Bài 1
NGƯỜI CHIẾN SĨ ĐẶC CÔNG GÓP PHẦN LÀM NÊN CHIẾN THẮNG 30/04/1975
Đó là cựu chiến binh Hà Thanh Sơn. Quê gốc của ông ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, hiện nay trú quán tại xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ông là một trong số chiến sĩ bộ đội đặc công tham gia các trận mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh tấn công vào nội đô Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975, trong đó có trận đánh Sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Ra đa Phú Lâm và một số cứ điểm lớn của địch. Ông đã cùng đồng đội góp phần làm nên sự kiện lịch sử ngày 30/4 - Đại thắng mùa xuân năm 1975…
TUỔI 17 GÁC BÚT NGHIÊN RA TRẬN
Năm 1972, khi đó cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngụy và bè lũ tay sai ở cả ba miền của đất nước ta đang diễn ra ác liệt. Dù chưa đầy 18 tuổi, ông Hà Thanh Sơn đã cùng mấy người bạn học lớp 8, Trường cấp III Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang rủ nhau trốn gia đình, viết đơn tình nguyện ra trận.
Ông và mấy người bạn học được nhận vào một đơn vị bộ đội đặc công. Sau ít tháng huấn luyện xã Đồng Sương, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, tháng 12/1972, đơn vị của ông được lệnh điều quân vào Nam chiến đấu. Trước khi đi, ông chỉ kịp viết mấy dòng thư tay, nhờ người quen về phép gửi cho gia đình... Ngay sau đó, người cha của ông đã đạp xe, vượt hơn 100 km từ tỉnh Tuyên Quang xuống huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây để tiễn người con cả vào chiến trường.
Ông Sơn kể: Lúc đó, bố tôi cùng người bác họ là sĩ quan cao cấp của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tìm đến đơn vị của chúng tôi. Đó cũng là đêm cuối tôi được ngủ chung với người bố kính yêu để ngày hôm sau ra trận. Tôi biết, mẹ tôi ở nhà lo lắng lắm! Đêm đó, hai bố con đều không ngủ được. Bố tôi thủ thỉ, căn dặn đủ điều. Tôi thấy dậy, ngồi trầm ngâm dưới ánh đèn điện lờ mờ. Ông lấy giấy bút viết gì đó… Sớm hôm sau, chúng tôi lên đường hành quân vào Nam. Sau này, khi được đọc tập thơ của bố, tôi mới biết là đêm đó, ông đã dậy làm bài thơ ngắn đầy xúc cảm. Bài thơ có tựa đề “Tiễn con đi bộ đội”. Tôi chỉ biết rơi nước mắt...
Ông Sơn kể tiếp: Đơn vị của chúng tôi và nhiều đơn vị khác, cùng đi bằng tàu hỏa. Những đoàn tàu xuất phát từ Ga Hàng Cỏ, Hà Nội, rồi qua các ga xép dừng đón tiếp quân. Chúng tôi được đón ở Ga Thường Tín, Hà Tây. Trên tàu, phần lớn là lính mới. Chủ yếu họ là sinh viên các trường đại học, tình nguyện nhập ngũ. Do chiến tranh khốc liệt, tàu hỏa chỉ chở chúng tôi vào đến gần Nghệ An. Chúng tôi tiếp tục hành quân bằng những chiếc xe ôtô cũ kỹ. Đến Quảng Bình, chúng tôi chuyển hướng, đi xà lan, rồi hành quân bộ, vượt dãy Trường Sơn sang nước bạn Lào. Chúng tôi được trinh sát chỉ đường bám theo đường ống dẫn dầu trước đó lực lượng công binh đã bí mật xây dựng để vận chuyển nhiên liệu phục vụ mặt trận phía Nam (đường ống dẫn dầu từ Lạng Sơn vào đến Lộc Ninh, Tây Ninh).
