1. Trang chủ /
  2. Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Cần sớm làm rõ và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng phòng hộ

Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Cần sớm làm rõ và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng phòng hộ

thứ tư, 31/5/2023 16:15 GMT+07
Mới đây, tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xóm Khe Cạn, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên), nhiều cây gỗ rừng tự nhiên có đường kính lớn bị các đối tượng ngang nhiên khai thác, chặt phá trước sự bức xúc của nhân dân, nhất là khi các cơ quan chức năng địa phương chưa kịp thời ngăn chặn, xử lý do chậm phát hiện.
Dấu vết gỗ rừng phòng hộ bị đốn hạ, đổ ngổn ngang trong rừng, có cây to đã khô, tróc vỏ cho thấy việc chặt phá đã diễn ra trong thời gian dài mà không được ngăn chặn kịp thời.

Theo phản ánh của người dân xóm Khe Cạn, gần đây trên địa bàn xóm xảy ra tình trạng một số đối tượng ngang nhiên đưa máy móc, phương tiện vào khai thác, chặt phá hàng loạt cây gỗ lớn tại khu vực rừng Máng Lợn, xóm Khe Cạn, thuộc khoảnh 17, tiểu khu 190, là loại rừng phòng hộ do UBND xã Cây Thị quản lý. Địa điểm này cách trung tâm xã cũng chỉ vài km, đường sá đi lại tương đối thuận tiện. Nhưng không hiểu vì sao vụ việc chỉ được cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, xử lý kiên quyết sau khi có ý kiến của người dân và báo chí phản ánh.

Tại hiện trường, phóng viên chứng kiến cảnh tan hoang của vạt rừng do nhiều cây gỗ lớn đã bị các đối tượng chặt hạ đổ ngổn ngang, một số thân cây đã được cắt thành từng khúc, tập kết tại khoảng đất trống nằm phía sau nhà một người dân gần đó tên là Phan Văn Thực (ông Thực từng là thành viên của tổ bảo vệ rừng địa phương), ông Thực không thừa nhận số gỗ trên là của mình và cũng không biết ai để ở đó. Qua kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng khẳng định, có 20 khúc gỗ thông thường với tổng khối lượng 3,502m3, trong đó có 15 khúc gỗ dẻ và 6 khúc gỗ không xác định được tên cây. Nhiều gốc cây bị chặt hạ có đường kính gốc rất to, từ 25-55cm và nhiều cây to có dấu hiệu đã bị chặt hạ từ lâu đã khô, tróc vỏ.

Những gốc cây to có đường kính lớn mới bị cắt tại hiện trường.

Cũng tại lối vào khu vực khai thác và khu vực chặt phá rừng phòng hộ trái phép vẫn còn để lại nhiều vệt bánh xe vào khai thác, vận chuyển gỗ còn rất mới. Cách vị trí các cây bị chặt hạ không xa còn có một điểm cưa xẻ gỗ đã dừng hoạt động.

Theo quan sát của phóng viên, ít nhất có hơn chục cây gỗ lớn với đường kính từ 20-30cm bị chặt hạ và xẻ thành từng đoạn dài 3m nằm ngổn ngang. Nhiều cây đã bị các đối tượng cưa xẻ thành tấm vận chuyển ra khỏi rừng tiêu thụ, tại hiện trường chỉ còn bỏ lại lớp mỏng vỏ cây.

Thông tin tới phóng viên, lãnh đạo UBND xã Cây Thị thừa nhận, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ việc nhiều cây gỗ trong khu vực rừng phòng hộ bị chặt hạ. Lực lượng chức năng đã tới hiện trường kiểm tra, lập biên bản sự việc. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, thu giữ số gỗ bị chặt hạ đưa về UBND xã và báo cáo cấp trên để có phương án để xử lý.

Một khối lượng lớn gỗ đã bị xẻ thành tấm chở đi tiêu thụ chỉ còn lại lớp vỏ mỏng tại hiện trường và một số tấm gỗ xẻ chưa kịp mang đi tiêu thụ.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Vinh - Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, cán bộ phụ trách địa bàn xã Cây Thị cũng thừa nhận có vụ chặt phá gỗ rừng phòng hộ trái phép tại xóm Khe Cạn diễn ra trong khoảng các ngày 21-22/5/2023 và vị cán bộ này cũng cho rằng do người dân chặt trộm và qua xác minh có 7 cây dẻ với tổng khối lượng khoảng 3,5m3 gỗ, số gỗ này đã được đưa về UBND xã Cây Thị để tiến hành xử lý.

Tuy nhiên cũng theo quan sát của phóng viên tại UBND xã Cây Thị, không rõ số gỗ bị chặt trộm được tập kết tại những đâu? Bởi có điều lạ là khi lượng gỗ thu giữ, tập kết về UBND xã để xử lý chỉ là những cây gỗ tạp, thậm chí có nhiều cây đã chết khô từ lâu với số lượng ít hơn nhiều so với số cây đã bị chặt hạ, kiểm tra tại hiện trường.

Số gỗ tạp nhỏ ít ỏi được cơ quan chức năng thu giữ tại UBND xã Cây Thị làm cơ sở xử lý vi phạm.

Dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu chính quyền xã Cây Thị có buông lỏng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm địa bàn đã thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ để việc chặt phá rừng phòng hộ diễn ra trong nhiều ngày mà không phát hiện, ngăn chặn kịp thời? Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên sớm vào cuộc điều tra, làm rõ số số lượng gỗ đã bị chặt hạ, tiêu thụ, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân để xảy ra vi phạm, đồng thời có hình thức kỷ luật nghiêm khắc, xử nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và nội dung tinh thần Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được các cơ quan báo chí phản ánh.