1. Trang chủ /
  2. Nội chính - Tư pháp /
  3. Ghi nhận nhiều ý kiến thực tiễn, có giá trị cao nhằm hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi

Ghi nhận nhiều ý kiến thực tiễn, có giá trị cao nhằm hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi

thứ sáu, 12/4/2024 20:49 GMT+07
Ngày 11/4, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn chủ trì.
Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Thực hiện Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023 và sự phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-6/2024).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Qua tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản, các quy định của Luật cơ bản vẫn phát huy hiệu quả, tính khả thi trên thực tiễn. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật Đấu giá tài sản hiện hành, bổ sung 2 điều mới. Các điều khoản khác chỉ sửa đổi bổ sung mang tính kĩ thuật. Đồng thời, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã tăng 17 khoản so với dự thảo trình Quốc hội vào kì họp thứ 6, nhưng trong đó một số khoản được thiết kế và sắp xếp lại để phù hợp với kỹ thuật lập pháp mà không thay đổi nội dung. Trên cơ sở dự thảo luật đã được tiếp thu hoàn thiện, ông Nguyễn Minh Sơn đã đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung cụ thể, tích cực đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi từ các đại biểu là đại biểu Quốc hội các tỉnh thành, đại diện các ban ngành cũng như chuyên gia điều hành, làm việc tại các tổ chức đấu giá.

Các đại biểu đã bày tỏ sự đồng thuận và đánh giá cao nội dung dự thảo lần này, dự thảo đã cơ bản sửa đổi các quy định trước đây, các nội dung chỉnh sửa chi tiết, khoa học, thể hiện sự cẩn trọng, tâm huyết của ban soạn thảo.

Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn chỉnh hơn một số điều trong Luật Đấu giá tài sản. Trong đó tập trung các vấn đề như Quy định về ngày giờ bán hồ sơ tham gia đấu giá; Quy định mua hồ sơ tham gia đấu giá tài sản; Quy định về thông báo thời gian thay đổi địa điểm đấu giá; Quy định về quyết định mức giá, bảo mật tài liệu đấu giá; Quy định về giá khởi điểm dự kiến; Quyền của người có tài sản chịu trách nhiệm đối với tài sản đưa ra đấu giá; Các đề nghị bổ sung quy chế niêm yết; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu giá; Quy định về thông tin đầy đủ, chính xác, công khai minh bạch trong đấu giá, chứng minh năng lực thực sự của người tham gia đấu giá...

Từ thực tiễn, nhiều đại biểu cũng bày tỏ trăn trở với thực trạng bỏ cọc trong đấu giá. Ông Mai Văn Hải, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, thực tế cho thấy có trường hợp sau đấu giá, 10 người tham gia đấu giá, chỉ có hai người tiến hành thanh toán, còn lại là bỏ cọc. Chính vì vậy, các đại biểu đưa ra ý kiến cần siết chặt các quy định pháp luật để làm sao hạn chế tình trạng các “chân gỗ” trong đấu giá, hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro đến từ hành vi bỏ cọc của người tham gia đấu giá, loại bỏ các rào cản ảnh hưởng đến tiến độ và lợi ích của người tham gia đấu giá…

Trình bày những nội dung cơ bản của dự thảo Luật, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết dự thảo Luật kế thừa quan điểm Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; các nội dung khác thuộc giai đoạn trước khi đấu giá (quy trình đưa tài sản ra đấu giá, xác định giá khởi điểm…) và sau khi đấu giá (phê duyệt kết quả, nộp tiền trúng đấu giá, giao tài sản đấu giá, cấp phép sử dụng…) thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với tài sản đó. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, liệt kê đầy đủ theo nhóm các loại tài sản mà các văn bản pháp luật hiện hành đang quy định phải bán thông qua đấu giá để đảm bảo rõ ràng, thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.

Kiến nghị đối với tình trạng đấu giá cao rồi bỏ cọc xảy ra thời gian qua đối với một số vụ việc, trong đó chủ yếu tập trung vào tài sản là quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất ít trong số những vụ đấu giá thành công nhưng được dư luận đặc biệt quan tâm, do đó ngoài việc hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá thì cần rà soát hoàn thiện quy định của pháp luật chuyên ngành về yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá. Trong đó, điều kiện về năng lực tài chính, vốn, yêu cầu về năng lực chuyên môn, kỹ thuật đảm bảo người trúng đấu giá sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản có đủ năng lực để sử dụng đúng đất đai, khoáng sản theo đúng mục đích của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, góp phần vào hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản nói chung.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được xây dựng trên cơ sở bám sát các nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo như hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá; Hoàn thiện theo hướng tăng cường trách nhiệm của người có tài sản, người tham gia đấu giá, các đấu giá viên cũng như tổ chức đấu giá, đảm bảo quản lý nhà nước một cách hiệu quả về đấu giá.

“Trên cơ sở đó, với tinh thần hết sức nghiêm túc, Bộ Tư pháp sẽ ghi nhận, nghiên cứu, tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu tại hội thảo. Bộ Tư pháp cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban kinh tế để có những giải pháp chỉnh lý dự thảo. Đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động đấu giá được hiệu quả trong thời gian tới” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thay mặt Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo, tổ biên tập, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã chân thành cảm ơn các đại biểu tham gia hội thảo đã cung cấp những thông tin thực tiễn, sinh động, có giá trị cao để góp phần hoàn thiện dự thảo luật. Thứ trưởng đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp để phối hợp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật này với chất lượng cao nhất, hiệu quả nhất và triển khai mang tính khả thi hiệu quả trong thực tiễn để trình Quốc hội xem qua tại kì họp sắp tới đây.