Chúng tôi hành quân đến địa phận Ngã ba Đông Dương, nơi giáp danh giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, rồi vào sâu miền Đông Nam bộ. Đoạn nào thông đường, chúng tôi được ngồi trên những chiếc xe GAT 69 cũ kỹ. Đoạn đường nào tắc, hiểm nguy, chúng tôi hành quân bộ... Chúng tôi vào đến chốt Bà Chiêm, Tây Ninh đúng dịp Tết nguyên đán năm mới 1974. Chúng tôi đón Tết ở trong rừng. Đó là cái Tết thứ hai, tôi xa quê… Ai cũng nhớ nhà và người thân da diết... Tại đây, tôi được biên chế vào Trung đoàn 48 đặc công. Đơn vị tập kết tại C30, sau đó được lệnh bổ sung cho các đơn vị đặc công miền Đông Nam bộ.
Từ căn cứ D21 điều nghiên trực thuộc Sư đoàn 2 đặc công miền Đông Nam bộ, Đại đội đặc công của chúng tôi hợp vào các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương, cùng các mũi nhọn để chuẩn bị mở màn chiến dịch dịch Hồ Chí Minh tấn công vào nội đô của ngụy quyền Sài Gòn.
Từ Tây Ninh, chúng tôi hành quân bộ xuống huyện Bến Lức, tỉnh Long An và vùng đồng bằng Tháp Mười nước chua mặn, thủy triều lên xuống thất thường. Đơn vị của chúng tôi chia làm nhiều mũi hiệp đồng chiến đấu. Tối đến, bộ đội địa phương dùng xuồng ba lá đến đón chúng tôi. Đêm đó, chúng tôi ăn lương khô cầm hơi. Mỗi người được bộ đội địa phương chuyền tay cho một bát nước lã...
ĐÁNH TRẬN MỞ MÀN SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT VÀ ĐÀI RA ĐA PHÚ LÂM
Ngày 22/4/1975, đơn vị đặc công của ông được lệnh chuẩn bị đánh một số cứ điểm trọng yếu của địch để mở màn cho bộ đội tiến công vào nội đô ngụy quyền Sài Gòn. Ông Sơn kể lại: Đêm 24/4/1975, chúng tôi chuẩn bị cho các trận đánh. Do hồi còn nhỏ khá thông thạo sông nước nên tôi được phân công nhiệm vụ cùng cán bộ cơ sở bơi xuồng đi nhận vũ khí. Chúng tôi đi nhận đạn A72 (một loại tên lửa vác vai, mỗi quả đạn nặng khoảng gần 10 kg). Mỗi thuyền của chúng tôi chỉ chở được 2 quả đạn A72. Chúng tôi về đến cứ thì trời bắt đầu sáng.
Mờ sáng 25/4/1975, chúng tôi thấy tàu bay của địch lên xuống ngay phía trên đầu mình. Lúc đó, mới biết là mình đang ở rất gần Sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi đã dùng đạn A72 để bắn tàu bay của địch rất hiệu quả. Một số tàu bay 2 thân của địch vừa cất cánh đã bị chúng tôi bắn hạ...
![]() |
Một góc Đài Ra đa Phú Lâm (Quận 6, Sài Gòn) trước năm 1975. Nơi đây, cựu chiến binh Hà Thanh Sơn từng cùng đồng đội chiếm đánh, làm tê liệt mạng lưới thông tin của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, góp phần làm nên thắng lợi của Đại thắng mùa xuân năm 1975. Ảnh: Tư liệu |
Tối 28/4/1975, chúng tôi nhận lệnh chia thành ba mũi tập kích Đài Ra đa Phú Lâm (Quận 6, Sài Gòn). Đây là một trung tâm truyền tin lớn nhất nhì ở châu Á của địch lúc đó. Đài do đế quốc Mỹ trang bị, để lại cho ngụy quyền Sài Gòn. Đúng 19 giờ đêm đó, chúng tôi xuất kích đánh Đài Ra đa Phú Lâm. Lúc 20 giờ, mũi của chúng tôi nhận được tín hiệu chỉ huy đánh hiệp đồng. Tôi cùng một đồng đội được giao nhiệm vụ đánh bộc phá mở đường.
