Trong những ngày cuối năm nắng hanh và rét ngọt đặc trưng, đình Tú Thị là một trong số những ngôi đình ở phố cổ Hà Nội rộn ràng mở cửa đón khách tham quan triển lãm “Chuyện đình trong phố”, chuỗi sự kiện tôn vinh văn hóa được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và một số doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nghệ sĩ… phối hợp tổ chức.
Đình Tú Thị thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606-1661), người làng Quất Động (huyện Thường Tín), một nhân vật lịch sử có nhiều công lao trong việc truyền dạy và phát triển nghề thêu ở nước ta. Ngôi đình hơn 130 năm tuổi đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (năm 2012) gần đây được biết đến ngày càng nhiều hơn, cũng như nghề thêu truyền thống làng Quất Động đang được nối dài trong nghệ thuật và cuộc sống đương đại.
“Phải lòng” vẻ đẹp thủ công
Thăm đình Tú Thị, ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật do nữ họa sĩ Trần Thị Hội thực hiện từ sản phẩm của Tiệm thêu tay Tú Thị, du khách người Nhật Nanami Chiba tỏ rõ sự ái mộ và hào hứng. Nếu “Giao hòa 1” là những bức tranh thêu nhỏ xíu hình tròn - tượng trưng cho trời, với hình cỏ cây, hoa lá, chim muông, được treo lơ lửng một cách có dụng ý, thì “Giao hòa 2” tái hiện hình ảnh những đôi bàn tay, vật dụng của nghề thêu, in trên tấm mica vuông như những tấm gương trong suốt, phản ánh vẻ đẹp giản dị của lao động.
30 kỹ thuật thêu độc đáo của các nghệ nhân làng thêu Quất Động được kết nối với hội họa, sắp đặt và “kể” câu chuyện văn hóa một cách sinh động cho người xem, vượt qua mọi rào cản thời gian hay ngôn ngữ.
Chị Nanami, cũng như nhiều người khác yêu thích cái đẹp và thời trang, đã tìm đến Tiệm thêu tay Tú Thị (số 23 Hàng Thùng) để hiểu thêm về nghề thêu, trò chuyện với thế hệ kế thừa của làng thêu Quất Động và mang về những món quà đậm chất Việt Nam cho mình và người thân.
Đã không đếm nổi bao nhiêu lần chia sẻ với khách hàng, học viên lớp học thêu, hay báo chí truyền thông về hành trình 7 năm của Tiệm thêu tay Tú Thị, song Giám đốc Bùi Thị Mai Lan vẫn đầy tự hào và sôi nổi khi được kể về làng mình, về nghề thêu. Rời quê Quất Động để sống và làm việc nhiều năm nơi phố xá Hà thành, chị Mai Lan từng là một nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa và du lịch của Đài Tiếng nói Việt Nam, được nhiều độc giả, thính giả yêu mến.
Rồi một ngày, sau những lần có cơ hội đi khắp Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, tình yêu và ước mơ từ khi còn là một bé gái gắn bó với làng nghề thêu đã thôi thúc Mai Lan mở thương hiệu Tiệm thêu tay Tú Thị. Cái tên Tú Thị dựa trên tên đình Tú Thị như một sự tri ân, cũng là nhắc nhở bậc hậu bối chọn theo đuổi con đường này. Không nhiều người biết được rằng đình Tú Thị được xây dựng từ năm 1891 bởi chính người dân làng Quất Động, khi họ đến kinh thành Thăng Long xưa định cư và lập nghiệp tại làng Yên Thái để buôn bán, trao đổi hàng thêu thủ công.
Cùng những người bạn và cộng sự chia sẻ chung đam mê, tâm huyết, chị Mai Lan đã và đang nỗ lực để nghề thêu cũng như chất liệu truyền thống không bị mai một. Từ những sản phẩm thông dụng như khăn tay, khăn quàng, tranh thêu, lót ly, túi xách… cho đến áo dài, áo bông, váy đầm luôn biến đổi theo thị hiếu người dùng, Tiệm thêu tay Tú Thị đều có thể thiết kế và sản xuất. Xưởng thêu Tú Thị được đặt tại chính làng Quất Động với khoảng hơn 10 nhân sự là các nam, nữ thợ thêu lành nghề.
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh/Có về Quất Động với anh thì về/Quất Động làng anh có nghề/Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành”… Những vị khách từng theo chân chị Mai Lan về thăm Quất Động, trong đó có tôi, được chiêm ngưỡng phong cảnh và trải nghiệm nếp sống của một làng quê thuần nông, còn giữ nhiều nét cổ kính và đặc sắc trong kiến trúc, phong tục. Chị Phạm Thị Hương, một thợ thêu của Tú Thị, chia sẻ rằng thuở trước Quất Động nổi danh khắp vùng, chuyên thêu thùa chủ yếu phục vụ cung đình và tầng lớp quý tộc, các sản phẩm trang trí trong đền chùa và phường tuồng.
Người thợ thêu ren thường làm những mặt hàng nghi lễ hay trang phục cung đình như thêu câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình, chùa cùng các loại khăn chầu, áo ngự… Qua nhiều thăng trầm, nghề thêu ở Quất Động có lúc suy giảm nhưng sức sống tiềm tàng vẫn âm thầm, bền bỉ. Tranh thêu Quất Động vẫn khẳng định được chất lượng nghệ thuật cao, có chỗ đứng trên thị trường. Xu hướng yêu thích sản phẩm thủ công, các mô hình du lịch làng nghề… cũng góp phần “tiếp lửa” cho người dân giữ nghề.
Đưa khách tham quan xưởng thêu, dạo quanh đường làng, chị Mai Lan cũng trải lòng: “Sản phẩm thêu tay Quất Động giờ vừa phải cạnh tranh với thêu máy giá rẻ từ nước ngoài, vừa phải nghĩ cách đổi mới kiểu dáng, công năng sao cho phù hợp cuộc sống hiện đại. Thế rồi các bạn trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn công việc hơn, có thể làm công nhân, buôn bán, học đại học… bởi vậy nên số lượng thợ thêu không còn nhiều như trước, càng ngày càng ít người gắn bó”.
Khó khăn là thế, song chị cũng khẳng định thêu tay truyền thống nói riêng và mọi nghề thủ công nói chung luôn có những giá trị mà máy móc không thay thế được, kinh tế thị trường không cuốn đi được.
Đó là bóng dáng quê hương, là cảm xúc và sự khéo léo của đôi tay người thợ, là sự sáng tạo vô hạn của những trái tim yêu văn hóa Việt… Chẳng hạn, một bộ áo dài hay chiếc áo chần bông của Tiệm thêu tay Tú Thị có thể bền mầu, giữ phom trong nhiều năm, có thể được truyền lại bởi người bà, người mẹ cho con cháu trong nhà với bao ký ức và cảm xúc. Đặc biệt, Tiệm thêu tay Tú Thị có đội ngũ thiết kế riêng với tiêu chuẩn chất lượng và đăng ký bản quyền, cam kết không nhận sao chép mẫu của hãng khác.
Giữ truyền thống cho tương lai
Khởi nghiệp bằng tình yêu và chọn cách làm bền vững nên thời gian qua Tiệm thêu tay Tú Thị là một cái tên đáng chú ý trong số các thương hiệu thời trang thêu tay tại Hà Nội, đồng thời là một địa chỉ được du khách quốc tế yêu thích, truyền tai nhau và ví von như “kho báu” ẩn giấu trong một con ngõ nhỏ xíu của phố cổ. Không chỉ trưng bày và bán đồ thời trang, quà lưu niệm, Tiệm thêu tay Tú Thị còn tổ chức các lớp học thêu, trò chuyện về nghề thêu dành cho những người yêu mến văn hóa truyền thống Việt Nam.
Nghệ nhân Bùi Lê Thuần, người làng Quất Động, gắn bó cả đời với nghề thêu, được mời làm giảng viên hướng dẫn các học viên về kỹ thuật thêu truyền thống. Thành quả sau những giờ phút thăng hoa của cả thầy và trò là những bức tranh thêu tay mang chủ đề đa dạng như chùm hoa, cây lá rực rỡ sắc mầu, cánh chim sống động, có hồn... Không nhận những mỹ từ như “hồi sinh” nghề thêu, chị Mai Lan và chị Hà Trang - hai người cùng phát triển thương hiệu hiện nay, chỉ khiêm nhường bày tỏ niềm vui khi ngày càng nhiều người tiêu dùng trong nước hiểu hơn và yêu hơn sản phẩm thêu tay truyền thống, xóa bỏ những định kiến như đồ thêu “xa xỉ”, hoặc thời trang thêu “già cỗi, lỗi mốt”.
Tiệm thêu tay Tú Thị đã có thêm hai cơ sở để phục vụ khách được tốt hơn, cũng như luôn tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư, quảng bá làng nghề, phố nghề như Festival tơ lụa và thổ cẩm quốc tế 2019 tại thành phố Hội An (Quảng Nam), triển lãm “Đình làng trong phố”…
Không thể không kể đến dự án trình diễn thời trang đường phố “Luala Time” trong năm 2023, một sáng kiến được thực hiện ngẫu hứng mà cũng rất chuyên nghiệp bởi Tiệm thêu tay Tú Thị cùng các cửa hàng tơ lụa, thổ cẩm, đồ lưu niệm trên dãy phố Hàng Bông, Hàng Gai. Vào mỗi chiều thứ sáu hằng tuần, các bộ trang phục lụa, thêu được phối hợp cùng nón lá, giỏ mây… và thướt tha ra phố, dạo trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm trong sự thích thú của đông đảo người dân và du khách. Mỗi buổi diễn có một chủ đề theo mùa, theo chất liệu song điểm chung là toát lên vẻ đẹp đời thường, đầy sức sống và dễ ứng dụng.
Những nụ cười rạng rỡ, những tiếng trầm trồ và loạt thiết bị ghi hình dõi theo là những khoảnh khắc ấn tượng, khó quên cho những người thực hiện chương trình. Giữa nhộn nhịp phố phường, xe cộ ngược xuôi, các cô gái Việt Nam dịu dàng và tao nhã cùng du khách chuyện trò, giới thiệu với họ về các ngôi đình cổ kính, hay cùng họ tạo dáng và chụp những bức ảnh rồi sẽ lan tỏa trên nhiều mạng xã hội… là một cách quảng bá văn hóa thật tự nhiên và đáng yêu. Đâu chỉ có du khách nước ngoài, rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ cũng quan tâm và mong muốn tìm hiểu thêm về vẻ đẹp của nghệ thuật thủ công truyền thống.
Tiếp tục nuôi khát vọng tạo dựng một “con đường tơ lụa” thời hiện đại, Tiệm thêu tay Tú Thị có định hướng vừa duy trì hoạt động giới thiệu sản phẩm tại phố cổ Hà Nội, vừa tổ chức các tour dã ngoại-trải nghiệm về làng thêu Quất Động. Điều này không nằm quá xa tầm tay bởi làng Quất Động cách trung tâm Thủ đô chỉ khoảng 25 km, nằm ven Quốc lộ 1A, có lợi thế về cảnh quan sinh thái và hoạt động thực hành nghề thêu tay truyền thống trong chính những ngôi nhà cổ.
Trên thực tế, đã có khá nhiều nhóm du khách đặt vấn đề và được người chủ tổ chức đưa về tham quan, tìm hiểu một làng quê đậm đà bản sắc của “đất trăm nghề”. Thời điểm này, Tiệm thêu tay Tú Thị trên phố Hà Nội lẫn xưởng thêu tại Quất Động đều đang hoạt động hết công suất cho mùa Tết.
(PLM) - Vào khoảng 10 giờ 20 phút sáng 22/4, tại căn nhà số 16 Ngõ Trạm, phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã xảy ra cháy.
(PLM) - Theo phản ánh, trạm trộn bê tông Minh Tâm An Khánh (thuộc Công ty TNHH Bê tông Minh Tâm An Khánh) nằm tại KĐT Kim Chung - Di Trạch nhiều lần bị cơ quan chức năng huyện Hoài Đức kiểm tra, xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục sai phạm về môi trường. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn phớt lờ chỉ đạo của cơ quan chức năng, tiếp tục xả nước thải có dấu hiệu chưa qua xử lý ra môi trường. Và nhiều dấu hiệu bất thường khi mỗi ngày, có hàng chục xe chở bê tông gắn logo "Bê tông Chèm" vào hút bê tông mang đi tiêu thụ?
(PLM) - Bước chân trên mây – Chinh phục đỉnh Tà Xùa năm 2025 đã chính thức khép lại. Hai lần liên tiếp Trạm Tấu là nơi diễn ra giải đã mang lại hiệu ứng vượt xa những kỳ vọng của Ban Tổ chức. Và thành công lớn nhất xuất phát chính từ những bài viết, hình ảnh của 100 Nhà báo tham dự giải đã quảng bá nét đẹp về một Trạm Tấu “Ấm áp suối nguồn, bát ngát biển mây”, đưa nơi đây đến gần hơn với đông đảo bạn đọc trên cả nước. Khoảnh khắc chia tay với nhiều cảm xúc và tình cảm gửi lại Trạm Tấu cũng là chuẩn bị cho những hành trình chinh phục đỉnh cao mới của “Bước chân trên mây”, mang theo sứ mệnh của người làm báo để tiếp tục lan toả những thông điệp tích cực về những vùng đất “Bước chân trên mây” sẽ đi qua…
(PLM) - Khoảng 14h30 ngày 18-4, tại toà nhà Parkson, số 1 Thái Hà, bất ngờ xuất hiện một vụ hỏa hoạn. Khói và lửa bám theo góc toà nhà phía trên phố Tây Sơn khiến toàn bộ người dân đang làm việc trong toà nhà đồng loạt theo lối thoát hiểm chạy ra ngoài.
(PLM) - Mặc dù UBND tỉnh Yên Bái đã có Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều điểm tập kết, khai thác cát, sỏi tại các xã Mậu Đông, An Thịnh và thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên vẫn đang có dấu hiệu hoạt động trái phép gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, gây nguy cơ “chảy máu khoáng sản”, thất thoát nguồn thu cho ngân sách.
(PLM) - Chiều tối ngày 13/4, Báo Pháp luật Việt Nam cùng UBND huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt đã tổ chức lễ Tổng kết Giải leo núi “Bước chân trên mây” lần thứ II - Chinh phục đỉnh Tà Xùa năm 2025. Cũng tại buổi lễ tổng kết, ông Trần Ngọc Hà – Phó tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết tiếp nối thành công của mùa 2, báo sẽ tiếp tục tổ chức giải leo núi dành cho phóng viên, nhà báo các cơ quan báo chí trên cả nước ở mùa 3 với sự chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn, an toàn và hấp dẫn hơn. Đây là cam kết của Báo PLVN và những người có trách nhiệm, có tình cảm gắn bó với địa phương.
(PLM) - Chỉ sau 2 giờ 15 phút, Vận động viên Trịnh Hoàng Yên – số báo danh 025 đã xuất xắc vượt qua 12km cung đường Giải leo núi Bước chân trên mây lần 2 – Chinh phục đỉnh Tà Xùa để cán đích đầu tiên, qua đó chiến thắng thuyết phục ở bộ giải giành cho nam. Đây là lần thứ 2 liên tiếp vận động viên đến từ Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái tham dự và có thành tích vượt trội tại Giải leo núi “Bước chân trên mây”. Ở mùa giải đầu tiên được tổ chức, anh Trịnh Hoàng Yên từng phải về nhì , chức vô địch lần này càng trở nên đặc biệt, khẳng định sự bền bỉ và quyết tâm không ngừng nghỉ , qua đó giữ lại cúp vô địch ở lại tỉnh Yên Bái – địa phương 2 năm liền được chọn làm nơi tổ chức giải.
(PLM) - Sáng 12/4, hơn 100 nhà báo, phóng viên thuộc các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước hào hứng "vào cuộc" tranh giải "Bước chân trên mây" chinh phục đỉnh Tà Xùa từ chân núi thuộc chòm Sáng Nhù, thôn Tà Xùa, xã Bản Công. Thời tiết tạo thuận lợi cho các vận động viên.
(PLM) - Kết luận thanh tra đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật lĩnh vực công chứng của Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm của Văn phòng công chứng Nguyễn Liễu.
(PLM) - Vừa qua, Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau có buổi làm việc với Đại diện Ban tổ chức Chương trình caravan Báo Pháp luật Việt Nam về việc phối hợp tổ chức "Sự kiện tuyên truyền phổ biến pháp luật an toàn giao thông học đường - lần 3 tại Cà Mau".
Tới tham dự buổi họp về phía Ban ATGT tỉnh Cà Mau có ông Nguyễn Thanh Bằng - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, ông Nguyễn Văn Đen – Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, ông Tạ Minh Vũ - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Kiều Minh Được - Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, bà Phạm Như Quỳnh - Đại diện Sở Tài chính, cùng phóng viên Báo Cà Mau dự đưa tin. Về phía Ban tổ chức Caravan Báo Pháp Luật Việt Nam, có Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Ban tổ chức thường trực, cùng đại diện nhà tài trợ bà Trần Ánh Hoa – Giám đốc Công ty Tân Phạm Nguyên và đại diện Câu lạc bộ Doanh Nhân và Pháp Luật tại TP. HCM.