Người thì cho rằng là yêu cầu hợp lý để chứng minh năng lực giảng dạy, người thì cho rằng không cần thiết, rườm rà nhiêu khê chẳng khác gì thêm một “giấy phép con”, nhiều ý kiến thì cảnh báo: cần thận trọng, tránh tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, ảnh hưởng tới tâm lý người thầy vốn đã, đang chịu nhiều áp lực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra lấy ý kiến có đề xuất quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.
Theo dự kiến, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp. Cũng theo đề xuất, giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ bị thu hồi khi nhà giáo bị cơ quan có thẩm quyền đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; nhà giáo vi phạm kỷ luật ở mức độ buộc thôi việc, sa thải; hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp không đúng quy định.
Trả lời báo chí, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT - cho biết, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo giúp việc hành nghề, chuyển nơi làm việc thuận lợi hơn, không gây phát sinh thêm thủ tục. Theo ông Đức, giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Nếu giáo viên được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ không cần phải có hai loại giấy này nữa, như vậy thủ tục giấy tờ sẽ bớt đi.
Cũng theo ông Đức, ở nhiều nước, giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam như luật sư, bác sĩ cũng đã có quy định về chứng chỉ hành nghề. Phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Chứng chỉ là minh chứng người đó đủ năng lực để làm công việc đó.
“Đối với lĩnh vực giáo dục, hiện có đồng thời nhiều quy định về chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên/giảng viên. Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế những cái này với các tiêu chí cụ thể. Giấy chứng nhận nghề nghiệp cũng là sự công nhận và vinh danh nhà giáo”- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhấn mạnh.
Tại Hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận hay giấy phép hành nghề phù hợp với chính sách đổi mới giáo dục và mang lại lợi ích cho cả giáo viên và học sinh.
Giấy phép giảng dạy giúp đảm bảo rằng những người bước vào nghề có kiến thức và kỹ năng cần thiết để giáo dục học sinh một cách hiệu quả qua khả năng hiểu biết về môn học, phương pháp giảng dạy và kỹ năng quản lý lớp học góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục. Ngoài ra, giấy chứng nhận này gắn với một bộ tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức mà các nhà giáo dục phải tuân thủ. Thể hiện mức độ chuyên nghiệp theo chức danh và sự cam kết của nhà giáo trong một lĩnh vực quan trọng và ảnh hưởng lớn như giáo dục.
Việc nhận được giấy chứng nhận nghề nghiệp, giáo viên cho thấy bản thân đáp ứng những kỹ năng và kiến thức cụ thể cần thiết để dạy những môn học đó, nâng cao trách nhiệm giải trình và niềm tin của xã hội vào chuyên môn đạo đức của người làm nghề dạy học. Đặc biệt, tiêu chuẩn thống nhất để có thể nhận được giấy chứng nhận giáo viên có trình độ, giúp đảm bảo một hệ thống giáo dục công bằng hơn, nơi tất cả học sinh, bất kể họ được dạy ở đâu, đều được tiếp cận với những giáo viên có năng lực và được đào tạo bài bản.
“Thực tế cho thấy luôn tồn tại khoảng cách tiềm ẩn giữa năng lực đầu ra của người tốt nghiệp về mặt học thuật và kỹ năng giảng dạy thực tế. Nhiều kỹ năng thực hành sư phạm, ứng dụng công nghệ trong thiết kế bài giảng, giảng dạy... quản lý lớp học, ứng xử với học sinh và đồng nghiệp giáo sinh ra trường còn thiếu hụt so với yêu cầu dạy học với sự đa dạng về cách học của học sinh, về nhu cầu vùng miền cụ thể. Cùng với đó, những thay đổi về công nghệ, nhu cầu và tác động của xã hội đến hành vi của giáo viên; và giáo viên luôn phải cập nhật kiến thức, kỹ năng, trau dồi kỹ năng mềm còn thiếu. Ngoài ra, bên cạnh kỹ năng và kiến thức giảng dạy, các nhà giáo dục cũng cần nhận thức được về mặt pháp lý và đạo đức trong nghề nghiệp của mình”- ông Vinh chia sẻ quan điểm.
Về phần những người đang hằng ngày đứng trên bục giảng lại đa phần khá băn khoăn, thậm chí có thầy cô cho rằng giấy phép này không cần thiết, gây lãng phí, phiền phức. “Sinh viên sau khi tốt nghiệp trường sư phạm được cấp bằng tốt nghiệp. Đây là văn bản có giá trị hợp pháp cao nhất để giáo viên hành nghề giảng dạy. Hiện nay theo Luật Viên chức, giáo viên trước khi làm một viên chức giáo dục thì được thông qua kì thi tuyển cạnh tranh khốc liệt. Do đó, không cần thiết phải cấp chứng nhận nghề nghiệp” - thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà bày tỏ quan điểm.
Theo thầy Lực, để trở thành giáo viên, mỗi thầy cô phải được đào tạo 4 năm tại các trường đại học và 3 năm đối với các trường cao đẳng. Chưa kể, nhiều thầy cô sau khi ra trường, công tác, còn dành thêm 2 năm học lên thạc sĩ và sau đó là học lên bậc tiến sĩ. “Giấy phép này chỉ cần thiết cho những người dạy thêm ở bên ngoài để Nhà nước quản lí chất lượng việc dạy thêm, học thêm thay vì cấp cho tất cả giáo viên. Còn đối với đội ngũ nhà giáo, điều quan trọng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần thường xuyên tổ chức tập huấn về phương pháp mới cho thầy cô để tiếp cận với thế giới. Đấy mới là điều cần làm thay vì có thêm 1 loại “giấy tờ con” - thầy Lực nói.