Chúng tôi ôm bộc phá, bò sát vào cứ điểm Ra đa Phú Lâm. Đến cách hàng rào tôn ngoài cùng khoảng 40 mét nằm chờ lệnh nổ phá. Tiếc là quả bộc phá đầu tiên không nổ. Chúng tôi đành ẩn chờ để đánh tiếp quả bộc phá thứ hai. Trong lúc chờ đánh, chúng tôi bị đạn cối của ngụy quân câu. Rất may không có ai thương vong. 15 phút sau, chúng tôi cho nổ bộc phá. Hàng rào tôn bung ra... Chúng tôi vượt nhanh qua lỗ thủng hàng rào và bãi xe xũ, luồn sâu vào trong. Cách khoảng 30 m thì nhìn thấy những cánh sóng ra đa của địch to như những lá buồm no gió. Chúng tôi trườn qua khoảng ruộng, tiếp cận lớp hàng rào kẽm gai dày chi chít. Địch từ trên các chòi gác phát hiện, nã đạn như mưa về phía chúng tôi... Đồng đội của chúng tôi có đồng chí cùng tốp đánh, chưa kịp biết mặt thì đã hy sinh...
Do hỏa lực của địch ngày một mạnh, chúng tôi phải quay lại bãi xe ô tô hỏng để củng cố đội hình. Trên đường rút ra, mũi của chúng tôi có 2 đồng chí hy sinh. Ở nơi bãi xe cũ, chúng tôi tạm trú an toàn. Chúng tôi cầm hơi bằng số lương khô ít ỏi đem theo mình và vốc nước cắn đọng trên các thùng xe cũ để qua cơn khát... Đêm đó, sau khi đưa được các đồng đội bị thương và hy sinh về cứ, chúng tôi tập hợp lại lực lượng, lấy thêm vũ khí. Chúng tôi lên phương án đánh cường tập vào Đài Ra đa vẫn bằng ba mũi tấn công. Một mũi đánh thẳng vào cổng chính của Đài Ra đa. Hai mũi còn lại cắt rào, đánh hai bên sườn của Đài Ra đa. Thời gian giờ D của đợt cường tập là vào lúc 2 giờ sáng.
Sáng 30/4/1975, các mũi hiệp đồng chiến đấu đến giờ nổ súng vẫn rất khó tiếp cận được mục tiêu Đài Ra đa. Hỏa lực của địch phản kháng và cố thủ quyết liệt. Chúng tôi vừa đánh trực diện, cắt đường chi viên của địch từ bên ngoài. Chúng tôi vừa vây hãm, vừa kêu gọi địch đầu hàng. Chúng vẫn gan lỳ, dù bị vây, khó có thể chống cự. Đến hơn 10 giờ 00 phút trưa 30/4/1975, địch kéo quân ra đầu hàng. Tôi cùng đồng đội bắt tù binh, trong đó có tên Đài trưởng Đài Ra đa Phú Lâm. 11 giờ 30 phút trưa 30/4/1975, các mũi tiến công của quân giải phóng đã vào Dinh Độc Lập. Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh.
Chúng tôi ôm nhau mừng rơi nước mắt. Sau bao nhiêu năm chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngày toàn thắng đã đến. Chúng tôi vào nội đô Sài Gòn. Cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay khắp mọi ngả đường. Lính ngụy buông súng, cởi bỏ hết tất cả những gì được cho là dính dáng đến chế độ cũ, lếch thếch đầu hàng. Trên mặt đường phố la liệt quân trang của ngụy quân cởi vứt bỏ lại... Người dân Sài Gòn đổ ra đường reo hò, chào đón bộ đội giải phóng...
GIA NHẬP “ĐỘI QUÂN NHÀ PHẬT” GIÚP NƯỚC BẠN CAMPUCHIA THOÁT NẠN DIỆT CHỦNG
Sau ngày 30/4/1975, ông Hà Thanh Sơn được chuyển sang Ban Quân quản, ở Quận 6, Sài Gòn. Ông cùng đồng đội làm tiếp quản các cơ sở, tư gia của giới tư sản, sĩ quan ngụy bị bắt hoặc trốn chạy sang Mỹ. Sau đó, ông được điều chuyển về Trung đội Vệ binh thuộc Trung đoàn 429 bộ đội đặc công, đóng ở Quận 7 và Quận 8, Sài Gòn. Cũng thời gian này, với những chiến công của mình, ông được tặng thưởng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi chưa đầy 21 tuổi.
