1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Phóng viên Báo Tiền phong bị doạ giết: Cần đưa ra ánh sáng những kẻ ngông cuồng, coi thường pháp luật

Phóng viên Báo Tiền phong bị doạ giết: Cần đưa ra ánh sáng những kẻ ngông cuồng, coi thường pháp luật

thứ ba, 30/5/2023 22:08 GMT+07
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi của các đối tượng doạ giết phóng viên Báo Tiền Phong sau khi viết bài phản ánh về “đất tặc” (khai thác, mua bán đất trái phép) ở tỉnh Đắk Lắk là biểu hiện của sự ngông cuồng, coi thường pháp luật, xem nhẹ mạng người.
Khu vực khai thác đất được nhà báo Tuấn Nguyễn ghi lại.

Phóng viên bị “doạ giết cả nhà”

Trước đó, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5/2023, nhà báo Nguyễn Văn Tuấn (bút danh Tuấn Nguyễn) có đi xác minh nguồn tin, nhập vai điều tra các đối tượng mua bán đất nông nghiệp trái phép để thi công một số tuyến đường giao thông ở Đắk Lắk.

Sau nhiều ngày đêm tác nghiệp, đóng vai điều tra, nhà báo đã bị một số đối tượng gọi điện “doạ giết” với nhiều lời lẽ thể hiện sự hung hăng, côn đồ, coi thường pháp luật, xem nhẹ mạng người.

Theo nhà báo Tuấn Nguyễn, hành vi đe doạ của các đối tượng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và cuộc sống của anh cũng như gia đình, tạo tâm lý bất an. Rất có thể các đối tượng sẽ tìm cách trả thù cá nhân anh và gia đình.

Trước việc này, ngày 25/5/2023, Báo Tiền Phong đã có Công văn số 276/CV-BTP-2023 gửi Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này, Công an huyện Cư Kuin và các cơ quan liên quan vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đe doạ, bảo vệ nhà báo tác nghiệp và đảm bảo an ninh an toàn trên địa bàn.

Liên quan đến vụ việc, ngày 27/5, sau khi nắm biết vụ việc, ông Lê Thái Dũng - Bí thư Huyện ủy Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, sẽ yêu cầu báo cáo, giải trình về vụ việc, bao gồm cả việc có hay không sự đùn đẩy, trì hoãn cung cấp thông tin liên quan, biên bản xử lý vi phạm các cá nhân san lấp, múc đất chở đi nơi khác trái phép.

Sau 1 ngày (28/5/2023), Đại tá Nguyễn Văn Bôn - Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, đã nắm thông tin vụ việc 1 nhà báo công tác tại báo Tiền Phong bị đe doạ khi tác nghiệp.

“Chúng tôi đã có ý kiến chỉ đạo làm rõ. Công an huyện Cư Kuin đang làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định” - Đại tá Bôn thông tin.

Đến ngày 29/5/2023, sau khi nhận được công văn của Báo Tiền Phong kèm theo đơn tố giác tội phạm của nhà báo Nguyễn Văn Tuấn (Phụ trách Văn phòng đại diện Báo Tiền Phong tại khu vực Tây Nguyên) đề nghị bảo vệ phóng viên, nhà báo tác nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Công an tỉnh Đắk Lắk và UBND huyện Cư Kuin về việc đề nghị xác minh và xử lý hành vi đe doạ, uy hiếp tính mạng nhà báo.

Theo Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk, đây là sự việc nghiêm trọng, gây tổn hại trực tiếp đến tinh thần của nhà báo Nguyễn Văn Tuấn và các thành viên trong gia đình. Sự việc cũng gây lo ngại, bức xúc trong đội ngũ những người làm báo, ảnh hưởng rất xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Do đó, Sở đề nghị Công an tỉnh, UBND huyện Cư Kuin chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo Nguyễn Văn Tuấn, nhằm bảo vệ tính mạng, danh dự, uy tín của nhà báo và bảo đảm môi trường tác nghiệp báo chí an toàn. Cơ quan này cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng có phương án bảo vệ nhà báo Nguyễn Văn Tuấn và người thân.

Công văn số 276/CV-BTP-2023 của Báo Tiền Phong gửi Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Biểu hiện của sự ngông cuồng, coi thường pháp luật

Từ góc độ pháp lý, luật sư Vi Văn Diện - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, hành động các đối tượng dùng số điện thoại lạ gọi điện “dọa giết mất nòi, mất xác”, “đốt cả nhà” đối với phóng viên báo Tiền Phong thể hiện sự ngông cuồng, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác. Vì vậy, cơ quan cảnh sát điều tra cần ngay lập tức xác minh, điều tra đưa đối tượng ra ánh sáng xử lý và trừng trị nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần làm sáng tỏ hành vi đe dọa của các đối tượng có liên quan đến bài phản ánh của nhà báo Tuấn Nguyễn về nạn “đất tặc” hay không.

Luật sư Diện cho rằng, Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội đe dọa giết người quy định: Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật với khung hình phạt lên đến 7 năm tù.

Luật sư Vi Văn Diện - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Cũng theo luật sư Diện, tại khoản 25 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”.

“Rõ ràng dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng chúng ta đã nhìn rõ, những đối tượng ngang nhiên, bất chấp pháp luật trong việc khai thác, vận chuyển trái phép tài nguyên đất tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cần bị nghiêm trị, đảm bảo tính răn đe để “làm gương” cho những người khác đang có ý định thực hiện hành vi tương tự” - Luật sư Diện nói.

Cùng quan điểm với đồng nghiệp, luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng nhận định, trong vụ việc, cần xem xét quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự hiện hành, khởi tố hình sự để điều tra về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” . Bởi, tài nguyên đất thuộc quyền quản lý của Nhà Nước, tài nguyên, tài sản quốc gia khi chưa được cấp phép thì rõ ràng hành vi đó đã xâm phạm khách thể do Bộ luật Hình sự quy định.

Còn Tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, nền báo chí nước ta không phải chỉ là báo chí công nghiệp, báo chí truyền thông mà còn là báo chí cách mạng, báo chí phản ánh những vấn đề nổi cộm, tiêu cực, mặt trái của xã hội để góp phần “rửa sạch” những “vết ố” trong xã hội.

Để làm được điều đó, hàng chục nghìn nhà báo ngày đêm không ngại vất vả, không ngại nguy hiểm để hoàn thành “sứ mệnh báo chí cách mạng”. Thế nhưng, cũng cần có quy định pháp luật cụ thể hơn để bảo vệ các nhà báo. Đừng để những nhà báo vì nước, vì dân phải 1 mình đối diện với nguy hiểm, đối diện với sự ngông cuồng, coi thường pháp luật, xem nhẹ mạng người của các đối tương xấu.

Tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

“Đã đến lúc tính mạng, quyền lợi và sự an toàn của các nhà báo chân chính cần được quan tâm hơn, bảo vệ sự an toàn hơn để “những nhà báo cách mạng” ấy không bị đe doạ, để rồi từ tâm, từ nghề, từ chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó được thẳng thắn, được công tâm vạch trần những sai phạm, những tiêu cực trong xã hội” - Tiến sỹ Nga bày tỏ.