1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Nhiều dự án ở Lạc Dương (Lâm Đồng) chậm đưa đất vào sử dụng

Nhiều dự án ở Lạc Dương (Lâm Đồng) chậm đưa đất vào sử dụng

thứ năm, 30/3/2023 14:17 GMT+07
Trong số 14 dự án không đưa đất đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có tới 8 dự án liên quan đến rừng.
Một góc dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp an dưỡng, dưỡng lão Thủy Hoàng Nguyên bị "điểm danh" chậm đưa đất vào sử dụng.

Theo UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), qua ra kiểm tra, rà soát, trên địa bàn có 14 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất. Các dự án này có tổng vốn đầu tư 1.478,398 tỷ đồng với quy mô 962,1ha. Đây là các dự án đầu tư ngoài ngân sách được giao đất, cho thuê đất khôn thông qua đấu giá, không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Trong số các dự án trên có 8 dự án có rừng, liên quan đến đất rừng gồm: Dự án Kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp trồng hoa quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH Thảo Vân (TP HCM) với tổng số vốn 8,02 tỷ, tổng diện tích thực hiện dự án 9,2ha; Dự án Chăm sóc quản lý bảo vệ rừng, sản xuất nông lâm kết hợp du lịch sinh thái của Công ty CP SXHQ (Đồng Nai) với tổng vốn đầu tư 112 tỷ, diện tích 68,1ha; Dự án đầu tư sản xuất công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái của Công ty TNHH thủy điện và du lịch sinh thái Thác Rồng (Lâm Đồng) với 40 tỷ đồng, quy mô 301.68ha;

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp an dưỡng, dưỡng lão Thủy Hoàng Nguyên của Công ty TNHH Thủy Hoàng Nguyên (TP HCM) vói 116 tỷ đồng, quy mô 72ha; Dự án Dư án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Bạch Cúc của Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc (Lâm Đồng) với 14.70 tỷ đồng với 6.44ha;

Dự án Quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp nuôi cá nước lạnh của Công ty TNHH vận tải hành khách và du lịch thuận thành (cũ của Công ty TNHH Khánh Vân) (Lâm Đồng), với 20.53 tỷ đồng diện tích 162.71 ha; Dự án Quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp của Công ty TNHH Điểm Nóng với vốn 7.87 tỷ đồng, diện tích 10.86ha; Dự án Quản lý bảo vệ rừng, trồng cỏ và chăn nuôi gia súc của Công ty TNHH Xây dựng-Thương Mại Nguyễn Trương vốn 12.16 tỷ đồng vốn 40.95ha.

6 dự án còn lại gồm 4 dự án nông nghiệp: Dự án Trồng cây dược liệu tại huyện Lạc Dương của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar - Lâm Đồng) với quy mô 56.04ha, tổng vốn đầu tư 50.72 tỷ đồng; Dự án Đầu tư nuôi cá nước lạnh của Công ty TNHH Kim Sa Thổ (Lâm Đồng) với 2.90 tỷ đồng, quy mô 2.9ha; Dự án Xây dựng nông trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoa Đất Việt (TP HCM) với 23.08 tỷ đồng, 8.83ha; dự án Trang trại nuôi cá nước lạnh thôn Đưng TuPo xã Đạ Chais của Công ty Cổ phần Én Việt Lâm Đồng (Lâm Đồng) với 23.00 tỷ đồng, diện tích 79.17ha;

Và 2 dự án năng lượng gồm dự án Nhà máy thủy điện Đar Hir của Công ty Cổ phần thủy điện Đa Hir với tổng vốn đầu tư 723.968 tỷ đồng, quy mô 89.76ha; Dự án Thủy điện Đa Nhim Thượng 2 của Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim Thượng 2 với tổng vốn 323.450 tỷ đồng, quy mô 53.46 ha.

Về tình hình triển khai thực hiện, trong 14 dự án chậm đưa đất vào sử dụng có 5 dự án chuẩn bị đầu tư; 8 dự án đã triển khai xây dựng, trong đó 7 dự án xây dựng một phần.

Huyện Lạc Dương cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để có báo cáo đối với các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn huyện.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững Lâm Đồng mới đây do Phó Chủ tịch Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp chỉ đạo, một trong những vấn đề được các đại biểu nhấn mạnh là rà soát, xác định tính khả thi, hiệu quả của các dự án cho doanh nghiệp thuê đất rừng. Đặc biệt khi doanh nghiệp không thực hiện dự án, trả lại đất thì cần xác định hiện trạng rừng so với lúc đầu để làm rõ trách nhiệm.