Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Văn phòng Quốc hội (VPQH) sáng nay, 28.12.
Cơ bản tán thành với 11 nhiệm vụ trọng tâm nêu trong Báo cáo của VPQH, Chủ tịch Quốc hội mong muốn và tin tưởng: “Chúng ta đã tốt rồi, thì cố gắng năm tới làm tốt hơn, khối lượng công việc chắc chắn không giảm đi, nhưng chất lượng phải tốt hơn”.
Nếu không thích ứng, linh hoạt, nhanh thì không thể bám sát yêu cầu của Trung ương và thực tiễn đất nước
Qua xem báo cáo bằng hình ảnh và nghe ý kiến tham luận của một số vụ, đơn vị của VPQH và một số cơ quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vui mừng nhận thấy: 2023 là một năm bận rộn, vất vả, nhưng cũng rất thành công của Quốc hội. “Có được kết quả này có vai trò quan trọng của VPQH, với tính chất vừa là cơ quan phục vụ, vừa là cơ quan tham mưu tổng hợp.
Đồng tình với báo cáo của VPQH, thể hiện cụ thể qua nhiều con số, số liệu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số kết quả nổi bật. Trước hết, đó là so với năm trước, khối lượng công việc năm 2023 nhiều hơn, có thể nói là “nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay”. Trong đó, chúng ta đã tổ chức 5 thành công kỳ họp Quốc hội với 2 kỳ họp thường kỳ và 3 kỳ họp bất thường; 16 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa kể các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa Kỳ họp thứ Năm và Kỳ họp thứ Sáu để tiếp thu, giải trình các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại hai kỳ họp thường kỳ của Quốc hội.
Như vậy, “về số lượng kỳ họp của riêng năm 2023 đã bằng số lượng kỳ họp của nửa nhiệm kỳ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp ngày, họp đêm. Riêng tiếp khách quốc tế là 251 cuộc từ đầu năm đến tháng 12.2023. Năm ngoái tôi nhớ xông đất chúng ta là Đoàn của Chủ tịch Quốc hội, năm nay cũng thế, sau Tết dương lịch là có đoàn vào rồi...”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Và, theo Chủ tịch Quốc hội, khối lượng công việc rất lớn như thế, trong đó có nhiều việc khó, phức tạp, để lý giải cho câu hỏi rằng, vì sao Nhà Quốc hội đến khuya vẫn sáng đèn, làm việc xuyên nghỉ lễ, nghỉ Tết, xuyên cả nghỉ cuối tuần.
Đơn cử như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã quyết định đưa ra khỏi Chương trình dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua để chuyển sang xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 1.2024 trên cơ sở nguyên tắc “lấy chất lượng làm đầu, cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng cũng đáp ứng đòi hỏi cấp bách của cuộc sống”. Cùng với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thì dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng vậy. Và trong tuần tới, hai dự án Luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức trước khi trình Quốc hội xem xét và có thể thông qua tại Kỳ họp bất thường tới đây trên cơ sở “bảo đảm tối đa yêu cầu về chất lượng”.
