1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. Xúc động Lễ Vu lan báo hiếu

Xúc động Lễ Vu lan báo hiếu

thứ tư, 10/8/2022 14:03 GMT+07
(PLM) - Vu lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Đây là dịp thể hiện truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng, khi Trụ trì Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình giảng về đạo hiếu, ý nghĩa và nghi thức bông hồng cài áo, rất nhiều người ngồi dưới Tam Bảo không giấu nổi sự xúc động khi nhớ tới công sinh thành của bố mẹ. Những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên, vì còn cha, còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý. Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi buồn bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ. Những vong nhân đã khuất cảm thấy ấm áp mà bỏ qua những oan trái, thù hận. Họ được siêu sinh giải thoát miền tây phương cực lạc.

ếu tổ chức tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng, hàng trăm tăng ni, phật tử, người dân trang nghiêm thành kính nhớ về tiền nhân của mình, cùng tụng kinh, niệm Phật cầu quốc thái dân an, siêu độ vong linh, gia đình an phúc. Đại lễ Vu lan gồm: Lễ cầu siêu phả độ gia tiên – Thí thực cô hồn; Khóa lễ Tiếp triệu chư vị chân linh; Khóa lễ Cúng Phật đại khoa; Tụng kinh Vu lan; Khóa chúc thực (cúng cơm); Khóa Thí thực cô hồn; Hoàn mãn.

Dù trời mưa nặng hạt nhưng chị Nguyễn Thu Nga, 35 tuổi ở Long Biên (Hà Nội) cùng các con vượt quãng đường hàng chục km lên Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, TP Hòa Bình dâng hương tưởng nhớ tổ tiên và bố mẹ đã khuất. Được tăng ni gắn bông hồng trắng trên ngực, chị Nga không nén nổi xúc động, nghẹn ngào khi nhớ công ơn bố mẹ. Các con chị cũng khóc nhớ ông bà và càng thương người mẹ đang tần tảo, vất vả nuôi mình.

Gia đình ông Cao Hữu Thanh, 70 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) cùng mặc áo mưa, chắp tay trước mộ phần người quá cố. “Dịp này, tôi đưa các cháu lên để tưởng nhớ về cội nguồn của mình. Bao năm qua tôi luôn dạy con cháu phải có đức hiếu hạnh với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Bao năm, tôi luôn tâm niệm phải sống sao cho con cháu đời đời sau này noi theo. Luôn luôn dạy con cháu phải giữ nếp gia phong, gia tộc của tổ tiên, gia đình dòng họ, nếu không giữ thì cũng không thể làm việc lớn. Đây là văn hóa rất tốt đẹp của gia đình”, ông Thanh chia sẻ.

“Cúng lễ mộ phần đều hướng mỗi người trở về tiên tổ. Là người con, hãy ghi nhớ lời Phật dạy để hàng ngày tu niệm, hồi hướng công đức về cho tiên nhân của mình, thành tâm chí kính, niệm phật, tụng kinh, cúng dường Tam Bảo, cúng giường chư tăng để cha mẹ bình an, phước lộc thọ khang, gia đình hạnh phúc” - Đại Đức Thích Trí Thịnh giảng giải.

Sau nghi lễ bông hồng cài áo là nghi lễ thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo đối với nghi lễ này là cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc. Người dân tâm niệm, thả đèn hoa đăng cầu mong cho người thân luôn mạnh khỏe, bình an và gặp mọi điều tốt lành.

Đại Đức Thích Trí Thịnh cũng nêu tình trạng một số người ưa cúng lễ mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã vô tội vạ nhưng lại đối xử với cha mẹ không tốt, thậm chí hắt hủi cha mẹ, ông bà. Đây là sự suy đồi đạo đức, không hiểu đúng tinh thần báo ân báo hiếu của Đức Phật dạy. Nếu như trước đây ở góc độ tâm linh người ta đốt vàng mã chỉ là tượng trưng một chút lòng thành con cháu muốn gửi gắm tới ông bà, tổ tiên. Song, giờ đây với suy nghĩ “trần sao âm vậy” dẫn tới không ít người đốt vàng mã quá nhiều gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, thậm chí gây nên hỏa hoạn.

Lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày Lễ Vu lan (ngày rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt. Theo Phật giáo, có 4 ân nặng gọi là tứ trọng ân, trong đó có ân tam bảo, ân quốc gia dân tộc, ân những bậc nuôi dạy mình nên người, ân chúng sinh vạn loại. Tứ trọng ân này còn là nền tảng đạo đức, truyền thống văn hóa phương Đông.

Vu lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn. Cũng nhân dịp này, những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị Chân - iện - Mỹ và về với đạo của người làm con.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 222 ra ngày 10/8/2022)