Việt Nam - Lào cần đột phá trong hợp tác kinh tế, đầu tư thời gian tới
Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc tại một số dự án trọng điểm
Tại Kỳ họp, hai Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ quán triệt sâu sắc chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, cùng nỗ lực, quyết tâm cao của Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương, hai nước đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, mang lại nhiều thành tựu trong hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, nhiều kết quả nổi bật rất đáng ghi nhận, góp phần cùng nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Năm 2023, hai bên đã nỗ lực, hoàn thành 13 nhóm nhiệm vụ đề ra tại Kỳ họp 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị nhập khẩu từ Lào tăng 4,2%.
Nhờ sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương hai nước, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm tại một số dự án trọng điểm được kịp thời tháo gỡ dứt điểm. Hợp tác giữa các địa phương hai nước, đặc biệt ở các địa phương giáp biên tiếp tục có hiệu quả, đóng góp vào hợp tác chung giữa hai nước.
Về trọng tâm hợp tác năm 2024, hai bên thống nhất tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào và kết quả cuộc gặp người đứng đầu ba Đảng giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen; tập trung thực hiện tốt các tuyên bố chung và thỏa thuận ký kết tại Kỳ họp 46.
Hai bên thống nhất tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại Việt Nam - Lào. Tổ chức tốt các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan chức năng của Lào; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, khó khăn, vướng mắc tại các dự án hợp tác, đầu tư.
Chính phủ Lào tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam; nghiên cứu điều chỉnh các quy định về thời gian thực hiện trong đầu tư thủy điện, khai khoáng phù hợp với tình hình mới. Thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tiếp tục thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 từ 10 - 15% so với năm 2023.
Tập trung giải quyết khó khăn, thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông, nghiên cứu tư duy mới, cách làm mới trong việc triển khai kết nối giao thông hai nước, huy động nguồn lực, tăng cường tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đường sắt Vũng Áng - Vientiane, đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane. Coi nông nghiệp và phát triển nông thôn một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hai bên tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...
Cần tạo đột phá về hợp tác kinh tế, đầu tư
Cũng trong sáng 7/1, trong chương trình thăm chính thức Việt Nam, kết hợp đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Sonexay Siphandone chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào. Tại Hội nghị, hai bên giới thiệu về môi trường, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam và Lào; đánh giá về các kết quả hợp tác đầu tư, kinh doanh đạt được trong những năm qua; thảo luận về định hướng hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới; phản ánh một số vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cần được giải quyết; khả năng, mong muốn hợp tác đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai nước trên các lĩnh vực...
Đánh giá cao kết quả hợp tác thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần có đột phá trong hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước thời gian tới. Theo đó, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt, tuyến hàng không kết nối giữa hai nước; xây dựng hạ tầng kết nối các cửa khẩu. Cùng với đó, tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai bên; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử...
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai bên phối hợp, giải quyết các dự án tồn đọng, vấn đề còn vướng mắc; ưu tiên, thúc đẩy đầu tư. Chính phủ mỗi nước tiếp tục xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý, môi trường đầu tư thuận lợi; tăng cường đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đặc biệt, có chính sách ưu tiên phù hợp cho doanh nghiệp hai nước, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Sonexay Siphandone cùng chứng kiến Lễ trao các chứng nhận đầu tư, ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Lào trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, khai thác khoáng sản.
Trước đó, chiều 6/01, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục phát huy quan hệ chính trị đặc biệt tốt đẹp; phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các kế hoạch, dự án hợp tác nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân hai nước.