Một nội dung cũng phải trăn trở, trao đi, đổi lại rất nhiều lần nữa, đó là Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; và Nghị quyết chung về Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư…
Dẫn ra một số ví dụ cụ thể về một số dự án Luật, dự thảo Nghị quyết có những nội dung rất khó, rất phức tạp nêu trên, trong đó có nội dung vẫn đang “làm ngày, làm đêm để chuẩn bị kịp tiến độ, chất lượng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Độ khó, phức tạp cao hơn nhiều, yêu cầu cấp bách hơn nhiều để biến những hoạt động “bất thường” thành “bình thường”. Đến nay, chúng ta đã tổ chức 4 Kỳ họp bất thường và đang chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường thứ Năm. Thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường trong khi là quốc gia có độ mở lớn, thì tác động của thế giới và khu vực vào nước ta là rất lớn. “Nếu không thích ứng, không linh hoạt và nhanh thì không thể theo kịp, bám sát yêu cầu của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Đồng đều hơn, rộng khắp và toàn diện hơn
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận: Hoạt động của Quốc hội cũng như sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan thuộc VPQH trong năm qua ngày càng “đồng đều hơn, rộng khắp hơn và toàn diện hơn”, thực hiện được yêu cầu “năm sau phải tốt hơn năm trước” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cụ thể, hoạt động lập pháp đạt nhiều kết quả tốt hơn, giám sát tối cao có nhiều khởi sắc hơn và việc quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia rất nhanh chóng và thiết thực. Chất lượng và hiệu quả công việc tốt và cao hơn… Qua đó, thấy rõ hơn “vai trò, quyết sách của Quốc hội trong thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và biến thành hành động thực tế của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương”. Khẳng định điều này, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận: “Mọi công việc của VPQH ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, hướng tới một Quốc hội ngày càng phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền; quy trình, quy phạm chuẩn mực hơn, từ phong cách, thái độ làm việc đều chuyên nghiệp hơn”.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2023 cũng là năm có nhiều “lần đầu tiên”, như lần đầu tiên tổ chức thành công Giải Diên hồng lần thứ nhất, và với Giải Diên hồng lần thứ hai, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1.2024, qua báo cáo sơ bộ cho thấy, quy mô, số lượng và chất lượng còn tốt hơn mùa thứ nhất. Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm quán triệt quan điểm và chỉ đạo của Trung ương là “gắn chặt việc xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, và Hội nghị này sẽ được tiến hành định kỳ, thậm chí là hàng năm. Năm 2023, Quốc hội cũng lần đầu tiên tổ chức thành công các Diễn đàn Người lao động, Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”; đưa công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ra thảo luận trực tiếp tại Kỳ họp Quốc hội…, được cử tri và Nhân dân hoan nghênh, góp phần tăng sự tương tác giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Ngoài ra, nói đến tính chuyên nghiệp, theo Chủ tịch Quốc hội, không thể không nhắc đến Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam do Ủy ban Kinh tế chủ trì với quy mô rất lớn, nội dung sâu sắc, kết quả hữu ích, được tổ chức chuyên nghiệp, và hiện “đã có thương hiệu”…
Công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023 cũng rất sôi động và thành công. Đây là hoạt động có tính chất đối ngoại nhà nước nhưng cũng thể hiện sâu sắc tính chất đối ngoại nhân dân. Bên cạnh đó, “công tác thông tin và truyền thông, hai cơ quan chủ lực của Quốc hội là Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam được giới báo chí khen ngợi rất nhiều, các nền tảng trực tuyến của Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam được tương tác và tiếp cận rất nhiều”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Một nội dung nữa cũng rất ấn tượng trong năm nay, đó là công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng. Trước đó, năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của VPQH để từng bước chuẩn hóa, và năm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký, để tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn phục vụ cho hoạt động của Tổng Thư ký Quốc hội. Trên cơ sở các văn bản này, VPQH đã tổ chức kiện toàn bộ máy các vụ, đơn vị, cơ quan. Năm nay, VPQH cũng đã làm được nhiệm vụ rất quan trọng là thi tuyển và xét tuyển cán bộ, công chức, với chất lượng rất tốt, bổ sung cho lực lượng cán bộ còn thiếu hụt, đáp ứng được nhu cầu công việc của VPQH…
Công tác thông tin, báo chí, truyền thông có nhiều đổi mới và khởi sắc. Kênh 7 Truyền hình Quốc hội Việt Nam là một trong những kênh truyền hình thiết yếu quốc gia. Báo Đại biểu Nhân dân đã được đưa lên các chuyến bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam và được nhiều Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, chuyên gia… quan tâm, khen ngợi.
Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn cơ quan Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, MTTQ Việt Nam, 4 Văn phòng Trung ương và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương và địa phương đã luôn luôn quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ các hoạt động của các cơ quan của Quốc hội cũng như VPQH.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân nhiệm cụ thể gắn với vị trí việc làm
Cơ bản tán thành với 11 nhiệm vụ trọng tâm nêu trong Báo cáo của VPQH, Chủ tịch Quốc hội mong muốn và tin tưởng: “Chúng ta đã tốt rồi, thì cố gắng năm tới làm tốt hơn, khối lượng công việc chắc chắn không giảm đi, nhưng chất lượng phải tốt hơn”.
