Hòa bình-Độc lập-Tự do là khát vọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Để hiện thực khát vọng đó, các thế hệ cha ông ta đã đứng lên, anh dũng, quật cường đánh đuổi kẻ thù ngoại xâm, giữ vững và mở mang biên cương, tạc vào lịch sử những kỳ tích, chiến công hiển hách.
Một trong những dấu son đó là ngày 22/12/1944 - ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, mở ra những chiến công chói lọi của quân đội ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
79 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và việc xuất sắc thực hiện những lời căn dặn của Bác, Quân đội Nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh.
Lực lượng vũ trang đó cũng đang mang sứ mệnh mới: Xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam “tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại” bảo đảm đủ sức hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc hòa bình cho đất nước.
Quân đội ta được Đảng ta thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ban đầu gồm 34 chiến sỹ, biên chế thành 3 tiểu đội, với tên gọi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chỉ thị thành lập đội quân này đã nhận định: “Tuy lúc đầu quy mô nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang.” Vì theo Người, đội quân cách mạng này sẽ phát triển “từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta."
Vừa mới ra đời, ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã tập kích diệt đồn Phai Khắt ở tỉnh Cao Bằng rồi đánh đồn Nà Ngần, cách đó 15km về phía Đông Bắc để mở đầu truyền thống đánh là chắc thắng, thắng ngay từ trận đầu của quân đội ta. Sau đó, Đảng ta hợp nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân.
Từ những chiến công đầu Phai Khắt, Nà Ngần đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, từ khí thế cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân Hà Nội mở đầu Ngày Toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946, đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954, Quân đội Nhân dân cùng các lực lượng vũ trang cách mạng trong cả nước đã trưởng thành vượt bậc, trở thành một quân đội cách mạng chính quy, lập nên kỳ tích “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu.”
Thắng lợi của quân đội và nhân dân ta không những làm phá sản mưu đồ quay trở lại thống trị Việt Nam của chủ nghĩa thực dân mà còn cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên, mở đầu cho sự sụp đổ hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới.
Từ những chiến công mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta tiếp tục đánh bại cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm bằng "pháo đài bay" B52 của kẻ thù hòng “đưa Hà Nội và miền Bắc về thời kỳ đồ đá,” làm nên Chiến thắng lẫy lừng Hà Nội-Điện Biên phủ trên không năm 1972.
Và đại thắng mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là chiến công vang dội của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên chặng đường giữ vững độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.
Chiến công đó đã mở đầu cho thời kỳ mới, thời kỳ cả nước ta ra sức xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."
Không chỉ chiến đấu giải phóng dân tộc mình, với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "giúp bạn là tự giúp mình," Quân đội ta còn sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia chống kẻ thù chung.
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược vừa kết thúc thắng lợi, Quân đội ta lại bước vào cuộc chiến đấu ác liệt để bảo vệ biên giới Tây Nam rồi biên cương phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, để lại hình ảnh tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng nhân dân nước bạn.
Những mốc son chói lọi đó đã tạc vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng và phát triển vượt bậc của quân đội ta.
Ngày nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam đang bảo vệ Tổ quốc và góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước với nhiều cơ hội lớn và thách thức mới. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải ra sức xây dựng Quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc,” Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương đặt mục tiêu: Đến năm 2025, Quân đội sẽ được xây dựng cơ bản tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, sáng tạo, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, đồng thời, cũng thỏa lòng mong mỏi và nguyện vọng chính đáng của toàn dân, toàn quân ta.
Hướng “tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại” đó thể hiện rất rõ qua việc các quân đoàn sẽ được sắp xếp, tổ chức lại, tiếp tục được xác định là lực lượng cơ động chiến lược, có vai trò đặc biệt quan trọng trong tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Mà mới đây, Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 đã được tổ chức lại thành Quân đoàn 12, là Quân đoàn đầu tiên được tổ chức lại theo chủ trương đúng đắn này.
Để xây dựng quân đội hiện đại, công nghiệp quốc phòng cũng đang từng bước phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang và góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng. Việc thành lập lực lượng mới này cho thấy sự quyết tâm và chủ động về chủ trương nhằm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, phương thức bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước, Quân đội trước bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mở ra một kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội nhưng đi kèm là những thách thức. Nhất là trước sự xuất hiện một số hình thái chiến tranh mới như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, trực tiếp đe dọa chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trên không gian mạng.
Đặc biệt, kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” được hình thành, đúc kết trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương thức giữ nước trong mọi thời đại, tiếp tục được Đảng ta kế thừa. Với tư duy, tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo, phát triển kế sách của cha ông thành quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Việc Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc chính là thể hiện tầm nhìn, sự vận dụng sáng tạo kế sách đó.
Tính đến nay, Việt Nam đã cử gần 800 lượt cán bộ, nhân viên của Quân đội, Công an đi làm nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi...
Thực tiễn những năm qua cho thấy, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng; là điểm sáng trong quan hệ đa phương của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong những năm gần đây.
Lực lượng “Mũ nồi xanh” của Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Liên hợp quốc, Phái bộ và bạn bè quốc tế tin tưởng, đánh giá cao lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam về chuyên môn, tính kỷ luật, đoàn kết quốc tế và khả năng thích ứng với môi trường đa quốc gia, khí hậu khắc nghiệt, an ninh, bệnh dịch phức tạp.
Những kết quả quan trọng đó, như khẳng định của Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “...là tiền đề rất quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; đồng thời, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.”
79 năm kể từ ngày 22/12/1944, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và thực hiện xuất sắc những lời căn dặn của Bác, Quân đội Nhân dân Việt Nam đang không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, bảo đảm đủ sức hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc hòa bình cho đất nước.
Và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, là chú trọng xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, góp phần xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, phải luôn luôn "tự soi, tự sửa" để trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn, phức tạp đến đâu thì phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" vẫn được giữ vững; phải giữ mình và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện; đấu tranh có hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm cho quân đội ta ngày càng mạnh hơn, trưởng thành hơn, mãi mãi xứng đáng là "Bộ đội Cụ Hồ," xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
(PLM) -Chiều 15/1, Ban Doanh nhân và Pháp luật (Báo Pháp luật Việt Nam) với sự đồng hành của các doanh nghiệp đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Tết ấm – Xuân thương” tại Bệnh viện K – Cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
(PLM) - Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Xiển có xu hướng bùng phát trở lại. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị.
(PLM) - Khoảng 10 giờ ngày 15/1, một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn qua thôn Trường Thịnh, xã Trường Lâm, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa gây ùn tắc nghiêm trọng.
(PLM) - Sáng 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu là đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
(PLM) - Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
(PLM) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa Công viên hồ Phùng Khoang vào phục vụ Nhân dân trước ngày 20/1.
(PLM) - Nằm trong chuỗi hoạt động “Tết quân dân” năm 2024 huyện Mỏ Cày Bắc, ngày 9/1, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp UBND huyện Mỏ Cày Bắc khánh thành cầu Pháp Luật Việt Nam (Cầu Rạch Dầu) tại ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).
(PLM) - Sáng 9/1, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh dự và chủ trì Toạ đàm, đồng chủ trì và điều hành có Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp. Tham dự Toạ đàm có các chuyên gia về kinh tế, chuyên gia pháp luật cùng đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam. Toạ đàm là diễn đàn để lắng nghe, là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới .
(PLM) - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.