Sáng 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Lai Châu giảm nghèo nhanh nhất cả nước
Báo cáo của tỉnh Lai Châu và các ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Tăng trưởng được thúc đẩy. GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 3,91%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 38,03%; dịch vụ chiếm 40,14%; nông nghiệp chiếm 15,16%).
Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, cây trồng có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Hiện có gần 3,9 nghìn ha trồng lúa (sản lượng 20,3 nghìn tấn); 9.786 ha chè (sản lượng khoảng 54 nghìn tấn); 12.940 ha cao su (sản lượng gần 10,8 nghìn tấn mủ khô); trên 7,3 nghìn ha mắc ca (sản lượng gần 4,7 nghìn tấn)… Toàn tỉnh có 171 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, 41,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Dịch vụ, du lịch phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 12,9%, trung bình giai đoạn 2021-2023 tăng khá cao (tăng bình quân 10,8%/năm). Du lịch được quan tâm phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khách du lịch tăng bình quân 33,2%/năm (vượt mục tiêu của nhiệm kỳ là tăng bình quân 20%/năm).
Về công nghiệp, đáng chú ý là tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe với tổng công suất thiết kế khai thác 400.000-600.000 tấn/năm quặng đất hiếm nguyên khai.
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư. Hiện có 99% xã có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; 99,7% trường học và 94,2% trạm y tế được xây dựng kiên cố. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 27 cả nước, tăng 28 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 24, tăng 14 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 35, tăng 01 bậc.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Lai Châu là tỉnh có có tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006-2021. Tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm bình quân 4,7%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (lần lượt là 3% và 4%).
Quốc phòng-an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục được đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Tài nguyên khoáng sản đa dạng, nhất là đất hiếm
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chuyển lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp, sự mong đợi và kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu, tin tưởng Lai Châu sẽ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023 cao hơn năm 2022.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lai Châu, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng và các đại biểu cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, thách thức của Lai Châu, như quy mô kinh tế còn nhỏ, những nút thắt về hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực, thu ngân sách khó khăn, an ninh trật tự, nhất là tội phạm ma túy vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp...
Thủ tướng và các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lai Châu.
Thủ tướng nhấn mạnh, Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thủy điện, khai khoáng và thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu.
Lai Châu là vùng đất rộng, người thưa, diện tích tự nhiên trên 9.000 km² (đứng thứ 10/63 địa phương trên cả nước); dân số trên 489.000 người (thứ 62/63) với 20 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85% (dân tộc Thái chiếm 32,3%, Mông 21,5%, Dao 13,2%, Kinh 15,3%, Hà Nhì 3,1%...). Con người Lai Châu giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách. Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 551 tổ chức cơ sở đảng với trên 30.500 đảng viên.
Lai Châu thuận lợi phát triển kinh tế biên mậu với đường biên giới dài trên 265 km giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hiện có 01 cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng; 01 cặp cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng và 06 lối mở.
Nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, gồm cả khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, trong đó có đất hiếm và nguồn nước khoáng. Hiện tỉnh có 169 mỏ, điểm mỏ, điểm quặng và điểm khoáng hóa.
Khí hậu trung tính và tương đối ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão. Tài nguyên đất khá đa dạng, thuận lợi phát triển cây lương thực (lúa chất lượng cao và đặc sản), cây ăn quả, cây dược liệu (sâm), đặc biệt là một số loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, như: Cao su, chè, quế, sơn tra, mắc ca…
Diện tích rừng lớn (trên 494.000 ha), trong đó diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm 58,8%, rừng sản xuất chiếm 41,2%, vừa đảm bảo an ninh môi trường, vừa đủ diện tích phát triển rừng sản xuất, tạo sản phẩm gỗ và lâm sản để phát triển kinh tế.
Tài nguyên nước phong phú với vị trí nằm trong khu vực đầu nguồn và phòng hộ đặc biệt xung yếu, điều tiết nguồn nước trực tiếp cho các công trình thủy điện lớn trên sông Đà, đảm bảo sự phát triển bền vững cả vùng châu thổ sông Hồng, có nhiều thác ghềnh, lưu lượng lớn, tiềm năng thủy điện lớn.
