1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử

Bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử

thứ ba, 4/10/2022 11:41 GMT+07
Đây là một trong những kiến nghị quan trọng được dư luận đồng tình ủng hộ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Bảo vệ vị trí yếu thế của người tiêu dùng

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (QLNTD) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ QLNTD, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ QLNTD tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ QLNTD. Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ QLNTD (sửa đổi) là cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ QLNTD.

Dự thảo Luật Bảo vệ QLNTD (sửa đổi) có 7 chương, 80 điều, tập trung vào các nội dung cơ bản gồm: mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; bổ sung quy định về bảo vệ QLNTD dễ bị tổn thương; hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ QLNTD; bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù; hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ QLNTD; hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh…

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ QLNTD đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; về yêu cầu bảo đảm quyền con người trong thi hành Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật về bảo vệ QLNTD; số vụ việc vi phạm QLNTD tăng nhanh nhưng công tác giải quyết tranh chấp chưa thật sự hiệu quả.

Nêu rõ chính sách thực hiện giao dịch đặc thù

Đóng góp vào dự án Luật, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan tâm đối với việc bảo vệ QLNTD trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế. Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho rằng, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc mua bán thông qua các hình thức mới được nhiều người dân ưa chuộng. Để đảm bảo QLNTD khi mua bán, thanh toán thì trong dự án Luật cần đề cập cụ thể hơn đối với các giao dịch mang tính chất đặc thù như giao dịch từ xa, bán hàng đa cấp, giao dịch điện tử...

Đồng thuận với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: kinh tế, hoạt động thương mại ngày càng phát triển thì các phương thức kinh doanh, thanh toán qua môi trường mạng ngày càng phổ biến và thuận tiện hơn cho cả nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn rủi ro nếu như thông tin, dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng bị rò rỉ và được cung cấp tới bên thứ 3 nhưng lại bị lợi dụng vào mục đích khác. Do đó, để bảo vệ QLNTD tốt hơn, trong dự án Luật cần kỹ lưỡng hơn về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, hiện nay, hàng hóa của Việt Nam không chỉ được tiêu thụ ở trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước khác. Vì vậy, trong dự án Luật cần nói rõ hơn về việc bảo vệ QLNTD là người nước ngoài như để họ biết cụ thể hơn về chất lượng, xuất xứ sản phẩm..

Để dự án Luật Bảo vệ QLNTD được áp dụng vào thực tiễn trong cuộc sống, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định, dự án Luật cần có sự thống nhất với các luật liên quan như Bộ luật Tố tụng Dân sự, pháp luật về dữ liệu cá nhân. Dự án Luật cũng cần có sự tương thích đối với pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ người dân tộc và người yếu thế; pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao dịch điện tử; pháp luật về tố tụng hình sự, pháp luật về tiêu chuẩn hàng hóa, pháp luật về quảng cáo, quy định về cung ứng dịch vụ công, những luật liên quan đến các điều ước quốc tế.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng đề nghị, dự án Luật cần nêu rõ hơn về chính sách thực hiện giao dịch đặc thù. Trong quá trình chuyển đổi số thì cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần xem xét điều khoản nào thực hiện chính sách trong giao dịch đặc thù như đối với giao dịch mua bán thông qua quá trình chuyển đổi số...

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 277 ra ngày 4/10/2022)