1. Trang chủ /
  2. Bảo vệ biểu tượng văn hóa Tây Nguyên

Bảo vệ biểu tượng văn hóa Tây Nguyên

chủ nhật, 19/3/2023 09:11 GMT+07
Đối với các dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên, voi là loài vật được yêu quý như một thành viên trong gia đình và buôn làng nhưng vẫn mang biểu tượng tôn kính, thiêng liêng. Trong lịch sử, voi là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của các vị tù trưởng xưa và là người lính trận trong đấu tranh bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, suốt nhiều năm, voi Tây Nguyên suy giảm nghiêm trọng bởi nạn săn bắt voi trái phép, phá rừng diễn ra trên diện rộng và không ít voi bị ngược đãi, bóc lột khi bị khai thác du lịch. Hiện, Tây Nguyên đang triển khai chăm sóc, bảo tồn quần thể voi.
Voi là loài vật được yêu quý như một thành viên trong gia đình và buôn làng nhưng vẫn mang biểu tượng tôn kính, thiêng liêng.

Hội thi nâng niu voi Tây Nguyên

Ông Phạm Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cho biết: “Từ xa xưa, voi đã trở thành biểu tượng văn hóa của Buôn Đôn, nói lên nét đẹp của buôn làng, sự giàu có và ấm no. Voi gắn bó với sự hình thành và phát triển của dân tộc, thấm sâu vào các mối quan hệ xã hội, tác động vào văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội và nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng khác của các dân tộc Tây Nguyên”.

Nằm trong “Hành trình du lịch” của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, ngày 12/3 vừa qua, tại Trung tâm tổ chức lễ hội ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, UBND huyện đã tổ chức khai mạc Hội voi Buôn Đôn 2023.

Đến với Hội voi năm nay có sự tham gia của 7 chú voi. Khác với các dịp lễ hội voi trước đây, lần này không có các hoạt động như: voi thi chạy, voi đá bóng, cưỡi voi vượt sông Srêpốk. Thay vào đó là các loại hình du lịch thân thiện với voi đang được các công ty du lịch trên thế giới áp dụng như thi trang điểm cho voi, voi tham gia chào khán giả có động tác đẹp nhất, tiệc buffet voi, chụp ảnh cùng du khách.

Sự thay đổi về phương thức hội thi nhằm bảo tồn, chăm sóc đàn voi nhà như đã cam kết với Tổ chức Động vật châu Á (AAF) trước đó. Tại đại tiệc buffet cho voi, hàng tấn hoa quả như: dưa hấu, mía, chuối đã được BTC chọn lựa, chuẩn bị sẵn. Các chú voi được ăn thỏa thích với món ăn yêu thích của mình. Không chỉ vậy, 7 chú voi được trang điểm đẹp đẽ làm duyên với các du khách. Hàng nghìn lượt du khách tham gia cổ vũ, reo hò và chụp hình cùng. Sự thân thiện của voi tại hội voi đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách

Kết thúc cuộc thi, xuất sắc giành giải nhất ở nội dung trang điểm là voi Khăm Sing của nài voi Y Wưn Byă. Voi Khăm On của nài voi Y Thốt Knul giành ngôi quán quân ở nội dung chào khán giả. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao nhiều giải phụ cho các nài voi và voi tham gia hội voi.

Hội voi là một hoạt động thiết thực để giới thiệu những tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch sinh thái của Đắk Lắk. Mặt khác, sự kiện còn nhằm tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, không gian văn hóa công chúng, tạo và hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung và du lịch địa phương nói riêng. Hội voi nhằm bảo tồn, chăm sóc đàn voi nhà hiện có trên địa bàn huyện.

Lần đầu tiên, loại hình du lịch cưỡi voi ở Tây Nguyên chính thức có giải pháp để giảm dần với mục tiêu bảo vệ đàn voi nhà đang kiệt quệ vì phục vụ du lịch.

Nhiều năm qua, các chủ voi và Vườn Quốc gia Yok Đôn - cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên rừng đã khai thác mô hình du lịch cưỡi voi trong khu du lịch Buôn Đôn, Đắk Lắk. Mỗi lượt các nài voi đưa khách du lịch qua sông du khách cưỡi voi phải trả phí từ 150 đến 200 ngàn đồng. Chủ voi thu về chi phí từ tiền vé của khách tham quan và cho khách du lịch cưỡi voi đi trong Vườn Quốc gia Yok Đôn khu vực gần sông Serepok, Buôn Đôn và Khu du lịch dịch vụ Buôn Đôn.

Voi liên tục phải chở khách qua sông và đi thăm thú dưới thời tiết nắng nóng không được chăm sóc đúng tiêu chuẩn. Hơn thế nữa, voi có biểu hiện bị ngược đãi, mất đi bản năng sinh đẻ, mất nguồn gen tự nhiên và nhiều hệ lụy khác dưới góc nhìn văn hóa. Hiện tại, Nhà nước đã cấm săn bắn, thuần dưỡng đàn voi hoang dã trong rừng Tây Nguyên. Tuy nhiên, đàn voi đã từng bị săn và thuần hóa trước đây cũng không thoát khỏi những nguy hiểm rình rập. Chúng chết dần vì các hoạt động phục vụ du lịch quá sức, bị săn lấy ngà, nhổ lông đuôi...