Lai Châu có nền văn hóa đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, giàu tiềm năng du lịch. Nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then của người Thái được UNESCO ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc, những nét đặc sắc về ẩm thực (mật ong Mường Tè, rượu ngô Sùng Phài, cơm lam, cáp long (cá suối ướp chua), pa pỉnh tộp (cá nướng)...), trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán; các nghề thủ công truyền thống được gìn giữ và phát triển mạnh; nhiều danh lam, thắng cảnh giàu tiềm năng.
Các đại biểu cho rằng, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội và nguồn lực phong phú, đa dạng, tỉnh Lai Châu hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, xanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá, biên giới vững chắc của vùng Trung du và miền núi phía bắc và cả nước.
Khai thác tiềm năng đất hiếm và cao nguyên Sìn Hồ
Định hướng thời gian tới, về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, bám sát tình hình để điều chỉnh phù hợp. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Lai Châu phải phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường; biến nguy thành cơ; biến không thành có; biến di sản thành tài sản; biến tiềm lực thành nguồn lực; vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình, không trông chờ, ỷ lại. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng tinh thần phát triển tỉnh.
Là địa phương có thế mạnh phát triển về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, tỉnh phải hết sức chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với các lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng yêu cầu tập trung ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, và kinh tế cửa khẩu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Cụ thể, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là những nông sản có thế mạnh (lúa chất lượng cao, cao su, mắc ca, quế, dược liệu...).
Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là chế biến nông sản, sản xuất vật liệu, phát triển ngành điện năng, chế biến khoáng sản theo hướng xanh, bền vững.
Ngành dịch vụ phải có đột phá, trong đó tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Lai Châu (du lịch sinh thái, trải nghiệm, chữa bệnh, kết hợp nông nghiệp...). Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Lai Châu; tăng cường liên kết du lịch với các trung tâm du lịch và các tỉnh lân cận. Tập trung phát triển thương mại điện tử, kinh tế biên mậu.
Thủ tướng yêu cầu huy động tối đa mọi nguồn lực tổng thể, đa dạng cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công-tư PPP); đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa… Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài của tỉnh do tỉnh mới chỉ có 1 trong 5 phương thức giao thông là đường bộ, chưa phát triển đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không.
Cụ thể hơn, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh; quy hoạch và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất hiếm; quy hoạch, khai thác tiềm năng du lịch trên cao nguyên Sìn Hồ, tạo động lực phát triển mới cho huyện Sìn Hồ và cả tỉnh Lai Châu…
Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vườn ươm phát triển doanh nghiệp.
Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Lai Châu. Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, đặc biệt đẩy mạnh với tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình kinh tế hay, giúp bà con thoát nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là mô hình trường dân tộc nội trú. Tinh thần là ở đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên, ở đâu có bệnh nhân thì phải có bác sĩ, nhưng phải bố trí hợp lý, hiệu quả.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Lai Châu tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan xóa điểm lõm về sóng và điện. Về nội dung này, Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho biết chậm nhất trong quý III năm 2024 sẽ phủ sóng toàn bộ các điểm lõm sóng tại Lai Châu với giá cước được hỗ trợ tối đa. Thủ tướng đề nghị tập đoàn này triển khai tương tự với các tỉnh như Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn…
Tỉnh cần tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Cùng với đó, phải giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, phòng, chống tội phạm qua biên giới.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức nói không với tiêu cực, tham nhũng. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đạo tào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cơ cấu lại để giảm số cán bộ, công chức ở cấp tỉnh, cấp xã, tăng cường cán bộ, công chức cho cấp cơ sở.
