1. Trang chủ /
  2. Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực tiền mã hóa tăng cao

Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực tiền mã hóa tăng cao

thứ tư, 20/9/2023 22:42 GMT+07
Với sự hội nhập sâu rộng trên thế giới và với sự bùng nổ của công nghệ, thủ đoạn rửa tiền ngày càng tinh vi, nhất là với tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá).

Các báo cáo gần đây của các tổ chức uy tín toàn cầu chỉ ra nguy cơ rửa tiền đang có xu hướng tăng cao trong lĩnh vực tiền mã hóa, tài sản số, đồng thời đặt ra thách thức mới trên toàn cầu.

Việt Nam đứng thứ 15 thế giới về giao dịch tiền mã hóa

Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô các hoạt động rửa tiền toàn cầu có thể lên tới 1.600 – 4.000 tỷ USD/năm, tương đương 2 - 5% tổng GDP toàn thế giới. Số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết quy mô của các hoạt động bất hợp pháp này còn có thể cao hơn, từ 2.000 - 5.000 tỷ USD/năm.

nguy co rua tien trong linh vuc tien ma hoa tang cao hinh 1
Thảo luận bàn tròn tại Hội nghị về phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa.

Theo một số liệu từ Chainalysis được Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ trong chương trình tập huấn tại Tòa án nhân dân Tối cao Việt Nam cuối tháng 8/2023, chỉ từ 10/2021 – 10/2022 tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Chainalysis là công ty phân tích dữ liệu blockchain hàng đầu thế giới. Công ty này cho biết các địa chỉ bất hợp pháp đã rửa gần 23,8 tỷ USD giá trị tiền mã hoá vào năm 2022, tăng 68% so với năm 2021.

CoinmarketCap cho biết hiện tại, tổng vốn hóa thị trường tiền mã hóa và tài sản số dao động quanh mốc 1.000 tỷ USD và khối lượng giao dịch 24h khoảng 31 tỷ USD.

Tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.

Trên đây là những thông tin được đưa ra trong Hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức ngày 20/9/2023

Phòng chống rửa tiền với giao dịch tiền ảo thế nào?

Việt Nam chưa công nhận tiền mã hoá nhưng những năm gần đây tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán. Vậy không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này? Và phòng chống rửa tiền như thế nào đối với loại tiền này?

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam khẳng định, công tác phòng chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam từ rất sớm.

nguy co rua tien trong linh vuc tien ma hoa tang cao hinh 2
Các khoản tiền bất hợp pháp từ nhiều máy ATM Bitcoin trước khi hợp nhất thành một giao dịch lớn để gửi lên sàn.

Nhưng khi công nghệ blockchain ra đời, kéo theo đó là nguy cơ gia tăng tội phạm tài chính, rửa tiền sử dụng công nghệ cao theo chiều hướng tinh vi, phức tạp và tốc độ nhanh chóng. Nhưng phần lớn các quốc gia đều chưa có hành lang pháp lý theo kịp sự thay đổi này, ông Nguyễn Đoan Hùng cho biết.

Ngành công nghệ chuỗi khối (blockchain) đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ và tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra các tồn tại vô hình và thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.

Việt Nam đã có Luật Phòng, chống rửa tiền, Nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành đã được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên hành lang pháp lý với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hóa) chưa đầy đủ.

Hội nghị đã khuyến cáo nguy cơ rửa tiền trong các giao dịch tiền mã hoá, tài sản. Cụ thể như tháng 8/2022, một nhóm rửa tiền đã gửi các khoản tiền bất hợp pháp từ nhiều máy ATM Bitcoin trước khi hợp nhất thành một giao dịch lớn để gửi lên sàn giao dịch.

Tháng 3/2023, chính quyền New York đã bắt giữ một người đàn ông bị cáo buộc giúp rửa hơn 1 triệu USD trong các khoản cho vay gian lận. Và nhiều vụ việc khác đã được phát hiện ở một số nước, tội phạm bị bắt giữ và còn nhiều tội phạm khác đang được truy nã.

Đáng chú ý là, các sàn giao dịch tập trung là nơi nhận các nguồn tiền bẩn nhiều nhất, chiếm khoảng 50% tổng khối lượng giao dịch bất hợp pháp trong 5 năm gần đây.

Dù chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền mã hoá tại Việt Nam nhưng phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa đang mối quan tâm của các ngân hàng ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các giao dịch tiền mã hóa gia tăng nhanh chóng, thủ đoạn rửa tiền ngày càng tinh vi.

Nhấn mạnh đến việc phòng chống rửa tiền đối với tiền mã hóa, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cung cấp thông tin: Đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động.

Cũng theo ông Trung cho biết, theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hoá tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hoá sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027.

Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn giao dịch Binance, theo báo cáo gần đây của Wall Street Journal.

Với sự gia tăng nhanh chóng này, trong bối cảnh các khung quy định dành cho thị trường tiền mã hoá còn bỏ ngỏ, nguy cơ hoạt động rửa tiền mã hoá tại Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới, ông Phan Đức Trung, khuyến cáo.

Bên cạnh tội phạm rửa tiền mã hoá xuyên biên giới, thì tội phạm rửa tiền truyền thống ở trong nước cũng sẽ tìm đến thị trường đầy tiềm năng này do không bị ràng buộc pháp lý.

Để tăng cường hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền thông qua tiền mã hóa nói riêng và tài sản số, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu vấn đề: Cần kiến nghị các cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện qui định pháp luật nào để hạn chế ngăn chặn được hành vi phạm tội? Các TCTD cần những chuẩn bị về nhân sự và trang bị kiến thức pháp luật nào để phòng, chống rửa tiền có hiệu quả khi phải đối mặt với tội phạm mới này?...

Hội nghị đưa ra 3 khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tài sản số:

Một là, nhận diện tài sản số là một loại tài sản mà Bộ luật Dân sự Việt Nam đã công nhận.

Hai là, các định chế tài chính cần xây dựng Quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản số đối với các giao dịch qua tài khoản cá nhân.

Ba là, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật.

Thông qua Hội nghị, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cam kết thúc đẩy các nguyên tắc quản trị và tuân thủ theo thông lệ quốc tế từ các tiêu chuẩn cao nhất của Basel cũng như quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH-15, quy tắc chống rửa tiền AML/CFT của FAFT cũng như các tổ chức quốc tế. Đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các định chế tài chính nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong các lĩnh vực trên.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Với vai trò là cơ quan quản lý, Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các Hiệp hội, các tổ chức báo cáo là ngân hàng, công ty dịch vụ, tổ chức tài chính, công ty công nghệ tài chính trong công tác phòng chống rửa tiền”.