1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Sắp phúc thẩm vụ kiện liên quan cao ốc Victory Tower

Sắp phúc thẩm vụ kiện liên quan cao ốc Victory Tower

thứ hai, 15/4/2024 16:07 GMT+07
Từ một tranh chấp công nợ, đơn vị quản lý vận hành và chủ đầu tư đã đưa nhau ra toà. Dự kiến ngày 16/4 tới đây, phiên phúc thẩm sẽ được mở trở lại.
Tòa nhà Victory Tower nằm tại số 12 Tân Trào, quận 7. (Ảnh trong bài: Doãn Khởi)

Tòa nhà Victory Tower trước đây thuộc Cty CP Đầu tư Hạ tầng & Đô thị Dầu khí (DN có vốn nhà nước), sau này do Cty CP Victory Capital (VCG) làm chủ đầu tư, được đưa vào hoạt động từ 2012. Tháng 2/2017, VCG ký hợp đồng thuê Cty CP Đầu tư & Dịch vụ Sao Kim (Sao Kim) thực hiện công tác quản lý vận hành trong 6 năm. Thời gian sau, giữa VCG và Sao Kim phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp.

Đơn vị vận hành kiện chủ đầu tư tòa nhà

Mâu thuẫn giữa hai bên lên đến đỉnh điểm khi VCG gửi thông báo đến khách hàng sẽ không tiếp tục tái ký gia hạn thuê Sao Kim khi hợp đồng vận hành hết hạn từ 20/2/2023. Sao Kim khởi kiện VCG ra TAND quận 7.

Theo Sao Kim, đầu 2017, giữa Sao Kim và VCG ký kết hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà với thời hạn 6 năm. Theo hợp đồng, hàng tháng Sao Kim phải trả cho VCG 375 triệu đồng phí khai thác cơ sở hạ tầng trong suốt thời hạn hợp đồng.

Tại thời điểm ký kết hợp đồng, Sao Kim biết việc VCG có thu trước, hợp tác kinh doanh và có thỏa thuận miễn phí về phí vận hành cho khách hàng nhưng không biết cụ thể bao nhiêu tiền. Do vậy, Sao Kim yêu cầu VCG phải trả lại cho mình phần tiền phí khai thác hạ tầng chênh lệch đó bằng cách sẽ cấn trừ công nợ cho nhau. Tổng cộng tiền vốn và tiền lãi tính đến khi hợp đồng hết hạn (đầu 2023), VCG phải trả cho Sao Kim hơn 51 tỷ đồng.

Lý giải việc vẫn giữ quyền quản lý vận hành tòa nhà dù hợp đồng đã hết, Sao Kim cho rằng, Điều 13 của hợp đồng quy định “Để bảo đảm sự hoạt động ổn định và an toàn của tòa nhà, nếu có xảy ra tranh chấp hợp đồng này thì trong suốt thời gian cơ quan tố tụng giải quyết việc tranh chấp, hợp đồng này vẫn được thực hiện cho đến khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Ngược lại, theo đơn phản tố của VCG, tại thời điểm ký hợp đồng đầu năm 2017, một lãnh đạo của VCG đã có vi phạm, có dấu hiệu nhận lợi ích từ Sao Kim để ký hợp đồng. VCG đã có đơn tố giác sự việc này.

Tòa nhà Victory Tower nằm tại số 12 Tân Trào, quận 7 có quy mô 30 tầng, gồm shop house (tầng 1 - 2), văn phòng cho thuê (tầng 3 - 23) và những căn hộ cao cấp (tầng 24 - 30). Ngày 20/2/2017, đại diện của Petroland (nay là VCG) ký Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành số 03/2017/CCDVQLVH-SK với Cty Sao Kim trong thời hạn 6 năm.

Bên cạnh đó, VCG cho rằng quá trình thực hiện hợp đồng, Sao Kim đã vi phạm các nghĩa vụ của hợp đồng, gồm nghĩa vụ tài chính với VCG, nghĩa vụ cung cấp dịch vụ với khách hàng… Cụ thể, Sao Kim không thực hiện báo cáo thu, chi, không thực hiện kiểm toán, không có tài liệu nào chứng minh doanh thu để làm cơ sở đối thoại giữa các bên. Theo quy định, Sao Kim chỉ được hưởng 10% lợi nhuận từ hoạt động quản lý vận hành, phần còn lại sẽ đưa vào quỹ chung để phục vụ hoạt động quản lý vận hành của tòa nhà (sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị…). Tuy nhiên, Sao Kim đã hưởng toàn bộ lợi nhuận và sử dụng toàn bộ các khoản tiền. Điều này khiến hoạt động quản lý tòa nhà không bảo đảm, gây thiệt hại cho VCG 6 năm qua.

Về công nợ, VCG đòi Sao Kim phải thanh toán lại cho mình hơn 14 tỷ đồng (gốc và lãi) tiền nợ doanh thu, tiền khai thác cơ sở hạ tầng của tòa nhà.

