1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Đặt quyền lợi an sinh xã hội lên hàng đầu

Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Đặt quyền lợi an sinh xã hội lên hàng đầu

thứ năm, 30/3/2023 14:10 GMT+07
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã công bố dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với một số đề xuất mới.
Ảnh minh hoạ

Một số đề xuất mới liên quan tới Luật Bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sau 9 năm đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, như diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) còn thấp, các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động trong thực hiện pháp luật về BHXH vẫn còn khoảng trống.

Bên cạnh đó, quy định về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu chưa phù hợp với thực tế tham gia BHXH và nhu cầu hưởng lương hưu của người lao động; Tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn thấp, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; Một số chế độ BHXH chưa được quy định để tăng sự hấp dẫn của BHXH; Mức hỗ trợ của một số chế độ, chính sách còn chưa hấp dẫn;...

dat quyen loi an sinh xa hoi len hang dau hinh 1

Luật BHXH 2014 còn thiếu các quy định để tạo thuận lợi hoạt động đàm phán và thực thi Hiệp định, cũng như có đủ quy định pháp lý cho người lao động Việt Nam tham gia thị trường lao động quốc tế được thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng chế độ BHXH tích lũy từ quá trình lao động.

Trước thực tế này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất xây dựng dự thảo Luật BHXH nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia, thụ hưởng các quyền lợi về BHXH.

Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH.

Được biết, dự thảo Luật BHXH có 9 chương, 133 Điều, nhiều hơn 8 điều so với Luật BHXH 2014. Trong dự thảo này, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra 10 đề xuất được giới chuyên gia đánh giá rất cao.

Đáng chú ý, dự thảo Luật BHXH bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH, đơn cử như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt;...

Việc bổ sung các đối tượng trên sẽ đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, đồng thời đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và gia tăng diện bao phủ của BHXH.

Bên cạnh đó, Dự thảo luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm nhiều quy định nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng như, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp xã hội.

Đối với quy định về BHXH một lần, dự thảo xin ý kiến với 02 phương án. Cụ thể:

Phương án 1: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần.

Ông Khuất Văn Trung - Đồng Chủ tịch Tiểu ban nguồn nhân lực và đào tạo, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng: Các đề xuất mới của Bộ LĐ-TB&XH liên quan tới dự thảo Luật BHXH đều hướng tới mục đích an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động khi về hưu.

Tuy nhiên, các đề xuất liên quan tới việc rút bảo hiểm 1 lần có phần chặt chẽ hơn. Ông Trung giải thích, có thể thắt chặt các quy định này nhằm hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần.

“Ngay trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, người lao động ồ ạt rút BHXH 1 lần, nhiều người chỉ lo nghĩ trước mắt, nhưng lại không lo nghĩ lâu dài. Việc họ rút BHXH 1 lần, đồng nghĩa với việc họ mất đi lương hưu và các chính sách hỗ trợ khác khi về hưu”, ông Trung nói.

Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm

Một trong những đề xuất đáng chú ý trong dự thảo Luật BHXH đó là giảm năm đóng từ 20 năm xuống còn 15 năm. Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận được các ý kiến trái chiều.

Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) giải thích: Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, mục đích giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Trong cơ cấu lao động của Việt Nam, số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội đang rất thấp, chỉ khoảng 25% - 30% lao động tham gia vào bảo hiểm xã hội.

70% còn lại, nhất là nhóm lao động ngoài nhà nước, phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội. Đây là con số lớn, có thể gây ra áp lực cho công tác an sinh xã hội về sau.

Mục tiêu của bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn là giảm rủi ro khi mất việc làm, ốm đau hay liên quan tới thai sản. Trong dài hạn, bảo hiểm xã hội đảm bảo người lao động có lương hưu khi về già, đảm bảo cuộc sống tiêu chuẩn tối thiểu cho người lao động khi đến tuổi về hưu không phải phụ thuộc quá nhiều vào con cái. Người nghỉ hưu cũng sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, các chế độ tử tuất.

“Số lượng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang rất lớn. Có thể nhiều người nghĩ rằng, đóng bảo hiểm 20 năm là thời gian dài, khi về hưu số tiền nhận hàng tháng cũng chỉ đảm bảo mức tối thiểu nên họ không tham gia. Do đó, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống 15 năm là hợp lý, để mở rộng đối tượng tham gia với toàn dân”, bà Hương chia sẻ.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Bùi Sỹ Luận - Chủ tịch công đoàn một doanh nghiệp may mặc tại Bắc Ninh chia sẻ: Việc giảm thời gian đóng BHXH sẽ có một số tác động ngược.

Ví dụ, việc giảm thời gian đóng BHXH đồng nghĩa với việc lương hưu sẽ giảm. Đặc biệt, ông Luận lo lắng, việc giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm sẽ làm lao động nghỉ việc trước hạn nhiều hơn.

“Hiện nay, nhiều người lao động vẫn có tâm lý đóng BHXH như chơi xổ số. Nếu họ sống lâu, thì được hưởng lương hưu dài, nhưng nếu chẳng may ngược lại, nhiều người cho là phí phạm. Do đó, khi về hưu họ sẽ rút luôn 1 cục cho đỡ tiếc. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, nhưng cần có giải pháp để hạn chế tình trạng trên”, ông Luận nói.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, kinh nghiệm của nhiều nước quy định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn thì mức lương hưu có thể thấp. Tuy nhiên, với khoản lương hưu được trả hằng tháng thì vẫn đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho người lao động khi về già, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc đảm bảo trợ cấp xã hội cho người cao tuổi.
Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, việc giảm năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm không có tác động về kinh tế, do ngân sách Nhà nước không phát sinh thêm chi phí trong việc thực hiện chính sách này. Dù vậy, việc giảm điều kiện về số năm đóng để hưởng lương hưu có thể giúp làm gia tăng số người được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, giảm gánh nặng cho Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi.