Ngày 5/6, Chính phủ đã có báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ tổng hợp kết quả lấy ý kiến, về những điểm nổi bật trong đợt lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này.
Có sự đồng thuận, thống nhất rất cao trong các tầng lớp Nhân dân
PV: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể cho biết qua một tháng lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Chính phủ đã tổng hợp được bao nhiêu lượt ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết?
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh: Qua tổng hợp từ các báo cáo của các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương, tính đến ngày 05/6/2025, tổng số lượt ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các nội dung của dự thảo Nghị quyết là hơn 280 triệu lượt ý kiến; đặc biệt, việc lấy ý kiến Nhân dân qua ứng dụng VNeID đã thu hút hơn 20 triệu công dân tham gia đóng góp ý kiến. Trong đó, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận nhận được sự quan tâm góp ý của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất.
Tính trung bình, tỷ lệ tán thành đối với các nội dung của dự thảo Nghị quyết đạt 99,75%. Điều này đã khẳng định chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện đúng “ý Đảng lòng dân”, phản ánh sự đồng thuận, thống nhất rất cao của các tầng lớp Nhân dân, các ngành, các cấp.
PV: Trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân, được biết nhiều ý kiến quan tâm tới các quy định về tổ chức đơn vị hành chính và chính quyền địa phương, kết quả tổng hợp ý kiến như thế nào và Chính phủ nhất trí theo phương án nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh: Chính phủ nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 110 Hiến pháp tại dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 60-NQ/TW. Việc quy định khái quát, không liệt kê cụ thể tên đơn vị hành chính tạo sự linh hoạt trong trường hợp cần thiết điều chỉnh mô hình đơn vị hành chính cho phù hợp với thực tiễn, yêu cầu mới mà không cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp. Theo đó, Quốc hội có thể quyết định điều chỉnh việc tổ chức các đơn vị hành chính thông qua luật hoặc nghị quyết một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể từng thời kỳ.
Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định tại khoản 2 Điều 110 Hiến pháp 2013 về “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định” để bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, là cơ sở để người dân thảo luận công khai, dân chủ những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến Nhân dân.
Bên cạnh đó, đề nghị tiếp thu, giữ quy định về quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND, làm cơ sở cho việc cụ thể hóa tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan.
Đồng thời, bổ sung quy định đặc thù về tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng: “Tại đặc khu do các điều kiện mà không tổ chức được việc bầu cử đại biểu HĐND thì UBND cấp tỉnh quy định cụ thể việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND đặc khu; Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND đặc khu”.
Về một số nội dung khác, Chính phủ cũng thống nhất sửa đổi, bổ sung các Điều 111, 112 và Điều 114 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh gây nhầm lẫn, tạo ra các cách hiểu khác nhau về tổ chức chính quyền ở địa phương; rà soát, chỉnh lý một số quy định để phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn. Cơ bản giữ nguyên các quy định về nguyên tắc tổ chức và chế độ làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã như hiện nay.
![]() |
Ngày 14/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 |
PV: Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Chính phủ có ý kiến thế nào về điều khoản chuyển tiếp tại Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp để các cơ quan, tổ chức không bị động trong quá trình thi hành không?
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh: Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp (Điều 2 dự thảo Nghị quyết), Chính phủ nhất trí xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là từ ngày 01/7/2025 nhằm tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Chính phủ nhất trí quy định tuyên bố việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện đang có hiện nay trên phạm vi cả nước. Đồng thời, nhất trí nội dung điều khoản chuyển tiếp (khoản 3 Điều 2) quy định việc chỉ định các chức danh của HĐND, UBND và Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021 - 2026 khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện, bảo đảm kịp thời thể chế hóa Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Ngoài ra, đề nghị cần có cách thức tuyên bố chính thức việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện đang có hiện nay trên phạm vi cả nước để ghi nhận đóng góp của đơn vị hành chính cấp huyện trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không sửa đổi toàn diện, vẫn cần kỹ thuật lập hiến hiện đại
PV: Vấn đề kỹ thuật lập hiến cũng được nhiều ý kiến quan tâm trong quá trình góp ý, quan điểm của Chính phủ tại Báo cáo như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh: Về kỹ thuật lập hiến, Chính phủ cho rằng, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm dự thảo Nghị quyết vừa thể chế hóa đúng các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật (Hiến pháp và các đạo luật cần tập trung quy định những nội dung cơ bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội), bảo đảm tính ổn định và lâu dài của Hiến pháp. Mặc dù phạm vi sửa đổi Hiến pháp lần này không phải là sửa đổi toàn diện, nhưng vẫn cần bảo đảm tư duy tiếp cận và kỹ thuật lập hiến hiện đại, khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Qua quá trình tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp, chúng tôi nhận thấy rằng, bên cạnh 08 Điều dự kiến sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị quyết, các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương còn đề xuất Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác. Tuy nhiên, trong điều kiện thời gian ngắn, Chính phủ thống nhất chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ nhằm thực hiện chủ trương của Đảng. Các nội dung khác cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp.
PV: Bộ trưởng có nhận định chung gì về kết quả lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này?
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh: Việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, khoa học, đúng tiến độ, bám sát Kế hoạch 05/KH-UBDTSĐBSHP của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, chỉ đạo của Chính phủ. Quá trình tổ chức lấy ý kiến tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức.
Các hình thức lấy ý kiến được sử dụng rất phong phú, đa dạng. Qua thống kê, tổng số hội nghị triển khai, quán triệt và các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết đã được tổ chức là hơn 288.000 cuộc. Đặc biệt, tính hết ngày 29/5/2025, theo thống kê của Bộ Công an, đã có hơn 20 triệu người dân tham gia góp ý trên ứng dụng VNeID. Việc lấy ý kiến Nhân dân trên ứng dụng VNeID đã tạo thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp ý kiến một cách trực tiếp, nhanh chóng, hiệu quả, vừa bảo đảm công khai, minh bạch, vừa bảo đảm thuận tiện cho người dân có thể góp ý, tham gia xây dựng chính sách bất cứ thời gian, địa điểm nào, đồng thời khẳng định rõ hơn chủ trương chuyển đổi số, ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia trong nhiều công việc quan trọng của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Thu Hằng - Hồng Thuý (thực hiện)
(PLM) - Sáng nay (22/7), khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh) đã xuất hiện những khoảng trời hửng nắng, mang đến sự tạm ổn về thời tiết. Tuy nhiên, bão số 3 vẫn tiếp tục gây mưa lớn tại nhiều nơi, trong đó có Thanh Hóa, khiến tình hình thời tiết tại đây diễn biến phức tạp và cần sự cảnh giác cao độ từ người dân và các lực lượng chức năng.
Quân và dân trên Đặc khu Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã kiên cường vượt bão thành công, không gây ra thiệt hại đáng kể nào. Sự chủ động phòng chống và tinh thần đoàn kết đã giúp các đảo giữ vững cuộc sống bình yên.
(PLM) - Chiều 20/7, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp báo thông tin về vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 mang số hiệu QN-7105 trên Vịnh Hạ Long xảy ra chiều 19/7, khiến hàng chục người thương vong. Cuộc họp báo do ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, với sự tham dự của đại diện nhiều sở, ngành và lực lượng chức năng.
(PLM) - Vào khoảng 14 giờ, ngày 19/7, tại khu vực gần hang Đầu Gỗ trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra một vụ lật tàu du lịch nghiêm trọng do ảnh hưởng của giông lốc mạnh kèm sấm sét. Chiếc tàu gặp nạn mang số hiệu QN-7105, thuộc Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ Vịnh Xanh, do ông Đoàn Văn Trình làm chủ.
(PLM) - Sáng ngày 18/7, tại trụ sở Bộ Tư Pháp, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm. Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên BTV Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Thanh Ngọc và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ.
(PLM) - Họ từng là những “thiên thần áo trắng” đêm ngày cống hiến thầm lặng vì người bệnh. Họ từng tin vào sự tử tế, tin vào lý tưởng y đức, tin vào con đường công lập để được cống hiến đến tận cùng. Nhưng rồi, họ âm thầm ra đi – rời đi trong ấm ức và tủi hờn với những quyết định thôi việc lạnh lùng, lý do ngắn gọn: “Khó khăn tài chính”.
(PLM) - Sau khi tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được triển khai thi công đi qua địa bàn, nhiều khu đất trống tại xã Dương Hòa, TP Hà Nội đã bị biến thành nơi đổ trộm rác thải sinh hoạt và phế liệu xây dựng. Bãi rác tự phát ngày một mở rộng, nằm ngay sát khu dân cư, gần trường học, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
(PLM) - Chiều ngày 17.7 tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam và Cục Quản lý Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi “Chuyện nghề Thi hành án”. Tham dự lễ trao giải có sự góp mặt của đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Đồng chí Nguyễn Quang Thái, Phó Bí thư chuyên trách Đảng uỷ Bộ Tư pháp, Đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi – Cục Trưởng Cục Quản lý Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, TS Vũ Hoài Nam – Tổng Biên tập báo Pháp luật Việt Nam.
(PLM) - Thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự (nay là Cục Quản lý thi hành án dân sự) và Báo Pháp luật Việt Nam, nhằm hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI và Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (THADS). Ngày 26/10/2024, Báo Pháp luật Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự đã phát động Cuộc thi Chuyện nghề Thi hành án dân sự trên Báo Pháp luật Việt Nam.
(PLM) - Chiều 16/7, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, tổng kết công tác năm học 2024 – 2025, triển khai công tác năm học 2025 – 2026 và 6 tháng cuối năm 2025. Chủ trì Hội nghị có TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cùng các đồng chí Phó Hiệu trưởng nhà trường, lãnh đạo các phòng, khoa, đơn vị thuộc trường và toàn thể viên chức, người lao động nhà trường.