm chí chèo còn là hồn cốt của văn hoá dân tộc. Mỗi lời ca, điệu múa đều bắt nguồn từ những hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân Việt Nam, được ước lệ, cách điệu vô cùng tinh tế.

Từ kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Minh Thu nêu quan điểm: “Từ trước đến nay, nghệ thuật chèo có mối liên hệ máu thịt đến đời sống xã hội của người dân Việt Nam. Không phải vì tôi làm chèo tôi mới nói vậy, mà vì quá nhiều năm làm chèo tôi mới thấy rằng khán giả người Việt không bao giờ “quên” được chèo. Nhất là tại vùng nông thôn, trong những thời điểm đầu năm hoặc cuối năm, những mùa lễ hội, người dân Việt Nam gắn chặt với nghệ thuật chèo. Gần như người Việt ta khi tổ chức đình đám, lễ hội không bao giờ thiếu được chèo, mặc dù bây giờ người ta không còn rải chiếu để mà diễn như ngày xưa. Có thể khẳng định nghệ thuật chèo là một món ăn tinh thần không thể thiếu được với người dân Việt Nam”.

Theo NSND Minh Thu, khi bà sang nước ngoài, tiếp xúc với bà con cộng đồng người Việt của mình ở các nước châu Âu mới thấy tình yêu chèo của mỗi người con mang dòng máu Việt. Bà cứ tưởng là nghệ thuật chèo của mình sẽ khó đến được với khán giả bên ấy, có thể là người ta không tiếp thu, thậm chí là người ta không thích. Nhưng không ngờ trong các cuộc giao lưu với bà con hải ngoại, chỉ một tiếng hát chèo nổi lên, bà cảm thấy như là hồn cốt người Việt gọi tất cả mọi người hòa làm một, yêu thương, trân trọng nhau hơn, cùng đắm chìm trong văn hóa của dân tộc.

khấu chèo hiện nay, NSND Minh Thu tỏ ra quan ngại bởi “các thế hệ nghệ nhân gạo cội của nghệ thuật chèo đã mai một gần hết rồi, nghệ sĩ biểu diễn gần như cũng không còn ai, chỉ còn một vài cụ như Giáo sư Trần Bảng, nhưng cụ cũng đã gần trăm tuổi. Còn các thế hệ càng gần về đây thì tôi vẫn thường nói với rất nhiều người làm báo, có nhiều vấn đề cần phải trăn trở”.

Hiện nay, NSND Minh Thu vẫn đang làm công việc góp phần tìm lại “chất chèo” cho những diễn viên chèo chuyên nghiệp hiện nay. Nghe thì lạ, nhưng sự thật là như vậy. Trong thời buổi kinh tế thị trường, diễn viên chèo cũng phải chạy show để kiếm thêm thu nhập. Mà mỗi show đâu chỉ có chèo, họ còn phải hát nhiều thể loại nhạc khác như nhạc trẻ, bolero… tùy theo yêu cầu của ban tổ chức và khán giả. Chính vì vậy, một số diễn viên chèo vô tình “đi xa” chèo lúc nào không biết.

“Là một người thầy, tôi đang cố gắng để “neo đậu” lại vốn chèo trong các bạn. Theo tôi, bất luận là ngành nghề nào, thầy có giỏi thì mới có trò hay, “danh sư xuất cao đồ” nhưng thực tại ở Việt Nam hiện nay không chỉ riêng chèo mà nhiều ngành nghề, một bộ phận người dạy bị chạy theo cái bằng cấp, chạy theo kinh tế, cho nên không có trò hay, nghệ thuật chèo cũng bị tình trạng như thế trong nhiều năm. Hơn nữa, nếu như trước đây, chúng tôi có nhiều thời gian để học hành, tập luyện, có khi chỉ một vở diễn chúng tôi phải tập trong nhiều ngày, thì dường như hiện nay thời gian học của các em rất hạn chế, có nhiều lý do. Có thể do quỹ thời gian học eo hẹp, hay bởi các thầy bận chạy show, nên thời gian giảng dạy cũng không được bao nhiêu… Ngoài ra, tôi thấy nếu như trước đây, như bọn tôi đi diễn rất vô tư, cống hiến hết mình cho nghệ thuật thì hiện nay dường như thế hệ các em bây giờ càng ngày nhu cầu của các em càng cao hơn. Chỉ mới bắt đầu được tuyển vào trường, một số em đã có suy nghĩ trong đầu là mượn danh nghĩa nghệ sĩ, diễn viên để lấy cái mác trưng diện và đi kiếm tiền bằng cách này, cách khác” - NSND Minh Thu chia sẻ.

