1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. Gỡ nút thắt để công nghiệp văn hóa “cất cánh”

Gỡ nút thắt để công nghiệp văn hóa “cất cánh”

thứ tư, 12/10/2022 13:55 GMT+07
(PLVN) - Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Tái hiện lễ hội Tịch điền của Vua Hùng.

Để thực hiện nhiệm vụ này, tháng 9/2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau 5 năm thực hiện Chiến lược, đã cho thấy nhiều điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần nhanh chóng khắc phục.

Gia tăng “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam

CNVH (cultural industries) tuy có xuất phát điểm từ khá lâu, nhưng phải từ những năm 2000 trở lại đây, khái niệm các ngành CNVH mới được nhắc đến nhiều hơn và trở thành một trong những trọng tâm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Các ngành CNVH bao gồm các lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo (con người), vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Xét trên 4 yếu tố đó, Việt Nam có lợi thế ở hai yếu tố đầu tiên là con người và bề dày văn hóa.

Với các mục tiêu đề ra như: các ngành CNVH và sáng tạo Việt Nam trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 7,465 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước…

Tại Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành CNVH 2016 - 2021” – do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UN-Habitat, Sở VHTT Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội tổ chức, các đại biểu nhất trí với nhận định: “Quá trình triển khai Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho thấy, khung chính sách đã thể hiện được khả năng bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, từng bước quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhiều năm qua, nhờ đường lối đổi mới đúng đắn, nhất là sau khi có chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa, các thành phần kinh tế đã tham gia mạnh mẽ vào phát triển các lĩnh vực khác nhau trong CNVH. Thị trường xuất hiện hàng loạt các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật của công chúng. Các kênh truyền thông truyền tải các giá trị văn hóa, nghệ thuật đa dạng và sinh động, đặc biệt thông qua truyền hình, Internet. “Vai trò của văn hóa, đặc biệt là các ngành CNVH được coi là động lực vừa trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, vừa góp phần vào hiệu quả của các can thiệp phát triển”, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Đúng như nhận định của bà Phương, không thể phủ nhận CNVH tại Việt Nam đã và đang có nhiều khởi sắc nhất định, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ từ các nước trong khu vực và thế giới. Đơn cử như lĩnh vực xuất bản, bên cạnh sách giấy truyền thống, người đọc Việt Nam còn có thể tiếp cận những tác phẩm được hỗ trợ công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), ấn bản điện tử (e-book), sách nói (audio book).

Công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến thói quen đọc sách, mà còn tạo ra đột phá trong việc lựa chọn và mua sách. Trong điện ảnh, bên cạnh những tiến bộ về kỹ thuật quay, dựng phim, thực hiện kỹ xảo hay hậu kỳ; công nghệ chiếu phim hiện đại như 4DX, IMAX cũng đã có mặt tại Việt Nam và thu hút một lượng khán giả không nhỏ đến rạp. Công nghệ còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tưởng chừng không cần đến công nghệ như nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác...

Đặc biệt, bà Phương còn nhấn mạnh vai trò của CNVH trong thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước. “Ngành CNVH chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia. CNVH đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa và hiện đại hóa đất nước; là công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa và cạnh tranh văn hóa trên thế giới hiện nay, CNVH đang tạo ra một sức mạnh văn hóa mới cho mỗi quốc gia…”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định.

Tháo gỡ “nút thắt” để công nghiệp văn hóa phát triển

Trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ xác định, nền CNVH Việt Nam có 12 ngành chủ chốt bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Thực tế cho thấy, dù có nhiều tiềm năng nhưng con đường phát triển CNVH vẫn còn nhiều khó khăn. Việc định vị “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam qua các sản phẩm, dịch vụ CNVH ra thế giới còn không ít rào cản khi 12 nhóm ngành phát triển CNVH còn chưa được như kỳ vọng, trong đó không ít vẫn đang “loay hoay” tìm đường.

Cần một hệ sinh thái để phát triển công nghiệp văn hóa trong nghệ thuật biểu diễn.

Trong bài viết “Vai trò của CNVH đối với nền kinh tế quốc dân và sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chỉ ra, hiện nay, có khá nhiều “điểm nghẽn” trong khai thác CNVH. Đầu tiên chính là nhận thức về các ngành CNVH chưa đầy đủ. Ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc... là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế thị trường đã thấm sâu vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội thì văn hoá nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hoá của mình.