![]() |
Ông Hà Thanh Sơn thời gian làm thành viên Ban quân quản tại Sài Gòn sau ngày 30/4/1975, khi đó ông chưa đầy 21 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Tháng 7/1976, sau gần 5 năm xa quê hương, biền biệt nơi chiến trường, ông được đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình. Người em trai của ông kể: Tối hôm đó, anh ấy về phép. Trên vai khoác chiếc ba lô con cóc, đầu đội mũ tai bèo, đi đôi dép cao su... Đêm đó, cả nhà đã ngủ, nghe thấy tiếng gọi cửa, mẹ tôi vùng dậy, thốt lên “Sơn về rồi à con!”. Rồi bà lật đật dạy châm ngọn đèn dầu, ra mở cửa. Cả nhà tôi thức giấc, vui mừng khôn xiết. Hình như, từ hồi anh của tôi ra trận, đêm nào mẹ tôi cũng đều thao thức mong ngóng anh ấy trở về. Chắc là có cả triệu bà mẹ Việt Nam hồi đó đều như vậy...
Sau tháng về phép, ông trở lại đơn vị và được cử đi làm kinh tế ở tỉnh Đồng Nai. Tháng 6/1977, ông tiếp tục gia nhập “đội quân nhà Phật” bộ đội Việt Nam sang giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đuổi bè lũ Pôn Pốt. Lúc này ông là Đại đội phó Đại đội vận tải thuộc Trung đoàn 429, bộ đội đặc công miền Đông Nam bộ. Đơn vị của ông đóng quân ở huyện Tân Lập, tỉnh Tây Ninh, cách cửa khẩu Xa Mát khoảng 23 km. Nơi này, lính Pôn Pốt trong một đêm tràn sang sát hại toàn bộ thường dân vô tội. Hiện nay, tại nơi đây được dựng một tấm bia ghi rõ thời gian và số người bị chúng sát hại... Sau đó, đơn vị anh hòa vào đội quân tình nguyện sang Campuchia.
Ông Sơn nhớ lại: Hồi đó sang Campuchia, thấy đất nước Chùa Tháp nghèo xơ xác, người dân khổ lắm. Nhà chủ yếu lợp bằng lá thốt nốt, vách tôn. Chúng tôi chiến đấu tiêu diệt Pôn Pốt ở các tỉnh như: Prây Viêng, Kon Pông Chàm, Kom Pông Thưm, Xiêm Riệp, Biển Hồ… Tàn quân Pôn Pốt rất khát máu, ở đâu cũng chúng cũng giết người man dợ. Chúng bẫy mìn khắp nơi, chống trả quyết liệt bộ đội tình nguyện Việt Nam. Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh vì sự hồi sinh của đất nước Campuchia trên tình thần quốc tế trong sáng.
Sau mấy năm chiến đấu đầy cam go, ác liệt tiêu diệt bè lũ Pôn Pốt, ngày 07/01/1978, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, giải phóng thủ đô Pnông Pênh, Campuchia.
ÁM ẢNH NỬA THẾ KỶ PHÍA SAU CUỘC CHIẾN
Khi được hỏi về xúc cảm sau hơn nửa thế kỷ là chứng nhân của cuộc chiến tàn khốc, ông Hà Thanh Sơn bồi hồi: Tôi nhớ mãi, năm 1972, khi tình nguyện viết đơn nhập ngũ, đi khám sức khỏe, vừa chưa đủ tuổi, lại nhẹ cân (chỉ 41 kg). Phải năm nỉ mãi mới được chấp thuận. Trong huấn luyện, vì đạt nhiều thành tích nên tôi được chọn làm A trưởng (Tiểu đội trưởng). Do yêu cầu chiến đấu, tôi được đề xuất kết nạp vào Đảng (do chưa kịp xác minh lý lịch thì có lệnh phải vào chiến trường). Đầu năm 1973, do yêu cầu chiến trường, chúng tôi được huấn luyện đặc công đánh xe tăng, đánh thành phố và đánh sân bay, kho xăng và các cứ điểm trọng yếu của địch. Bộ đội đặc công chúng tôi được huấn luyện đánh cả trên cạn và thủy, mọi địa hình nên sau này thích nghi với chiến trường rất nhanh.