Giải quyết 18 kiến nghị của Lai Châu
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến về 18 kiến nghị, đề xuất của Lai Châu thuộc 02 nhóm: Về hoàn thiện thể chế, quy định chung và các kiến nghị cụ thể về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tỉnh có các kiến nghị về hoàn thiện thể chế, quy định chung liên quan tới sửa đổi, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các Luật (Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Lâm nghiệp) và các văn bản quy định chi tiết về việc trình HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục dự án đầu tư công, danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; cấp phép khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng hồ thủy điện; cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản trong phạm vi đập, hồ chứa nước thủy điện quan trọng đặc biệt; cấp phép khai thác nước nóng quy mô nhỏ; chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác; nâng mức chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển rừng; thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu…
Đây cũng là những nội dung được nhiều địa phương kiến nghị, nhiều nội dung đã được đề cập trong các dự thảo luật, nghị định đang được xây dựng, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành tiếp tục tổng hợp, xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và tỉnh Lai Châu thực hiện khi các văn bản này được ban hành.
Về các kiến nghị cụ thể liên quan tới tỉnh Lai Châu, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, triển khai, hoàn thành tuyến đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai với Lai Châu tới cửa khẩu Ma Lù Thàng ngắn nhất có thể và sớm nhất có thể, chuẩn bị xong thủ tục trong năm 2024; đề xuất, bố trí nguồn vốn triển khai đầu tư hầm đường bộ qua đèo Khau Co giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu (chiều dài khoảng 1,7 km); nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng khả năng triển khai dự án cảng hàng không Lai Châu theo hướng hợp tác công-tư nếu có hiệu quả…
Thủ tướng cũng cho ý kiến về các đề xuất liên quan khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện nhỏ, điện gió trên bờ, điện sinh khối; các dự án hạ tầng phục vụ mục tiêu bố trí dân cư, bảo vệ biên giới; khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các thủy điện Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát; phát triển sâm Lai Châu trong chương trình phát triển sâm Việt Nam (diện tích phát triển sâm trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2030 là 3.000 ha); đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, chăm lo cho học sinh các trường nội trú, bán trú...
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Điện lực phối hợp chặt chẽ với Lai Châu để khai thác tốt hơn các thủy điện trên địa bàn với tổng công suất khoảng 3.000 MW, qua đó bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và hỗ trợ Lai Châu phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tích cực hỗ trợ Lai Châu, nhất là trong 3 vấn đề: Làm bằng được các công trình hạ tầng kết nối trong nội tỉnh, kết nối với vùng, với cả nước và quốc tế; chuyển đổi số; hỗ trợ Lai Châu phát triển nguồn nhân lực.
Thủ tướng mong muốn tỉnh Lai Châu thực hiện thật tốt những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu 70 năm trước.
(PLM) -Chiều 15/1, Ban Doanh nhân và Pháp luật (Báo Pháp luật Việt Nam) với sự đồng hành của các doanh nghiệp đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Tết ấm – Xuân thương” tại Bệnh viện K – Cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
(PLM) - Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Xiển có xu hướng bùng phát trở lại. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị.
(PLM) - Khoảng 10 giờ ngày 15/1, một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn qua thôn Trường Thịnh, xã Trường Lâm, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa gây ùn tắc nghiêm trọng.
(PLM) - Sáng 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu là đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
(PLM) - Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
(PLM) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa Công viên hồ Phùng Khoang vào phục vụ Nhân dân trước ngày 20/1.
(PLM) - Nằm trong chuỗi hoạt động “Tết quân dân” năm 2024 huyện Mỏ Cày Bắc, ngày 9/1, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp UBND huyện Mỏ Cày Bắc khánh thành cầu Pháp Luật Việt Nam (Cầu Rạch Dầu) tại ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).
(PLM) - Sáng 9/1, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh dự và chủ trì Toạ đàm, đồng chủ trì và điều hành có Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp. Tham dự Toạ đàm có các chuyên gia về kinh tế, chuyên gia pháp luật cùng đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam. Toạ đàm là diễn đàn để lắng nghe, là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới .
(PLM) - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
(PLM) - Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.