Nhấn mạnh và gợi mở thêm một số vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, VPQH cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bên trong của các đơn vị trực thuộc. Trên cơ sở đó, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân nhiệm cụ thể hơn gắn với xác định, xây dựng vị trí việc làm để hoàn thiện việc phân công, bố trí cán bộ. “Đây là công việc để chuẩn bị cho triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương, không làm không được”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Tới đây chúng ta sẽ trả lương theo vị trí việc làm, chứ không phải là sống lâu lên lão làng. Cải cách tiền lương là cải cách căn bản và triệt để, chứ không phải chỉ là tăng lương. Cho nên, mỗi vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh cần tính toán hoàn thiện như thế nào, để sau đó tuyển dụng cán bộ phải theo vị trí việc làm. Đã theo vị trí việc làm là không có anh này chồng lên anh kia, tránh trường hợp việc của mình không làm, đi soi về người khác, hoặc việc chính của mình không làm, đi làm việc đâu đâu”.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị VPQH “tiếp tục rà soát để quy chuẩn hóa, tiêu chuẩn hóa, quy chế hóa mọi công việc, quy trình, thủ tục của các vụ, các đơn vị”; “muốn chuyên nghiệp thì phải thực hiện việc này”.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên - đây là công việc rất hệ trọng; chúng ta chống diễn biến, chống chuyển hóa là ở ngay cơ quan đầu não Trung ương; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ và bảo vệ bí mật Nhà nước - đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công. “Là cơ quan chuẩn mực về giám sát, về xây dựng pháp luật, thì đừng để sai phạm trong vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị VPQH tính toán, có giải pháp quan tâm hơn đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Cụ thể, cần nghiên cứu kỹ các chính sách trong Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua năm 2023, nhất là chính sách nhà ở xã hội. Cùng với đó, cũng cần xem xét vấn đề thanh toán việc làm đêm, làm thêm giờ như thế nào cho đúng chính sách, chế độ nhưng phải công bằng, công khai, minh bạch. “Tới đây, trong chính sách tiền lương, ngoài lương chính, lương phụ, còn có 10% từ quỹ dưỡng liêm, áp dụng chung cho toàn quốc, phân bổ theo từng cơ quan và Thủ trưởng được phép sử dụng 10% này; anh nào làm tốt sẽ có 10% dưỡng liêm, anh nào làm không được thì phạt, chứ không phải cào bằng”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của VPQH; “việc nhiều lên mà con người chỉ có thế, cho nên giải pháp duy nhất, tất yếu là phải tăng cường ứng dụng thông tin, đẩy mạnh Đề án Quốc hội điện tử, Quốc hội số…”; qua đó nâng cao năng suất, giải quyết mâu thuẫn giữa khối lượng công việc ngày càng tăng, tính chất công việc ngày càng phức tạp, độ khó cao, tính cấp bách, yêu cầu lớn với nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ thông qua tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng…
Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhân dịp năm mới 2024 và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao, biểu dương, trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp của tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Đảng bộ cơ quan VPQH và VPQH; chúc các đại biểu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động sang năm 2024 dồi dào sức khỏe và “mọi việc thành công”.
(PLM) -Chiều 15/1, Ban Doanh nhân và Pháp luật (Báo Pháp luật Việt Nam) với sự đồng hành của các doanh nghiệp đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Tết ấm – Xuân thương” tại Bệnh viện K – Cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
(PLM) - Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Xiển có xu hướng bùng phát trở lại. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị.
(PLM) - Khoảng 10 giờ ngày 15/1, một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn qua thôn Trường Thịnh, xã Trường Lâm, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa gây ùn tắc nghiêm trọng.
(PLM) - Sáng 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu là đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
(PLM) - Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
(PLM) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa Công viên hồ Phùng Khoang vào phục vụ Nhân dân trước ngày 20/1.
(PLM) - Nằm trong chuỗi hoạt động “Tết quân dân” năm 2024 huyện Mỏ Cày Bắc, ngày 9/1, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp UBND huyện Mỏ Cày Bắc khánh thành cầu Pháp Luật Việt Nam (Cầu Rạch Dầu) tại ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).
(PLM) - Sáng 9/1, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh dự và chủ trì Toạ đàm, đồng chủ trì và điều hành có Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp. Tham dự Toạ đàm có các chuyên gia về kinh tế, chuyên gia pháp luật cùng đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam. Toạ đàm là diễn đàn để lắng nghe, là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới .
(PLM) - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.