Tình tiết mới trong phiên phúc thẩm

Tại phiên sơ thẩm, theo phía VCG, đây là tranh chấp công nợ, không đồng nghĩa với việc chiếm giữ tài sản để tiếp tục khai thác thu lợi từ chính khối tài sản của VCG. Tòa sơ thẩm cho phép Sao Kim tiếp tục thực hiện hợp đồng với lý do có tranh chấp là trái với thỏa thuận tự nguyện làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.

Phía VCG cũng cho rằng, thực tế hợp đồng đã hết hiệu lực thi hành kể từ 21/2/2023. Sao Kim chỉ khởi kiện VCG để tranh chấp tiền nợ theo hợp đồng, không tranh chấp về nội dung hợp đồng. Nếu Sao Kim cứ viện lý do thì hết tranh chấp này lại đến tranh chấp khác, sẽ khiến cho bản hợp đồng trên kéo dài vô thời hạn, thiệt hại của chủ đầu tư càng lớn.

Tuy nhiên, phía Sao Kim cho biết, để bảo đảm sự hoạt động ổn định và an toàn của tòa nhà Victory Tower, nếu có xảy ra tranh chấp hợp đồng này thì trong suốt thời gian cơ quan tố tụng giải quyết việc tranh chấp, hợp đồng này vẫn được thực hiện cho đến khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cư dân bị cúp nước vì tranh chấp giữa chủ đầu tư với đơn vị vận hành tòa nhà.

Tại phiên sơ thẩm vụ “tranh chấp về hợp đồng quản lý tòa nhà” tháng 9/2023, HĐXX tuyên buộc VCG phải trả cho Sao Kim hơn 51 tỷ đồng, ngược lại Sao Kim phải trả cho VCG hơn 8 tỷ đồng. Tòa cũng chấp nhận yêu cầu của Sao Kim tiếp tục quản lý, vận hành tòa nhà.

Không đồng ý bản án sơ thẩm, các bên kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm mở ngày 8/4 vừa qua, phía Sao Kim rút toàn bộ kháng cáo, còn phía VCG cung cấp thêm tình tiết mới cho HĐXX.

Một trong số đó, VCG cho rằng có dấu hiệu thông thầu khi VCG tổ chức đấu thầu thuê đơn vị quản lý khai thác, vận hành tòa nhà Victory Tower vào năm 2017.

Trong quá trình chọn thầu có 3 đơn vị tham gia, gồm Sao Kim. Nhưng trong hồ sơ dự thầu bản chính thì hồ sơ tham gia thầu của 2 Cty kia giống nhau đến 98% về cấu trúc hồ sơ, nội dung, dấu chấm, phẩy. Trong cả hai hồ sơ còn nhắc đến tên Cty Sao Kim (Venus). VCG đặt nghi vấn phải chăng cả 3 bộ hồ sơ dự thầu đều do một người soạn thảo?

VCG còn cung cấp cho HĐXX vi bằng và file ghi âm liên quan dấu hiệu Sao Kim đưa lợi ích vật chất cho một lãnh đạo VCG vào năm 2017 để được ký kết hợp đồng quản lý tòa nhà. Phía VCG đề nghị cơ quan chức năng giám định các tài liệu này.

Trước các tình tiết mới này, HĐXX đã quyết định tạm ngừng phiên tòa. Dự kiến ngày 16/4 tới đây, phiên phúc thẩm sẽ được mở trở lại.

Theo các cư dân, quá trình tranh chấp, Sao Kim tăng mức phí quản lý dịch vụ; cắt điện, nước một số hộ không thực hiện. Bà Trần Thị Uyển, một cư dân tại đây nói: “Việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành không liên quan đến khách hàng. Tuy nhiên, khi khách hàng không thực hiện yêu cầu của Sao Kim thì đơn vị này cắt điện nước, khiến cuộc sống chúng tôi bị đảo lộn và thiệt hại rất lớn”.
Một số khách hàng đang thuê mặt bằng kinh doanh thực phẩm tiện lợi, thức ăn, sản phẩm đông lạnh của tòa nhà, như Circle K, GS25… có lúc buộc phải đóng cửa vì bị cắt điện, nước. Một số văn phòng đã gặp khó khi di dời tài sản ra khỏi tòa nhà, tìm nơi khác hoạt động. Cuối 2023, một Cty di chuyển tài sản của mình ra khỏi tòa nhà đã bị Sao Kim ngăn lại dù VCG xác nhận đây là những tài sản riêng của khách hàng.
“Tranh chấp giữa VCG và Sao Kim dù với bất kỳ lý do gì cũng không thể để ảnh hưởng đến quá trình hoạt động bình thường và an toàn của tòa nhà Victory Tower. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm, để không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân”, bà Uyển kiến nghị.