1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Quảng Nam: Đập tạm ngăn mặn “trễ hẹn”, hàng ngàn ha lúa nguy cơ chết

Quảng Nam: Đập tạm ngăn mặn “trễ hẹn”, hàng ngàn ha lúa nguy cơ chết

thứ năm, 30/3/2023 14:17 GMT+07
Năm nay công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện vẫn thống nhất chủ trương xây dựng trên vị trí cũ thuộc phường Điện Ngọc, cách trạm bơm Tứ Câu về hạ lưu khoảng 350m.
Do thiếu nguồn cát, đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện vẫn chưa được thi công như mọi năm.

Quy mô dự án gồm tuyến đập dài khoảng 130m ngăn toàn bộ mặt cắt sông Vĩnh Điện; thân đập được đắp bằng cát với gần 10.000m3. Dự án có tổng vốn đầu tư 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 2 lần tổ chức đấu thầu đều không có đơn vị nào tham dự gói thầu thi công công trình này. Nguyên nhân chính do thiếu cát.

Khác với mọi năm, năm nay các DN không mấy mặn mà tham gia đấu thầu làm đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện (Quảng Nam), khiến gần 2.000ha lúa đối diện nguy cơ chết khô.

Nguy cơ mất trắng

Khoảng 1 tháng gần đây, hàng ngàn hộ dân ở thị xã Điện Bàn và TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) như “ngồi trên đống lửa” khi gần 2.000ha lúa vụ đông - xuân đang trong giai đoạn trổ đòng phải chịu cảnh “khát nước” dài ngày, có nguy cơ mất trắng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây lúa thiếu nước tưới nghiêm trọng là do công trình đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện (TX Điện Bàn) chưa được thi công theo định kỳ hàng năm.

Tại cánh đồng lúa thôn Ngân Cau và thôn Ngân Giang (phường Điện Ngọc, TX Điện Bàn), những ngày này, mương dẫn nước từ kênh chính ra đồng ruộng đang dần cạn khô. Thiếu nước, cây lúa bị vàng lá và bị chuột phá hoại trên diện rộng.

Bà Huỳnh Thị Luận (SN 1955, ngụ thôn Ngân Cau) cho biết, cả 3 sào lúa gia đình đã bắt đầu chuyển sang màu vàng úa do thiếu nước tưới trầm trọng. Bà Luận cho hay, không chỉ mình bà, trên cánh đồng này, những thửa ruộng khác đều rơi vào cảnh tương tự. Cách đây nửa tháng, trạm bơm Tứ Câu dẫn nước nhiễm phèn từ sông Vĩnh Điện vào ruộng khiến cả cánh đồng mắc bệnh vàng lá. Người dân chỉ biết tập trung rửa mặn để cứu tài sản của mình được chừng nào hay chừng đó và đến nay thì gần như bất lực.

Trong khi đó, bà Lê Thị Lụa (SN 1968, ngụ TP Hội An) cũng đang “mất ăn, mất ngủ” vì 7 sào lúa bị thiếu nước nay đã chuyển sang úa vàng và bị chuột cắn hư hại rất nhiều. “Đây lại là vụ mùa được kỳ vọng nhất năm bởi thường cho năng suất và giá bán cao. Mọi năm, thời điểm này, đập ngăn mặn đã làm xong, nhưng năm nay không hiểu vì sao lại chưa được đắp. Nếu cứ tiếp tục như vậy, một thời gian ngắn nữa thôi, cây lúa sẽ chết, trắng tay là điều chắc chắn”, bà Lụa lo lắng.

Theo lời các hộ nông dân, các thửa ruộng đều phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thủy lợi địa phương, nên rất mong các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm sớm có giải pháp để đắp đập ngăn mặn.

Liên quan việc đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện, UBND TX Điện Bàn thông tin, hàng năm, hạ lưu sông Vĩnh Điện thường xuyên bị mặn xâm nhập sâu từ nguồn nước mặn sông Hàn (TP Đà Nẵng) vào.