Tôi nhớ mãi khi hành quân vượt Trường Sơn. Thời điểm đó cũng vô cùng gian khổ. Chúng tôi thường xuyên phải đương đầu với những trận không kích và pháo tầm xa của địch. Rừng rậm Đông - Tây Trường Sơn, bên nước mình và nước bạn Lào vô cùng khắc nghiệt. Tận mắt chứng kiến tôi mới biết, ở Trường Sơn, bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong của chúng ta khó khăn, gian khổ thế nào. Cơm không đủ ăn, chủ yếu là gạo cũ, mốc ăn với rau tàu bay... Rất may, lúc đó chúng tôi mới vào, nên còn chút lương khô, muối vừng, chia sẻ bớt cho đồng đội…
Bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn không chỉ đương đầu với bom đạn, thời tiết khắc nghiệt mà còn phải chống chọi với thú dữ, rắn rết, muỗi vắt và sốt rét rừng và hy sinh do sốt rét rừng cũng khá nhiều. Nhiều anh lính mới, chị thanh niên xung phong trẻ, đẹp đã dành cả tuổi đôi mươi năm lại nơi chiến trường bom đạn. Tôi ám ảnh mãi, trên đường hành quân, thấy một đồng đội bị sốt rét, phải mắc võng nằm lại giữa rừng. Anh ấy đã hy sinh. Thân thể anh ấy bị biến dạng vì kiến lửa rừng Trường Sơn. Những đàn kiến lửa kềnh càng. Chúng gặp gặm nhấm nhanh kinh khủng... Có đồng đội hy sinh chuyển từ tuyến trước về, chưa kịp làm công tác liệt sĩ, kiến mối đã xông lấp, vùi kín… Đau xót lắm!
Một kỷ niệm khác về chiến tranh cũng làm tôi nhớ mãi. Hôm đó, anh nuôi đơn vị của chúng tôi chuẩn bị bữa ăn. Đồng chí ấy đung bằng “bếp Hoàng Cầm”. Lúc đang nấu cơm thì đồng chí ấy đi ra suối vo gạo. Thế là lửa cháy lan ra cửa bếp, tạo khói bay lên. Tàu bay do thám OV10 của địch bay phát hiện. Chúng bắn pháo sáng chỉ điểm. Vài phút sau, chiếc C130 của địch đến ném bom và pháo kích từ các căn cứ của chúng gần đó bắn cấp tập xuống khu vực chúng tôi dừng chân. Chúng tôi may mắn thoát kịp, không có ai thương vong. Tuy nhiên, bếp núc của chúng tôi đã tan tành vì bom, đạn. Bữa đó, chúng tôi đành phải ăn lương khô, uống nước suối…
![]() |
Bộ đội đặc công hóa trang đánh trận. Ảnh; Tư liệu |
Lính đặc công khi đánh trận đều hóa trang, không ai nhận ra nhau, kể cả khi hy sinh cũng không biết cụ thể đó là ai. Chúng tôi chỉ mặc độc chiếc quần đùi và mang theo những vũ khí, quân trang cơ động... Tôi chỉ còn nhớ mang máng, đồng đội của tôi trong trận đánh Đài Ra đa Phú Lâm đêm 28/4/1975 có một đồng chí tên là Nguyễn Văn Lâm, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và một đồng chí tên là Đỗ Xuân Thịnh, quê ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Chỉ huy trận đánh của chúng tôi lúc đó là đồng chí Hoàng Văn Thượng, quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng... Tôi có một người bạn từng là đặc công hải quân, chuyên đánh người nhái. Anh ấy sau này bị ám ảnh đến nỗi đêm đêm không dám ngủ chung cùng ai, vì sợ mộng du có thể sát hại người bên cạnh mình. Còn tôi, sau này cũng bị hậu quả của lần bị bao vây trong bãi xe cũ ở Đài Ra đa Phú Lâm do uống phải nước đọng trên thùng xe nhiễm độc kim loại nên phải mổ cắt 2/3 dạ dày. Rồi nữa là ám ảnh rằng không biết mình có bị nhiễm đioxin, chất độc da cam ở rừng Trường Sơn hay không…(?). Cũng may, thế hệ con, cháu của tôi đều ổn cả… Ông chia sẻ: Những tháng ngày gian khó hành quân thần tốc, chúng tôi được qua nhiều miền quê của đất nước và cả nước bạn Lào, Campuchia. Chỗ nào cũng thấy cảnh chiến tranh hoang tàn, bom đạn, chết chóc. Đàn ông bị chúng bắt đi lính Khơme đỏ, phụ nữ thì bị chúng hãm hiếp. Chúng tôi phải nhường lại những khẩu phần lương khô ít ỏi cho người dân… Do là lính đặc công, chúng tôi thường phải áp sát các mục tiêu lớn để đánh. Bộ đội, dân quân du kích, dân thường hy sinh, thương vong nhiều lắm.
