Theo chia sẻ của nông dân và ngành chuyên môn, nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất lúa và tôm đều đạt khá cao, đặc biệt là giá lúa tăng mạnh trong thời điểm thu hoạch nên nông dân thắng lợi kép từ mô hình sản xuất lúa - tôm.
Nông dân được mùa, trúng giá
Gia đình ông Võ Văn Ngo, ấp Ngã Bát, xã Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang) vừa thu hoạch xong 3,5 ha lúa cách đây hai ngày. Trước đó , gia đình ông cũng đã thu hoạch xong vụ tôm càng xanh. Tổng thu nhập từ con tôm và cây lúa mang về cho gia đình khoảng 330 triệu đồng. Ông Ngo cho biết, năm 2023 gia đình áp dụng mô hình xen canh nuôi tôm thẻ, tôm sú, cua, tôm càng xanh và trồng lúa. Riêng trong vụ lúa-tôm vừa qua, ông thả khoảng 50.000 con tôm càng xanh giống toàn đực và gieo trồng giống lúa ST 25 áp dụng kỹ thuật trồng lúa hữu cơ theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, gia đình thu hoạch được hơn 1,4 tấn tôm càng xanh và gần 20 tấn lúa.
“Thời tiết thuận lợi, cả tôm và lúa đều ít bị sâu, bệnh gây hại nên năng suất đạt khá cao. Với gái bán tôm càng xanh oxy 95.000 đồng/kg, lúa 10.000/kg, tổng thu nhập hơn 330 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Vụ này nhờ lúa có giá cao gấp rưỡi các vụ trước nên thu nhập mới được tăng cao như vậy”, ông Ngo cho chia sẻ thêm.
Ông Phạm Văn Long, ở xã Đông Hưng B, huyện An Minh cho hay, gia đình vừa thu hoạch xong 1,2ha lúa ST24, với sản lượng hơn 900kg, thương lái mua lúa tươi tại ruộng 10.000 đồng/kg. Còn tôm càng xanh gia đình đã thu hoạch từ cuối tháng 12, sản lượng hơn 600kg, giá bán được 90.000 đồng/kg. Vụ tôm-lúa này gia đình đạt lợi nhuận hơn 60 triệu đồng.
Theo ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, vụ sản xuất lúa - tôm năm 2023 toàn huyện xuống giống hơn 27.000ha. Nông dân chủ yếu gieo sạ các giống lúa đặc sản và chất lượng cao như ST 24, ST 25, RVT, đài thơm… chiếm trên 70% tổng diện tích.
Nông dân huyện U Minh Thượng, Kiên Giang thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Văn Sỹ/TTXVN
Huyện cũng đã thực hiện chuỗi giá trị tôm - lúa; trong đó, nhiều doanh nghiệp ký kết với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đầu tư sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ gần 1.000 ha và liên kết tiêu thụ lúa sản xuất trên nền đất nuôi tôm được hơn 2.000 ha. Các hợp tác xã trên địa bàn cũng đã liên kết ký hợp đồng tiêu thụ lúa với các công ty như Công ty Hồ Quang Trí, Công ty Đại Dương Xanh, Tập Đoàn Tân Long gồm các giống lúa ST 25, ST24 với mức giá thu mua cao hơn thị trường từ 100 đến 200 đồng/kg, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân.
“Vụ lúa- tôm năm nay sản xuất khá thuận lợi nên năng suất đạt khá cao. Cụ thể, tôm càng xanh đạt khoảng 600kg/ha, lúa ước đạt 6,7 tấn/ha. Đặc biệt trong vụ mùa giá lúa tăng cao nhất từ trước tới nay, từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg lúa tươi (tùy theo giống lúa). Do lúa hút hàng, doanh nghiệp và thương lái đến tận ruộng thu mua lúa tươi ngay sau thu hoạch nên việc thu hoạch lúa của nông dân rất thuận lợi”, ông Khanh cho biết thêm.
Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ đầu năm đến nay diện tích sản xuất tôm - lúa trên địa bàn tỉnh đạt hơn 106.000 ha. Mô hình sản xuất tôm - lúa có thế mạnh ở các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Hòn Đất, đóng góp sản lượng lớn tôm và lúa của Kiên Giang. Những năm gần đây, diện tích trồng lúa kém hiệu quả hoặc không đảm bảo nguồn nước tưới, tỉnh chuyển sang mô hình tôm - lúa. Mô hình này đã mang lại hiệu quả cho người sản xuất, từ thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha, tăng lên 100 - 130 triệu đồng/ha. Sản lượng tôm nuôi thu hoạch theo mô hình sản xuất này chiếm hơn 50% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh. Sản lượng lúa thu về hàng trăm ngàn tấn mỗi năm phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Kiên Giang tập trung tổ chức lại mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm và lúa. Trong số đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ có vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất, tập trung kiện toàn, củng cố, thành lập mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị tại những vùng sản xuất tôm - lúa trọng điểm...
Mô hình tôm-lúa xã Đông Hưng B, H. An Minh, Kiên Giang. Ảnh: Văn Sỹ/TTXVN
Tỉnh tiếp tục rà soát hiện trạng diện tích đất trồng lúa ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và những vùng khác bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để có thể chuyển đổi sản xuất tôm - lúa kết hợp hoặc nuôi tôm nước lợ. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất tôm - lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi sinh thái… theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, sử dụng mã vạch, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng, vùng nuôi tôm...
Tỉnh cũng tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông phục vụ nuôi trồng thủy sản trọng điểm vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng. Theo đó, chú trọng gia cố hệ thống đê, nạo vét kênh mương, tăng khả năng chủ động lấy nước, tiêu thoát để nuôi trồng thủy sản; hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống cống vùng nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phát triển sản xuất tôm - lúa theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, ổn định diện tích sản xuất tôm - lúa hơn 117.000 ha.
Theo ông Hiển, tính đến cuối năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng thành công mô hình sản xuất tôm-lúa đạt chuẩn hằng năm trên 2.000 ha cho cả 2 đối tượng tôm và lúa bao gồm các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, Chứng nhận ASC và BAP.
Ông Hiển cũng cho hay, mô hình tôm-lúa được xem là mô hình điển hình của nông nghiệp tuần hoàn, rơm rạ vụ lúa sẽ được xử lý, tái tạo thành vật chất hữu cơ, tạo thức ăn tự nhiên cho tôm và kết thúc vụ tôm, bã bùn từ ao nuôi tôm sẽ là nguồn dinh dưỡng cung cấp trở lại cho cây lúa.
“Mô hình sản xuất tôm -lúa góp phần tái tạo đất và giảm thiểu tác động đến môi trường, thực hiện tốt kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải, giảm bớt nhu cầu về tài nguyên và tác động đến sinh thái của ngành nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Hiển chia sẻ thêm.
(PLM) - Thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi rõ rệt, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Với sự tiện lợi và đa dạng, các sàn thương mại điện tử ngày càng trở thành lựa chọn hàng đầu, bất chấp một số lo ngại về giao hàng.
(PLM) - Tối 20-1, tại Nhà hát Hồ Gươm, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-2025), Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX-năm 2024.
(PLM) - Sáng 20/1, UBND huyện Mỹ Đức (TP.Hà Nội) đã tổ chức họp báo về công tác tổ chức và quản lý Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2025 và công bố quyết định công nhận khu du lịch cấp Thành phố. Để chuẩn bị tốt công tác tổ chức, phát huy giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và nhân dân về tham quan lễ Phật, Lễ hội Chùa Hương năm 2025 sẽ có nhiều điểm mới.
(PLM) -Chiều 15/1, Ban Doanh nhân và Pháp luật (Báo Pháp luật Việt Nam) với sự đồng hành của các doanh nghiệp đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Tết ấm – Xuân thương” tại Bệnh viện K – Cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
(PLM) - Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Xiển có xu hướng bùng phát trở lại. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị.
(PLM) - Khoảng 10 giờ ngày 15/1, một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn qua thôn Trường Thịnh, xã Trường Lâm, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa gây ùn tắc nghiêm trọng.
(PLM) - Sáng 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu là đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
(PLM) - Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
(PLM) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa Công viên hồ Phùng Khoang vào phục vụ Nhân dân trước ngày 20/1.
(PLM) - Nằm trong chuỗi hoạt động “Tết quân dân” năm 2024 huyện Mỏ Cày Bắc, ngày 9/1, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp UBND huyện Mỏ Cày Bắc khánh thành cầu Pháp Luật Việt Nam (Cầu Rạch Dầu) tại ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).