1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Thấp thỏm nỗi lo sạt lở mùa mưa bão

Thấp thỏm nỗi lo sạt lở mùa mưa bão

chủ nhật, 2/6/2024 11:11 GMT+07
Cứ vào mùa mưa bão là tình trạng sạt lở đất, đá gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân ở tỉnh Bắc Kạn lại diễn ra. Cho đến nay, đây vẫn là bài toán chưa có lời giải thấu đáo ở tỉnh miền núi này khi mà địa hình chia cắt mạnh, phần lớn hộ dân sinh sống dưới chân núi, chân đồi.
Lực lượng chức năng triển khai công tác cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân bị đất, đá vùi lấp ở huyện Ngân Sơn. (Ảnh TUẤN SƠN)

Mặc dù đã có kế hoạch nhưng nhiều năm qua, Bắc Kạn không đủ nguồn lực để hỗ trợ người dân di dời tới nơi ở an toàn hơn.

Nhiều nguy cơ

Những ngày qua, nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân đã tới động viên, chia sẻ, hỗ trợ gia đình ông Long Sơn Hà, thôn Phiêng Pục, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, sau tai nạn lở đất kinh hoàng, vùi lấp, cướp đi ba người thân trong gia đình. Ký ức đáng sợ về cái đêm 22/5 vẫn hằn trên từng khuôn mặt những người còn lại, trong khi đứa trẻ nhỏ mới hơn hai tuổi mất mẹ ngằn ngặt khóc trong vòng tay bà ngoại.

Theo ông Hà, mấy hôm trước đó có mưa nhưng ngày 21/5 trời nắng. Chung quanh nhà chưa có dấu hiệu sạt lở bao giờ. Tuy nhiên, tai ương đã ập đến vào thời điểm và hoàn cảnh không ai ngờ tới. Khoảng 0 giờ ngày 22/5, khi cả nhà tám người đang say ngủ thì sạt lở đất ập xuống, làm sập, vùi lấp phòng ngủ phía trong cùng. Ông Hà cất tiếng gọi nhưng căn phòng có ba người nằm ngủ phía trong cùng không tiếng trả lời. Năm người còn lại kịp chạy thoát ra ngoài. Phải đến hơn 10 giờ sáng, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể của ba nạn nhân dưới đống đất, đá. Chỉ trong tích tắc, gia đình ông Hà đã mất đi con rể, con gái và một cháu ngoại. Con thứ hai của đôi vợ chồng trẻ, mới được hơn hai tuổi may mắn thoát nạn do đêm đó sang nằm ngủ với ông bà ngoại.

Những tai nạn đau lòng do sạt lở đất, đá ở Bắc Kạn trong những năm qua đã không còn là chuyện hiếm. Đau lòng nhất là phần lớn các vụ sạt lở này xảy ra ở những thôn, bản xa, nên công tác cứu hộ, cứu nạn khó có thể kịp thời do lực lượng chức năng phải di chuyển quãng đường rất xa. Trong khi đó, lực lượng tại chỗ chỉ có sức người và công cụ thô sơ, khó có thể xử lý những khối lượng sạt lở lớn.

Tháng 6/2023, sau trận mưa lớn, tại thôn Bản Pèo, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, hàng chục mét khối đất, đá ta-luy dương bất ngờ sạt lở xuống làm đổ sập một ngôi nhà. Hậu quả khiến một cháu bé 6 tuổi bị vùi lấp trong đống đổ nát dẫn đến tử vong. Bản Pèo là một trong những thôn xa nhất của xã Bình Trung, người dân sinh sống rải rác, nên khi tai nạn xảy ra, việc ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn.

Những khu vực trung tâm, đông dân cư cũng không tránh khỏi nguy cơ thiệt hại về tính mạng và tài sản trước nguy cơ sạt lở đất, đá. Tháng 7/2023, hàng chục hộ dân sinh sống dưới chân ta-luy dương ở tổ 1, thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới được phen hú hồn vì sạt lở. Nhà bà Lê Thị Sơn kinh doanh hàng tạp hóa bị đá văng thủng mái tôn, bức tường xây bằng đá để chắn đất bị đẩy vỡ.