Khi sang giúp nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng, lính Pôn Pốt thường giả danh dân thường, thấy bộ đội Việt Nam đi nhỏ lẻ bất ngờ dùng dao quắm chém ngang cổ hoặc bẫy súng DKZ, đánh kiểu du kích nên quân ta thương vong nhiều lắm. Sau đó, các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 1 và 3 và các sư đoàn, trung đoàn khác của ta được điều thêm sang hỗ trợ mới dẹp được đám tàn quân Pôn Pốt cho đến ngày Campuchia giải phóng.
Ông Sơn kể: Tháng 2/1978, khi trên đường đi làm nhiệm vụ thì một chiếc xe zeep trong đoàn vận tải của chúng tôi chở 11 cán bộ vệ binh trung đoàn từ Campuchia về Tây Ninh đã bị trúng mìn chống tăng của Pôn Pốt. 11 đồng đôi của tôi hy sinh, trong đó có đồng chí Trung đoàn phó người miền Nam. Chúng tôi phải nhặt từng mảnh xác của đồng đội đẻ chia đủ cho vào 11 chiếc áo quan. Các đồng chí ấy bây giờ được chôn cất ở nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, Tây Ninh...
Tháng 3/1978, ông Hà Thanh Sơn được phục viên trở về quê hương. Dù được cấp trên cử đi học sĩ quan ở Liên Xô, nhưng ông tình nguyện ở lại quê hương, nhường suất cho đồng đội xứng đáng. Trở về quê hương ở tuổi gần 25, ông Sơn tiếp tục đi học để làm nghề giáo viên. Năm 1989, ông nghỉ hưu sớm theo chế độ 176. Dù được nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tham gia công tác ở địa phương. Ông nguyên là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chân Sơn; Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chân Sơn. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương chiến thắng Hạng Ba, Huy chương Giải phóng Hạng Ba, Huy hiệu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm nay, ông được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
![]() |
Cựu chiến binh Hà Thanh Sơn vinh dự được nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
![]() |
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chân Sơn Hà Thanh Sơn tặng quà chia tay thành viên của Ban kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo Hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cựu chiến binh Hà Thanh Sơn có một ước nguyện chưa thành sau 50 năm, đó là thăm lại được chiến trường xưa nơi ông từng hành quân, chiến đấu dọc Bắc - Trung - Nam và Campuchia; cũng như gặp lại được các thủ trưởng và đồng đội năm nào của mình...
(PLM) - Sáng 27/4, tại đường Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Chương trình Tổng duyệt cấp Nhà nước diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
(PLM) - Vào khoảng 10 giờ 20 phút sáng 22/4, tại căn nhà số 16 Ngõ Trạm, phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã xảy ra cháy.
(PLM) - Theo phản ánh, trạm trộn bê tông Minh Tâm An Khánh (thuộc Công ty TNHH Bê tông Minh Tâm An Khánh) nằm tại KĐT Kim Chung - Di Trạch nhiều lần bị cơ quan chức năng huyện Hoài Đức kiểm tra, xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục sai phạm về môi trường. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn phớt lờ chỉ đạo của cơ quan chức năng, tiếp tục xả nước thải có dấu hiệu chưa qua xử lý ra môi trường. Và nhiều dấu hiệu bất thường khi mỗi ngày, có hàng chục xe chở bê tông gắn logo "Bê tông Chèm" vào hút bê tông mang đi tiêu thụ?