Về chất lượng các tác phẩm chèo hiện nay, NSND Minh Thu nhận định, nếu như trước đây các cụ viết ra được tác phẩm hay như thế vì cuộc sống các cụ đơn giản cũng như thế hệ tôi làm nghề không có nhu cầu đòi hỏi hưởng thụ, hay để làm giàu cho nên các cụ nhất tâm chuyên tâm để viết mới ra được các văn từ hay, uyên thâm và sâu sắc. Còn bây giờ, chúng ta không phủ nhận cũng có nhiều tác phẩm hay. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tác giả còn phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, chưa kể đến đòi hỏi về vật chất cao quá còn làm ảnh hưởng tới chất lượng tác phẩm. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của thị trường, nhu cầu của khách hàng và thị hiếu của khán giả.

Có nhiều tác phẩm trong các cuộc thi, hội diễn có chất lượng tốt, thậm chí rất tốt, đạt được nhiều giải cao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, có một số tác phẩm đạt giải, đạt huy chương nhưng rốt cuộc chỉ dừng lại ở cuộc thi, rồi đóng gói để đấy, không đến được với công chúng. Lý do có thể là bởi những đề tài này không phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện nay

Hướng đi nào cho nghệ thuật chèo?

Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới”. Vậy, nhìn nhận ở một khía cạnh nào đó, nghệ thuật chèo cũng góp phần kiến tạo nên “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Nghệ thuật chèo là một món ăn tinh thần không thể thiếu được với người lNghệ sĩ chèo Minh Thu. dân, là hồn cốt của dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa)


Theo GS.TS khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), văn hóa là “căn cước” của một dân tộc và phải hiểu văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt - khí chất của dân tộc. Vì vậy, đổi mới tư duy về văn hóa không chỉ là câu chuyện của riêng ngành Văn hóa mà còn của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong xã hội, bởi văn hóa gắn bó mật thiết với con người trong đời sống thường nhật. Phải làm thế nào để đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia. Và nghệ thuật chèo cũng vậy, cần phải đưa nghệ thuật chèo trở thành thương hiệu của Việt Nam

Chủ trương của chúng ta là xây dựng công nghiệp văn hóa, mà công nghiệp văn hóa được sinh ra từ một nền công nghiệp. Như vậy, các lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp cao, từ đó mới dần hình thành và có điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa. Để xây dựng được thương hiệu quốc gia cho văn hóa thì đầu tiên chúng ta nên đi từ những gì vi mô, đó là xây dựng thương hiệu cho địa phương, cho ngành và bản thân các đơn vị nghệ thuật phải trở thành thương hiệu có dấu ấn đã. Với nghệ thuật chèo, chúng ta phải bắt đầu từ những vở chèo, những đoàn chèo địa phương, cho đến những nhà hát, từ đó mới có thể xây dựng nên một thương hiệu chèo.

Bên cạnh đó, một vấn đề mà chúng ta thấy chi phối rất nhiều đến đời sống văn học nghệ thuật hiện nay, đó là thị trường. Nhưng chúng ta phải khẳng định trong bối cảnh hiện nay, thị trường cũng là một thành tố quan trọng cấu thành nên nghệ thuật, hay nói cách khác nghệ thuật nào cũng cần có thị trường. Nghệ thuật biểu diễn cũng cần có công chúng, xây dựng tác phẩm xong muốn tồn tại, bán được vé thì phải làm thế nào để công chúng đến rạp. Nghệ thuật chèo cũng vậy, vở chèo nào, nhà hát nào làm tốt thì trở thành thương hiệu văn hóa, thương hiệu quốc gia. Nếu như trước đây, khán giả đi tìm sân khấu để xem thì bây giờ nghệ thuật chèo phải đi tìm khán giả bằng nhiều cách, qua truyền thông, làm mới nhưng vẫn phải giữ tinh thần chân – thiện – mỹ của nghệ thuật chèo

Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0, chúng ta cũng cần phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào phổ biến và phát huy những giá của nghệ thuật chèo. Có thể thấy hiện nay sân khấu chèo không chèo đang phát triển rất mạnh mẽ. Với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật số, trên mạng xã hội hiện nay có hàng chục trang, nhóm, hội giao lưu chèo, đặc biệt có trang có sự tham gia của hàng chục nghìn người. Những trang, nhóm, hội trên Facebook đã kết nối những người yêu chèo ở trong và ngoài nước tạo nên cộng đồng người yêu chèo rất đông đảo. Giao lưu “Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc” lần thứ VII - năm 2022 vừa qua là một thành công với nhiều tiết mục cũng chất lượng, là một tín hiệu đáng mừng.

Và điều quan trọng nhất, với mỗi diễn viên chèo, dù trong cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả mưu sinh, cũng nên giữ lấy cốt cách của người nghệ sĩ, giữ lấy và nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê chèo, để trao truyền cho những thế hệ tiếp theo. Đó là trách nhiệm của mỗi nghệ sĩ chèo.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 222 ra ngày 10/8/2022)