Lan tỏa các giá trị lớn của Hiến pháp
Trao đổi tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường Đại học Chu Văn An nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 có giá trị lớn với cả dân tộc Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức bộ máy Nhà nước, cho việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cho việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho việc bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay Hiến pháp đã được ban hành 10 năm nên Trường tổ chức Hội thảo để nhìn lại những giá trị lớn của Hiến pháp đã lan tỏa như thế nào trong đời sống của chúng ta.
Theo đó, những giá trị lớn của Hiến pháp là chúng ta đã đề cao Hiến pháp, bảo đảm sự tôn nghiêm của Hiến pháp và xem Hiến pháp là của Nhân dân, có dấu ấn bảo đảm quyền lập hiến của Nhân dân. Đồng thời, chúng ta đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật, Hiến pháp là một hệ các quy định hiến định, nguyên tắc hiến định để tạo dựng hệ thống pháp luật, quản lý xã hội theo tinh thần sống và làm việc theo pháp luật.
Ngoài ra, chúng ta bảo đảm Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bảo đảm Tòa án độc lập xét xử theo thẩm quyền vì nhiều chuyên gia đã quan niệm “độc lập xét xử của Tòa án là vương miện của Nhà nước pháp quyền”.
Những giá trị quan trọng khác là xác định mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đặc biệt, lần đầu tiên Hiến pháp quy định ở ngay Chương II, nêu rõ Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Không những ghi nhận các quyền mà toàn bộ Hiến pháp là cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
Nhìn chúng, những giá trị trên rất tuyệt vời, đã lan tỏa và đưa đất nước ta phát triển như ngày nay, cần tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế hữu hiệu để bảo đảm thực hiện Hiến pháp trong thời gian tới
Trình bày tham luận “Những giá trị cơ bản của Hiến pháp năm 2013”, GS.TS Võ Khánh Vinh - Cố vấn Ban Giám hiệu Trường Đại học Chu Văn An cho biết, pháp quyền là giá trị quốc gia mới, được tiếp nhận từ giá trị pháp quyền của nhân loại, được vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây là giá trị mang tính mục tiêu, mang tính phương thức của xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được ghi nhận và thể hiện trong toàn bộ tinh thần, nội dung của Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Cũng theo GS Võ Khánh Vinh, quyền con người, quyền công dân là giá trị quốc gia mới, được hình thành, phát triển và phát huy trong quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây là giá trị mang tính bản chất, mục tiêu, nội dung của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được ghi nhận và thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, đặc biệt trong Chương II. Đáng chú ý, theo GS Vinh, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (là mô hình Nhà nước tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, một trong ba trụ cột phát triển đất nước. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân) với tư cách một giá trị là giá trị quốc gia mới, được hình thành, phát triển và phát huy trong quá trình đổi mới đất nước, được ghi nhận và thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013…
Kiến nghị loạt giải pháp đảm bảo cho Tòa án độc lập
Bàn về việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật qua 10 năm triển khai Hiến pháp năm 2013, TS Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã nêu bật những bước phát triển mới của hệ thống pháp luật Việt Nam trong một số lĩnh vực cơ bản trên cơ sở Hiến pháp năm 2013. Về định hướng thời gian tới, TS Cương cho biết, hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phấn đấu, đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong bối cảnh đó, ngày 9/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó đề ra định hướng xây dựng hệ thống pháp luật.
Sau đó, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 77/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Nghị quyết số 77/NQ-CP đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng để phát huy vai trò của Chính phủ và các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong triển khai định hướng xây dựng hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: PV)
Trong đó, phải kể tới các giải pháp như rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giám sát việc thực hiện Nghị quyết; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…
PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC thì chia sẻ về “Độc lập của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - một đặc trưng của Nhà nước pháp quyền nói chung, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng. Theo ông, Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định nhằm đảm bảo cho TAND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đó là việc sửa đổi một số quy định về thủ tục bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán TANDTC, thẩm phán các Tòa án khác; nhấn mạnh nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán và hội thẩm, nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân can thiệp vào hoạt động xét xử; quy định mở về hệ thống Tòa án mở đường cho việc tổ chức Tòa án theo cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính...
Tuy nhiên, để đảm bảo cho Tòa án độc lập, ông Trần Văn Độ kiến nghị thiết lập cơ quan công tố thuộc hệ thống cơ quan hành pháp; giao cho Tòa án thẩm quyền giải thích luật; giao cho TAND thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật, trong đó có xử phạt vi phạm hành chính; thành lập Tòa án từng khu vực theo cấp xét xử; quy định chế tài và thiết lập cơ chế xử lý các hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm…
Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/ 2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Hiến pháp 2013 là kết quả của sự kế thừa các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992; là sự thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp 2013 - nền tảng pháp lý cao nhất đảm bảo quyền con người - ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ; khẳng định những giá trị cốt lõi, cơ bản trong đời sống xã hội Việt Nam. Đây là bản Hiến pháp đã đánh dấu một thời kỳ đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
(PLM) -Chiều 15/1, Ban Doanh nhân và Pháp luật (Báo Pháp luật Việt Nam) với sự đồng hành của các doanh nghiệp đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Tết ấm – Xuân thương” tại Bệnh viện K – Cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
(PLM) - Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Xiển có xu hướng bùng phát trở lại. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị.
(PLM) - Khoảng 10 giờ ngày 15/1, một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn qua thôn Trường Thịnh, xã Trường Lâm, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa gây ùn tắc nghiêm trọng.
(PLM) - Sáng 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu là đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
(PLM) - Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
(PLM) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa Công viên hồ Phùng Khoang vào phục vụ Nhân dân trước ngày 20/1.
(PLM) - Nằm trong chuỗi hoạt động “Tết quân dân” năm 2024 huyện Mỏ Cày Bắc, ngày 9/1, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp UBND huyện Mỏ Cày Bắc khánh thành cầu Pháp Luật Việt Nam (Cầu Rạch Dầu) tại ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).
(PLM) - Sáng 9/1, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh dự và chủ trì Toạ đàm, đồng chủ trì và điều hành có Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp. Tham dự Toạ đàm có các chuyên gia về kinh tế, chuyên gia pháp luật cùng đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam. Toạ đàm là diễn đàn để lắng nghe, là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới .
(PLM) - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
(PLM) - Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.