(PLM) - Bước chân trên mây – Chinh phục đỉnh Tà Xùa năm 2025 đã chính thức khép lại. Hai lần liên tiếp Trạm Tấu là nơi diễn ra giải đã mang lại hiệu ứng vượt xa những kỳ vọng của Ban Tổ chức. Và thành công lớn nhất xuất phát chính từ những bài viết, hình ảnh của 100 Nhà báo tham dự giải đã quảng bá nét đẹp về một Trạm Tấu “Ấm áp suối nguồn, bát ngát biển mây”, đưa nơi đây đến gần hơn với đông đảo bạn đọc trên cả nước. Khoảnh khắc chia tay với nhiều cảm xúc và tình cảm gửi lại Trạm Tấu cũng là chuẩn bị cho những hành trình chinh phục đỉnh cao mới của “Bước chân trên mây”, mang theo sứ mệnh của người làm báo để tiếp tục lan toả những thông điệp tích cực về những vùng đất “Bước chân trên mây” sẽ đi qua…
(PLM) - Khoảng 14h30 ngày 18-4, tại toà nhà Parkson, số 1 Thái Hà, bất ngờ xuất hiện một vụ hỏa hoạn. Khói và lửa bám theo góc toà nhà phía trên phố Tây Sơn khiến toàn bộ người dân đang làm việc trong toà nhà đồng loạt theo lối thoát hiểm chạy ra ngoài.
(PLM) - Mặc dù UBND tỉnh Yên Bái đã có Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều điểm tập kết, khai thác cát, sỏi tại các xã Mậu Đông, An Thịnh và thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên vẫn đang có dấu hiệu hoạt động trái phép gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, gây nguy cơ “chảy máu khoáng sản”, thất thoát nguồn thu cho ngân sách.
(PLM) - Chiều tối ngày 13/4, Báo Pháp luật Việt Nam cùng UBND huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt đã tổ chức lễ Tổng kết Giải leo núi “Bước chân trên mây” lần thứ II - Chinh phục đỉnh Tà Xùa năm 2025. Cũng tại buổi lễ tổng kết, ông Trần Ngọc Hà – Phó tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết tiếp nối thành công của mùa 2, báo sẽ tiếp tục tổ chức giải leo núi dành cho phóng viên, nhà báo các cơ quan báo chí trên cả nước ở mùa 3 với sự chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn, an toàn và hấp dẫn hơn. Đây là cam kết của Báo PLVN và những người có trách nhiệm, có tình cảm gắn bó với địa phương.
(PLM) - Chỉ sau 2 giờ 15 phút, Vận động viên Trịnh Hoàng Yên – số báo danh 025 đã xuất xắc vượt qua 12km cung đường Giải leo núi Bước chân trên mây lần 2 – Chinh phục đỉnh Tà Xùa để cán đích đầu tiên, qua đó chiến thắng thuyết phục ở bộ giải giành cho nam. Đây là lần thứ 2 liên tiếp vận động viên đến từ Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái tham dự và có thành tích vượt trội tại Giải leo núi “Bước chân trên mây”. Ở mùa giải đầu tiên được tổ chức, anh Trịnh Hoàng Yên từng phải về nhì , chức vô địch lần này càng trở nên đặc biệt, khẳng định sự bền bỉ và quyết tâm không ngừng nghỉ , qua đó giữ lại cúp vô địch ở lại tỉnh Yên Bái – địa phương 2 năm liền được chọn làm nơi tổ chức giải.
(PLM) - Sáng 12/4, hơn 100 nhà báo, phóng viên thuộc các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước hào hứng "vào cuộc" tranh giải "Bước chân trên mây" chinh phục đỉnh Tà Xùa từ chân núi thuộc chòm Sáng Nhù, thôn Tà Xùa, xã Bản Công. Thời tiết tạo thuận lợi cho các vận động viên.
(PLM) - Kết luận thanh tra đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật lĩnh vực công chứng của Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm của Văn phòng công chứng Nguyễn Liễu.