Cô Nguyễn Thủy Thu - giáo viên một trường THCS ở Phú Thọ thì cho biết bản thân cô cảm thấy khó hiểu với quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp trong dự thảo Luật Nhà giáo mà Bộ GD-ĐT đưa ra. “Khi đã được đào tạo trong môi trường sư phạm, giáo viên đã tốt nghiệp trường sư phạm, có đủ bằng cấp để đứng trên bục giảng, để giảng dạy rồi thì vì sao phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa? Nếu phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp để hành nghề thì Nhà nước cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên sư phạm làm gì?” - cô Thu đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất, trên tất cả những tranh cãi đúng sai là việc thêm một giấy phép hành nghề có tạo ra nguy cơ chồng chéo về đủ loại văn bằng chứng chỉ trong ngành giáo dục hay không? Hiện nay, có chuẩn nghề nghiệp với giáo viên hiện theo Luật Giáo dục năm 2019 và các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Ở mỗi bậc học, giáo viên, giảng viên tùy theo năm công tác, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và đáp ứng các tiêu chí của Bộ sẽ được phân hạng, từ hạng I đến hạng III. Đây là cơ sở để xếp lương trong các trường công lập. Những giáo viên, giảng viên trường tư khi chuyển sang khu vực công lập phải thi tuyển viên chức, học và thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cùng một số quy định khác.
Cũng bởi quá nhiều loại văn bằng chứng chỉ bao quanh những người làm thầy mà những năm trước, dư luận đã phản ứng mạnh mẽ khi Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm khi giảng viên thi thăng hạng. Tháng 5/2023, báo chí đã hoan hô Bộ GD&ĐT khi bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng, bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ như trước mà chỉ cần trình độ đại học… đúng với tâm tư nguyện vọng của giáo viên bởi bấy lâu quá mất thì giờ và tiền bạc vì phải “chạy đôn chạy đáo” để có những chứng chỉ đáp ứng quy định, các loại chứng chỉ đó tồn tại như các loại “giấy phép con”, giáo viên lĩnh lương đi dạy, nhưng cũng bị giấy phép con hành hạ như giới kinh doanh.
Thêm vào đó, cũng không thể không đặt ra câu hỏi là liệu chủ thể chính yếu nhất - các nhà giáo - sẽ chịu tác động ra sao, ảnh hưởng tâm lý giảng dạy như thế nào nếu buộc phải được cấp giấy phép mới được đứng trên bục giảng. Nói như PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội: Cơ quan quản lý giáo dục khi thực hiện cấp chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo phải làm chính trực, công bằng, chứ biến nó thành cái có thể mua được thì chỉ làm cho nhà giáo sợ hãi.
Sự sợ hãi này, nếu thực sự hiện hữu, là rất đáng quan ngại. Vì thế, cần sự nghiên cứu thật kỹ từ Bộ GD&ĐT cũng như góp ý, phản biện của xã hội trước khi quyết định có đưa việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo vào Luật Nhà giáo hay không, tránh tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.
Không nói, không ai không hiểu nhà giáo đang là một nghề đang phải chịu quá nhiều áp lực. Như chính chia sẻ của một người thầy - giáo viên Nguyễn Đình Ánh của Trường THPT Nghi Lộc - Nghệ An, trong dịp kỷ niệm Ngày Hiến chương Nhà giáo năm 2023 vừa qua, áp lực từ chính sự đòi hỏi phải không ngừng đổi mới sáng tạo của nghề; từ sự kỳ vọng quá lớn nơi phía phụ huynh, học sinh; từ chính cuộc mưu sinh của các thầy cô...
“Nghề giáo là nghề phải gánh vác nặng nề, như phụ huynh luôn nói “trăm sự nhờ thầy cô ạ!”. Câu nói ấy cũng đã cho thấy sự kỳ vọng lớn lao như thế nào của các bậc phụ huynh đối với các thầy cô giáo. Giáo viên cứ ngỡ mình chỉ gánh vác “1 cái sự dạy kiến thức” là đã quá nặng nề rồi. Vậy mà, còn thêm “99 sự nữa”. Nếu là bạn, bạn sẽ nghĩ sao? Bạn có mang vác được không?”- chia sẻ của giáo viên Nguyễn Đình Ánh thiết nghĩ đáng để hết thảy trong chúng ta, trong đó có cả ngành GD& ĐT lưu tâm...
(PLM) -Chiều 15/1, Ban Doanh nhân và Pháp luật (Báo Pháp luật Việt Nam) với sự đồng hành của các doanh nghiệp đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Tết ấm – Xuân thương” tại Bệnh viện K – Cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
(PLM) - Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Xiển có xu hướng bùng phát trở lại. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị.
(PLM) - Khoảng 10 giờ ngày 15/1, một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn qua thôn Trường Thịnh, xã Trường Lâm, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa gây ùn tắc nghiêm trọng.
(PLM) - Sáng 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu là đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
(PLM) - Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
(PLM) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa Công viên hồ Phùng Khoang vào phục vụ Nhân dân trước ngày 20/1.
(PLM) - Nằm trong chuỗi hoạt động “Tết quân dân” năm 2024 huyện Mỏ Cày Bắc, ngày 9/1, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp UBND huyện Mỏ Cày Bắc khánh thành cầu Pháp Luật Việt Nam (Cầu Rạch Dầu) tại ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).
(PLM) - Sáng 9/1, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh dự và chủ trì Toạ đàm, đồng chủ trì và điều hành có Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp. Tham dự Toạ đàm có các chuyên gia về kinh tế, chuyên gia pháp luật cùng đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam. Toạ đàm là diễn đàn để lắng nghe, là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới .
(PLM) - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
(PLM) - Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.