Trước tình hình đó, từ 2013 đến nay, UBND TX triển khai phương án phòng chống hạn, nhiễm mặn, giữ ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước tưới gần 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã, phường vùng Đông TX Điện Bàn và các khu vực Hội An và cả TP Đà Nẵng. Ngoài ra, đập ngăn mặn này còn giúp Nhà máy nước Vĩnh Điện hoạt động ổn định để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Điện Bàn.

Chỉ vì thiếu cát xây đập tạm?

Năm nay công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện vẫn thống nhất chủ trương xây dựng trên vị trí cũ thuộc phường Điện Ngọc, cách trạm bơm Tứ Câu về hạ lưu khoảng 350m. Quy mô dự án gồm tuyến đập dài khoảng 130m ngăn toàn bộ mặt cắt sông Vĩnh Điện; thân đập được đắp bằng cát với gần 10.000m3. Dự án có tổng vốn đầu tư 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 2 lần tổ chức đấu thầu đều không có đơn vị nào tham dự gói thầu thi công công trình này.

Bà Huỳnh Thị Luận lo lắng tình trạng thiếu nước kéo dài, cây lúa sẽ chết, nông dân mất mùa.
Bà Huỳnh Thị Luận lo lắng tình trạng thiếu nước kéo dài, cây lúa sẽ chết, nông dân mất mùa.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự việc trên do thiếu cát. Theo hồ sơ thiết kế được duyệt, vật liệu dùng cho công trình chủ yếu là cát, với khối lượng cần dùng khoảng 8.500m3 lấy từ mỏ vật liệu trên sông Thu Bồn vận chuyển bằng đường sông, đường bộ.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, hiện các đơn vị cung cấp vật liệu cát không đủ nguồn vật liệu để cung cấp 8.500m3 trong khoảng thời gian thi công 10 ngày, đêm. Ngoài việc khan hiếm nguồn cát, giá cát trên thị trường quá cao so với giá hồ sơ dự toán là 185.000 đồng/m3.

Theo một lãnh đạo TX Điện Bàn, trước tình trạng khó khăn về nguồn cát, các ngành chức năng TX đã khảo sát và xét thấy nguồn cát từ dự án Nạo vét sông Cổ Cò đảm bảo kỹ thuật để đắp đập ngăn mặn. UBND TX đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan xem xét, cho phép sử dụng nguồn cát từ dự án nạo vét sông Cổ Cò (hiện đang triển khai trên địa bàn phường Điện Dương, Điện Ngọc) do BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, để thi công công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện.

Trước việc cấp bách cứu lúa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu đã có chỉ đạo thống nhất chủ trương cho phép UBND Điện Bàn sử dụng nguồn cát từ dự án nạo vét sông Cổ Cò đang tập kết tại các bãi chứa để đắp đập trên sông Vĩnh Điện.

Cùng với đó, UBND tỉnh đề nghị UBND Điện Bàn có trách nhiệm làm việc với BQL để thống nhất vị trí lấy cát; thời gian thực hiện, biện pháp phối hợp theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ khối lượng cát xúc bốc lên xe vận chuyển; sử dụng đúng mục đích phục vụ thi công công trình. Trên cơ sở đó, các đơn vị tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh hồ sơ thiết kế - dự toán công trình phù hợp cự ly vận chuyển từ vị trí lấy cát đến chân công trình; làm việc với Sở TN&MT để thống nhất xác định các nghĩa vụ tài chính với khối lượng khoáng sản cần sử dụng theo đúng quy định để triển khai thực hiện.

Một lãnh đạo địa phương chia sẻ với PLVN, Quảng Nam cần phải tính tới việc làm đập vĩnh cửu thay vì mỗi năm đắp đập tạm thời tiêu tốn 2-3 tỷ đồng cho việc ngăn mặn, nhưng tới tháng 8 hàng năm phải phá bỏ. Kinh phí và nguồn cát không phải là bài toán nan giải với Quảng Nam, nhưng lại đang đang gặp vướng mắc trong vấn đề cấp phép và các thủ tục liên quan.