1. Trang chủ /
  2. Hà Nội chi 1.800 tỷ đồng phục dựng điện Kính Thiên

Hà Nội chi 1.800 tỷ đồng phục dựng điện Kính Thiên

thứ sáu, 28/4/2023 14:09 GMT+07
Hà Nội sẽ chi 1.800 tỷ đồng thực hiện Dự án phục dựng điện Kính Thiên, trên nguyên tắc không làm suy giảm hoặc thay đổi giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản.
Rồng đá ở thềm điện Kinh Thiên. Ảnh: TL

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, thực hiện Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ chi 798 tỷ đồng thực hiện dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học số 18 phố Hoàng Diệu; 136 tỷ đồng thực hiện dự án nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long thuộc Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và 1.800 tỷ đồng để phục dựng điện Kính Thiên.

Nguồn kinh phí này được bố trí theo nghị quyết số 21 ngày 23/9/2021 và nghị quyết số 28 ngày 28/12/2022 của HĐND TP Hà Nội.

Theo Ban chỉ đạo chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội, hiện các dự án trên đang được triển khai. Đối với Dự án phục dựng điện Kính Thiên được nghiên cứu bảo tồn trên nguyên tắc không làm suy giảm hoặc thay đổi giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản.

Điện Kính Thiên là kiến trúc quan trọng bậc nhất của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng. Tại đây, hoàng đế cử hành các đại điển lễ của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần. Do đó điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất của quyền lực quốc gia Đại Việt suốt 4 thế kỷ (XV - XVIII).

Điện Kính Thiên khởi dựng từ năm 1428, đời vua Lê Thái tổ. Năm 1816, vua Gia Long đã cho dỡ điện Kính Thiên với lý do “kiến trúc đã bị mục nát không thể tu bổ được” và cho dựng một tòa điện mới gọi là chính điện Hành cung, năm 1841 vua Tự Đức đổi thành điện Long Thiên.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, kiến trúc điện Kính Thiên đã bị phá hủy toàn bộ, chỉ còn lại khu nền cao hơn 2m và hai bộ lan can đá thềm bậc ở chính giữa mặt Nam và góc Tây Bắc.

Các cuộc khảo sát, khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ năm 2011 - 2022 đã mở ra những hiểu biết mới về Chính điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên qua hệ thống di tích, di vật.

Tuy nhiên, cấu trúc mặt bằng và phân gian kiến trúc điện Kính Thiên vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu các nguồn sử liệu để xác định quá trình xây dựng, cấu trúc nền móng và phân gian kiến trúc của các chính điện triều Lý, Trần, Hồ, Lê (Lam Kinh) và Nguyễn, từ đó đưa ra hướng nghiên cứu tìm hiểu về cấu trúc mặt bằng điện Kính Thiên.

Hố khai quật khảo cổ thuộc khu vực Chính điện Kính Thiên. Ảnh: TPO
Hố khai quật khảo cổ thuộc khu vực Chính điện Kính Thiên. Ảnh: TPO
Hiện vật khảo cổ gồm các loại gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung, đồ kim loại, đồ đá… được tìm thấy khi khai quật phần nền móng điện Kính Thiên. Ảnh: TPO
Hiện vật khảo cổ gồm các loại gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung, đồ kim loại, đồ đá… được tìm thấy khi khai quật phần nền móng điện Kính Thiên. Ảnh: TPO
Mô phỏng điện Kính Thiên của các nhà khoa học. Ảnh: Trung tâm BTDS Thăng Long - Hà Nội
Mô phỏng điện Kính Thiên của các nhà khoa học. Ảnh: Trung tâm BTDS Thăng Long - Hà Nội

Những kết quả nghiên cứu nói trên đã được UBND thành phố Hà Nội đồng thuận và quyết định dành nguồn lực lớn bảo tồn, phục hồi chính điện Kính Thiên và không gian chính điện Kính Thiên thời Lê trong khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Để thêm cứ liệu phục dựng điện Kính Thiên, UBND thành phố đề nghị các nhà khoa học đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật…