Thời gian có lúc chậm chạp như ngừng trôi mà có lúc lại như một cái chớp mắt. Bất chấp sự “vô thủy vô chung” ấy (chữ của nhạc sỹ Thụy Kha), những tượng đài nghệ thuật sẽ sống mãi cùng dân tộc.
Nhạc sỹ Văn Cao (1923-2023) chính là một tượng đài như thế. Dù ông đã “về thế giới người hiền” 28 năm qua (10/7/1995) nhưng ông vẫn “sống” hay nói cách khác là nghệ thuật của ông vẫn đồng hành cùng đời sống, như giai điệu “Quốc ca” vẫn vang lên từng ngày trên đất nước này.
Văn Cao: Lãng du trong nhiều miền nghệ thuật
Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc-hội họa-thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại.
Đó là cảm nhận của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
“Nhiều người ca ngợi Văn Cao là nghệ sỹ đa tài, thích lãng du qua những miền nghệ thuật khác nhau về âm nhạc, hội họa, thơ ca. Dù không gắn bó liên tục và dài lâu với một loại hình nào, nhưng ở cả ba miền ấy, ông đều lưu dấu rất nhiều sáng tạo mang tính khai phá, mở lối cho mình và cho những người đến sau,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ nói.
Nhạc sỹ Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng, trong một gia đình công chức. Khi còn nhỏ, Văn Cao học tại Trường Tiểu học Bonnal, sau lên học Trung học tại Trường Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học nhạc.
Trước năm 1945, trong lĩnh vực âm nhạc, năm 16 tuổi, Văn Cao viết “Buồn tàn Thu,” rồi các ca khúc lãng mạn, trữ tình như “Bến Xuân,” “Suối mơ,” “Thiên thai,” “Trương Chi,” “Thu cô liêu,” “Cung đàn xưa”…
Trong thơ, năm 17 tuổi, ông viết “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” rồi “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”; ông viết thơ văn đăng ở Tiểu thuyết thứ Bảy…
Về hội họa, năm 19 tuổi, ông dự học không liên tục trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 20 tuổi ông đã có các bức tranh gây chú ý như “Cô gái dậy thì,” “Sám hối,” “Nửa đêm,” nhất là bức tranh “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”… Những bản nhạc của Văn Cao như “Buồn tàn Thu”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi” được in ra đều do ông trình bày bìa.
Năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh, bằng bài hát lừng danh “Tiến quân ca” cuối năm đó, Văn Cao đã có bước chuyển lớn lao từ phong cách lãng mạn, trữ tình và cả hiện thực phê phán sang phong cách cách mạng-kháng chiến cả trong nhạc, họa và thơ, theo nhận xét của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ.
Từ năm 1945 trở đi, ông viết “Bắc Sơn” rồi các ca khúc, hành khúc như là sự tiên tri kỳ lạ: “Hải quân Việt Nam,” “Không quân Việt Nam,” “Công nhân Việt Nam,” “Chiến sỹ Việt Nam,” tiếp đó là “Làng tôi,” “Ngày mùa,” “Tiến về Hà Nội,” “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” và “Trường ca Sông Lô.”
Ngoài ca khúc, sau này ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như “Sông Tuyến,” “Biển đêm,” “Hàng dừa xa,” sáng tác nhạc phim cho phim truyện "Chị Dậu" (1980), tổ khúc giao hưởng phim tài liệu “Anh bộ đội cụ Hồ” của Xưởng phim Quân đội Nhân dân.
Văn Cao là một trong những nhạc sỹ có nhiều thành tựu nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam thế kỷ XX, người có sức ảnh hưởng lớn đối với nền Tân nhạc nước nhà.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ khẳng định rằng nhạc sỹ, họa sỹ, nhà thơ Văn Cao là người nghệ sỹ đặc biệt đa tài, cây đại thụ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
“Nhiều nhà văn hóa lớn, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sỹ có tên tuổi đều có chung nhận định rằng Văn Cao là nghệ sỹ lớn, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, để lại dấu ấn đa dạng và sâu đậm trong lòng công chúng,” ông Kỷ nói.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định Văn Cao có những đóng góp rất quan trọng trên nhiều mặt cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp thì cho rằng Văn Cao là “một thác lũ nghệ thuật trùm lấp vòm trời Kinh đô Văn nghệ” (chữ của Tạ Tỵ) và nghệ thuật của Văn Cao “sang trọng như một ông hoàng” (chữ của Trịnh Công Sơn).
Ông Điệp cho rằng bên cạnh sự nhạy cảm thiên phú, gốc rễ tạo nên tầm vóc Văn Cao là chiều sâu tư tưởng và ý thức mài sắc cá tính. Đó là tư tưởng nhân văn và tinh thần duy mỹ.
“Nhân văn giúp Văn Cao biết căm ghét ngụy tạo, giả dối, biết yêu tự do và gắn bó số phận mình với số phận dân tộc. Duy mỹ giúp Văn Cao đề cao cái đẹp và sự thanh khiết của những giá trị tinh thần. Ý thức xác lập cái riêng trong nghệ thuật đã giúp cho cách nói của Văn Cao là tiếng hát của chàng Trương Chi hiện đại không hề bị trùng lặp,” ông Điệp nói.
Theo ông Điệp, mặc dù hấp thụ tư tưởng nghệ thuật phương Tây và khí quyển văn hóa thời đại nhưng việc bám sâu vào gốc rễ văn hóa Phương Đông đã giúp cho Văn Cao biết cách chiết xuất các nguồn dưỡng chất này thành những kết tinh nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân. Điều đó có thể rất rõ trong các giai đoạn nghệ thuật của Văn Cao: Lãng mạn thời đầu; hùng tâm tráng khí và đầy tính hiện thực ở chặng thứ hai; dằn vặt, trăn trở và đầy bản lĩnh ở giai đoạn thứ ba.
Nghệ thuật Văn Cao đồng hành cùng dân tộc
Theo nhà báo, nhà lý luận phê bình âm nhạc Trần Lệ Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, hành trình sáng tạo nghệ thuật của Văn Cao gắn liền với lịch sử dân tộc, đồng hành cùng dân tộc.
“Cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao đã trải qua biết bao thăng trầm với quá nhiều những trúc trắc, trăn trở của cuộc sống. Những sáng tác ở cả ba lĩnh vực âm nhạc-hội họa-thi ca đều đã được kiểm chứng và sàng lọc bởi thời gian, những tác phẩm ấy vẫn trường tồn cùng năm tháng, bởi đó là những giá trị nghệ thuật đích thực - nghệ thuật vị nhân sinh,” bà Trần Lệ Chiến chia sẻ.
Bà Chiến khẳng định mỗi tác phẩm của ông ghi lại những dấu ấn quan trọng có giá trị về tư tưởng, phong cách và nghệ thuật riêng biệt, không trộn lẫn. Những tác phẩm ấy đã vượt thời gian, trao truyền, lan tỏa đến nhiều thế hệ nghệ sỹ, công chúng trong và ngoài nước, khắc tên mình một cách chói sáng trong nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.
Chính vì lẽ đó, nhà báo Trần Lệ Chiến trăn trở với câu chuyện làm thế nào để phát huy giá trị di sản Văn Cao hay “làm mới” các ca khúc của ông trong nên âm nhạc ngày nay.
Nhà báo Trần Lệ Chiến cho rằng việc làm mới các tác phẩm âm nhạc kinh điển, điều quan trọng nhất chính là sự tôn trọng và hiểu biết sâu sắc đối với giá trị gốc, tinh thần và bản chất của tác phẩm. Sự phá cách đúng cách có thể mang lại sự mới mẻ và ý nghĩa cho khán giả, nhưng không nên làm mất đi cấu trúc và giá trị ban đầu của tác phẩm.
Nhạc sỹ Thụy Kha cũng từng nói rằng để hát được Văn Cao là cả một câu chuyện văn hóa bởi, phá cách trong biểu diễn nghệ thuật là phạm trù văn hóa nên rất cần sự cẩn trọng, tránh việc “gieo vừng ra ngô.”
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhạc sỹ Thụy Kha nói: “28 năm sau ngày mất và 100 năm ngày sinh Văn Cao cũng chỉ là một chớp mắt của thời gian ‘vô thủy, vô chung.’ Nhưng thời gian không những không lãng quên tên tuổi Văn Cao mà càng ngày càng qua thời gian, tên tuổi ông lại càng hiện diện, càng ngời sáng, càng lấp lánh như một vì sao trên đất nước thân yêu của mình.”
Nói như nhà văn Tạ Duy Anh, lịch sử Việt Nam đã dành cho nhạc sỹ, nghệ sỹ Văn Cao một vị trí vô cùng đặc biệt và độc đáo.
“Đặc biệt vì ông không chỉ là nhân vật có sức ảnh hưởng lâu dài về mặt văn hóa, mà còn là một nhân vật luôn có khả năng làm sống lại trong ký ức hàng triệu người một thời đại bi hùng, đầy biến động của đất nước. Độc đáo, vì cả khi không còn trên cõi đời, ông vẫn đồng hành cùng với chúng ta trong mọi niềm vui, nỗi buồn. Nhưng trên hết, ông là một người yêu nước, yêu con người, yêu quê hương, yêu tiếng Việt, yêu tâm hồn Việt và yêu cái đẹp.”./.
(PLM) -Chiều 15/1, Ban Doanh nhân và Pháp luật (Báo Pháp luật Việt Nam) với sự đồng hành của các doanh nghiệp đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Tết ấm – Xuân thương” tại Bệnh viện K – Cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
(PLM) - Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Xiển có xu hướng bùng phát trở lại. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị.
(PLM) - Khoảng 10 giờ ngày 15/1, một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn qua thôn Trường Thịnh, xã Trường Lâm, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa gây ùn tắc nghiêm trọng.
(PLM) - Sáng 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu là đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
(PLM) - Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
(PLM) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa Công viên hồ Phùng Khoang vào phục vụ Nhân dân trước ngày 20/1.
(PLM) - Nằm trong chuỗi hoạt động “Tết quân dân” năm 2024 huyện Mỏ Cày Bắc, ngày 9/1, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp UBND huyện Mỏ Cày Bắc khánh thành cầu Pháp Luật Việt Nam (Cầu Rạch Dầu) tại ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).
(PLM) - Sáng 9/1, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh dự và chủ trì Toạ đàm, đồng chủ trì và điều hành có Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp. Tham dự Toạ đàm có các chuyên gia về kinh tế, chuyên gia pháp luật cùng đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam. Toạ đàm là diễn đàn để lắng nghe, là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới .
(PLM) - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.