Voi Khăm Phanh được gia đình ông Y Gưh Trey (tên thường gọi là Ma Thanh) ở huyện Lăk nuôi. Năm 2006, khi dịch vụ cưỡi voi nở rộ, ông Thanh cho công ty du lịch ở thị trấn Liên Sơn thuê với giá 5 triệu đồng một tháng. “Đó là bản hợp đồng sai lầm nhất của tôi”, ông Ma Thanh nói và mô tả cách người ta “ngược đãi” con voi của mình suốt 5 năm.

Cứ sáng sớm, họ đưa Khăm Phanh cùng nhiều con voi khác xích chân trong du lịch buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, để phục vụ khách. Khi du khách có nhu cầu, nài voi sẽ chở họ (thường hai người) ra giữa hồ Lăk để trải nghiệm và chụp hình. Con nào có vẻ mệt mỏi, không di chuyển bị nài dùng gậy đánh liên tục. Việc phải phục vụ nhiều khách du lịch khiến nhiều voi kiệt sức.

Voi được cột phía sau nhà. Kẻ trộm thường chặt đứt đuôi để bán. Lông đuôi voi có chức năng xua đuổi ruồi muỗi, côn trùng, nếu không có nó voi rất dễ bị côn trùng tấn công gây bệnh. Vì vậy, việc chặt trộm đuôi voi để lấy lông làm các đồ mỹ nghệ gây hại trực tiếp cho tính mạng của voi.

Nhiều năm qua, các nài voi tăng cường thả rông, đưa voi vào để chúng phục hồi bản năng sinh sản nhưng tuyệt vọng. Các cá thể voi phải thích nghi với hoàn cảnh sống mới nên mất dần bản năng hoang dã, suy giảm nghiêm trọng số lượng voi số lượng voi. Đăk Lăk từng là “thủ phủ” của voi. Giai đoạn 1980-1990, số lượng voi nhà ở tỉnh trên 500 con, nhưng sau hơn 30 năm số lượng voi hao hụt nhiều. Đắk Lắk đang còn 37 con voi nhà và khoảng 80-100 con voi rừng, giảm khoảng 90% so với năm 1980.

Voi không còn bị “bóc lột”

UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 2486/QĐ-UBND ngày 4/11/2022 về việc phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh.

Voi được tham gia bữa tiệc buffet tại Lễ Hội Cà phê  (Ảnh Nhật Anh - TTXVN)
Voi được tham gia bữa tiệc buffet tại Lễ Hội Cà phê (Ảnh Nhật Anh - TTXVN)

Khoản viện trợ cho dự án hơn 55,45 tỷ đồng, tương đương 2,43 triệu USD; trong đó Tổ chức Động vật châu Á viện trợ không hoàn lại gần 50,9 tỷ đồng; vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp được bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi, cứu trợ động vật và quản lý bảo vệ rừng hàng năm là hơn 4,56 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến hết tháng 12/2026.

Mục tiêu của dự án là triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà, duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện cam kết với Tổ chức động vật châu Á, voi sẽ được chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ. Chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi. Các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Sau khi đồng ý thả voi về rừng, chủ voi được hỗ trợ ít nhất 700 triệu đồng để chuyển đổi công việc phù hợp.

Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk Trần Xuân Phước cho biết kế hoạch trước mắt dự án sẽ giải cứu những voi nhà bị ngược đãi, xuống sức, đưa về trung tâm chăm sóc y tế đặc biệt. Sau khi hồi phục sức khỏe, voi sẽ được thả vào rừng tự do kiếm ăn giúp cải thiện thể trạng, sống lâu hơn, tăng khả năng sinh sản, tránh nguy cơ tuyệt chủng và tránh xung đột với con người.

Ngoài ra, tỉnh Đăk Lăk chuẩn bị các bãi chăn thả để voi về lại với rừng “tìm kiếm thức ăn, không gian yêu”. Các điểm du lịch ở tỉnh lựa chọn những dịch vụ thân thiện, gắn liền loài động vật này như: tắm, chụp hình, cho voi ăn...

Dự án thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk. Quan trọng hơn cả, là một chiến lược truyền thông nhắm tới, nhà quản lý, chủ voi, nài voi, khách du lịch và cộng đồng, dần từ bỏ hoạt động du lịch cưỡi voi.

Cần gắn định vị GPS cho voi hoang dã
Tại Hội thảo “Tham vấn các bên liên quan nhằm hoàn thiện đề án đeo vòng cổ có gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk” do Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phối hợp Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam tổ chức, các đại biểu đưa ra ý kiến.
Việc hiểu các mô hình di chuyển của voi hoang dã vẫn chủ yếu dựa vào các địa điểm đã xảy ra xung đột giữa voi và con người; chưa hiểu đầy đủ cách thức sinh sống và di chuyển của voi hoang dã tại khu vực và vùng đệm của Vườn Quốc gia Yok Đôn và khi nào voi rừng di chuyển sang khu vực biên giới với Campuchia…
Chính vì vậy, việc gắn định vị GPS cho voi hoang dã có thể xác định sự di chuyển của các đàn voi nhằm cung cấp thông tin để bảo vệ, bảo tồn quần thể voi, cũng như cảnh báo địa phương, người dân biết voi đi qua để giảm thiểu xung đột giữa voi và người là hết sức cần thiết.