Đất đá xô đổ bức tường sau quán làm đổ sập kho chứa nhưng rất may không có ai bị thương. Sau đó có bảy hộ nằm trong diện sạt lở cao đã phải di dời bắt buộc. Và bốn hộ trực tiếp bị đất sạt vào nhà đã thực hiện di dời.

Nâng cao ý thức phòng tránh

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn, hầu hết ở các huyện, thành phố của Bắc Kạn đều xuất hiện các điểm nguy cơ sạt lở cao, rất nguy hiểm. Rất nhiều khu vực có nền địa chất chủ yếu là đá phiến sét, sét vôi..., mức độ phong hóa khá mạnh, bột bở rời nên dễ bị chảy nhão khi gặp nước. Điều đáng lo ngại nhất là nhiều điểm sạt lở khó dự báo, chỉ xuất hiện khi có mưa bão hoặc xuất hiện bất ngờ. Và trung bình mỗi năm ở Bắc Kạn xuất hiện mới khoảng 100 đến 150 hộ có nguy cơ hứng chịu sạt lở đất, đá.

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 384 điểm với khoảng 1.900 hộ có nguy cơ hứng chịu sạt lở đất đá, trong đó huyện Ba Bể 310 hộ, Chợ Đồn 276 hộ, Chợ Mới hơn 300 hộ, Pác Nặm hơn 370 hộ, Na Rì 284 hộ, Bạch Thông 155 hộ, thành phố Bắc Kạn 198 hộ. Đó là chưa kể còn có nhiều vị trí có thể xuất hiện ở những vùng vốn chưa bị sạt lở. Đây là một mối nguy hiểm tiềm tàng rất khó dự báo và đã xảy ra trong khoảng 5 năm lại đây.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, số lượng các vị trí có nguy cơ sạt lở ở Bắc Kạn nhiều nhưng quy mô của từng điểm không quá lớn. Vấn đề là nguyên nhân tạo ra các vị trí nguy cơ này lại chủ yếu là do con người. Tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát đối với việc san ủi đất đồi để làm nhà mà chưa chuyển mục đích sử dụng đất là điều khá phổ biến ở các xã, thôn. Những vị trí đã chuyển đổi mục đích sử dụng thì cũng chưa có hướng dẫn, giám sát khi san ủi để giảm nguy cơ sạt lở. Và do phong tục tập quán nên phần lớn các hộ vẫn bố trí phòng ngủ ở khu vực phía sau, thường là các vị trí sát với ta-luy dương nên khi xảy ra sạt lở dễ thiệt hại về người.

Nguy cơ là vậy nhưng Bắc Kạn hiện mới dừng ở mức ứng phó khi xảy ra, chứ chưa thể xử lý dứt điểm được do không có kinh phí. Bắc Kạn đã phê duyệt dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư, giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 để triển khai 79 dự án bố trí ổn định dân cư cho 2.609 hộ dân với tổng vốn hơn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến 2024, tỉnh chỉ mới bố trí được vài chục tỷ đồng xây dựng sáu dự án bố trí dân cư tập trung, năm phương án bố trí dân cư xen ghép, ổn định chỗ ở cho khoảng 300 hộ dân.

Chi Cục trưởng Thủy lợi Bắc Kạn Đới Văn Thiều cho biết, vì thiếu kinh phí, nên việc đánh giá nguy cơ các điểm sạt lở chủ yếu dựa trên cảm quan, kinh nghiệm và những tài liệu địa chất hiện có. Do vậy, để phòng tránh nguy cơ sạt lở đất, đá thì trước hết mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức. Chính quyền cơ sở phải nỗ lực tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ. Đặc biệt, phải làm tốt công tác rà soát, quản lý, hướng dẫn việc san ủi đất đồi để làm nhà.

Bắc Kạn hiện đã thành lập đủ 108 đội xung kích phòng chống thiên tai ở 108 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, với những vụ sạt lở như đã xảy ra thì chỉ với sức người sẽ rất khó hiệu quả trong cứu nạn. Để phòng tránh, không gì bằng chính việc mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức, lo cho an nguy bản thân mình trước thông qua việc tìm chỗ an toàn để làm nhà. Chính quyền địa phương phải sâu sát, quyết liệt hơn trong cảnh báo, quản lý đất đai, xây dựng để tránh tái diễn những vụ việc đau lòng như đã xảy ra trong thời gian qua.