Thứ hai là thiếu sự phối hợp trong phát triển CNVH. Đến thời điểm này, sự phát triển các ngành CNVH còn gặp khó khăn vì chưa thực sự có đầu mối đủ mạnh để định hướng sự phát triển này. Trong 12 ngành CNVH, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chỉ quản lý 5 ngành gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hoá. Phát triển các ngành CNVH có sự gắn bó với nhau để làm nên sức mạnh tổng hợp cho không chỉ các ngành này, mà còn cả với nền kinh tế của đất nước.

Thứ ba, giáo dục sáng tạo và kỹ năng kinh doanh là “điểm nghẽn” tiếp theo. Hệ thống giáo dục của ta có một số điểm chưa tương thích đối với hoạt động đổi mới sáng tạo. Dù có nhiều cải tiến, thay đổi theo hướng hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành sáng tạo nhưng vì nhiều lý do, đặc biệt là khối lượng kiến thức cần học quá lớn, khiến các môn học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật chưa được coi trọng đúng mức.

Ngoài ra, theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, những “điểm nghẽn” về chính sách hỗ trợ phát triển các ngành CNVH như địa vị pháp lý cho các doanh nghiệp sáng tạo, sử dụng đất, thuế, pháp luật về bảo trợ và hiến tặng... cũng là những rào cản khiến các ngành CNVH Việt Nam chưa thể “cất cánh” được.

“Cần có sự tiếp sức, hỗ trợ từ phía Nhà nước để phát triển các ngành CNVH Việt Nam. Sự hỗ trợ này đầu tiên đến từ việc tạo điều kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước đối với vị trí, vai trò của các ngành CNVH trong phát triển bền vững đất nước. Khi có nhận thức đúng, các bộ, ngành và địa phương sẽ có những hành động cụ thể, phù hợp để phát triển các ngành CNVH.

Về mặt pháp luật cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành CNVH. Điều quan trọng để tạo ra các chính sách thu hút nguồn lực chính là việc chúng ta cần phải coi đầu tư vào văn hoá là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực "tiêu tiền", thậm chí nếu làm tốt còn đem lại nhiều tiền cho đất nước. “Chỉ từ nhận thức như vậy, chúng ta mới hình thành các chính sách thu hút nguồn lực phù hợp” - PGS.TS. Bùi Hoài Sơn đưa ra giải pháp.

“Sự chuyển hóa từ chủ trương để đưa ra các chính sách cụ thể cho sự phát triển CNVH vẫn chưa có đột phá mạnh mẽ. Trong đó, có thể thấy sự thiếu vắng các biện pháp thực thi, tạo môi trường pháp lý về bản quyền, dẫn đến nhiều tranh chấp trong một số lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… Bên cạnh đó còn là sự thiếu vắng các cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, đặt ra “bài toán” khó cho sự phát triển bền vững” – ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH,TT&DL.

l“Tại nhiều quốc gia phát triển CNVH, người dân thường đi từ thành phố này đến thành phố khác để mua các sản phẩm của nghệ thuật biểu diễn. Việt Nam cũng đã có những thương hiệu, nghệ sĩ như vậy, những chương trình được bán vé với “giá trên trời”. Nhưng chúng ta vẫn cần một hệ sinh thái, với tầm nhìn và sự chung tay để cùng nhau đẩy mạnh sự phát triển của CNVH nói chung và CNVH trong nghệ thuật biểu diễn nói riêng” - NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH,TT&DL

l“CNVH thời gian qua đã ít nhiều có tác động tới lĩnh vực âm nhạc, song mọi việc mới chỉ là bước đầu, chưa tạo ra nhiều dấu ấn. Từ thực tế người làm sáng tạo, có thể thấy những danh xưng sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có đóng góp cho ngành công nghiệp sáng tạo. Trên thực tế, nhận thức về công nghiệp sáng tạo còn nhiều hạn chế; sản phẩm ít và lệch lạc… dẫn đến sự phát triển chậm, hạn chế cạnh tranh. Sáng tạo chưa trở thành “món ăn” bắt buộc đối với công chúng. Nhiều chương trình chủ yếu là event của các nhãn hàng. Do đó, cần nâng cao năng lực sáng tạo của các địa phương” - nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung.