Chuyện cũ, nhưng hậu quả không “cũ”
Theo thống kê của cơ quan Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn vừa qua đã phát hiện, xử lý 29.099 trường hợp, tăng 21.373 trường hợp so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Từ góc độ cơ sở y tế, sáng mùng 4 Tết (ngày 13/2/2024), nam thanh niên 30 tuổi ở Nam Định được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội trong tình trạng rất nặng, hôn mê, đa chấn thương sọ não, ngực, gãy 2 tay… sau tai nạn tự ngã. Người thân bệnh nhân cho biết, tối mùng 3 Tết, bệnh nhân tham gia họp lớp có uống rượu, tự đi xe máy về nhà và bị ngã. Sau khi được cấp cứu ban đầu ở tuyến dưới, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Bác sĩ Bùi Thanh Phúc - Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ cồn trong máu bệnh nhân này rất cao. Có thể trước đó bệnh nhân đã uống rất nhiều rượu, bia dẫn đến mất khả năng tự chủ nên bị ngã.
Có thể nói, vấn đề sử dụng rượu, bia rồi gây tai nạn giao thông, nhất là dịp lễ, Tết, vẫn luôn là câu chuyện cũ nhưng hậu quả lại không hề “cũ”, khiến nhiều gia đình gánh chịu nỗi đau vì người chết do tai nạn, người mang thương tật suốt đời.
Kết quả nghiên cứu nhiều năm gần đây cho thấy, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong số những ca cấp cứu do tai nạn, thương tích ngày Tết, số người bị tai nạn giao thông luôn chiếm tới 60 đến 70% và một tỷ lệ lớn trong số trường hợp này có nguyên nhân từ việc uống rượu, bia. Những người sử dụng rượu, bia bị tai nạn có mức độ thương tật thường khá nặng, rất khó khăn khi cấp cứu, do thuốc điều trị bị mất tác dụng.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ít nhất 40% số nạn nhân tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện có vi phạm nồng độ cồn gây ra. Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên hiệu quả chưa cao do thói quen, tập quán uống rượu, bia của người dân khá phổ biến. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,7 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu.
Từ góc độ cơ quan pháp y, nhìn từ các vụ giám định, vấn đề gây tai nạn giao thông khi có nồng độ cồn trong máu cao cũng rất nghiêm trọng. Theo ThS. Phạm Huy Hoàng - Phó Trưởng khoa Xét nghiệm tổng hợp, Trung tâm Pháp y Hà Nội, thời gian qua, Trung tâm đã giám định nhiều trường hợp tai nạn giao thông tự gây, tự ngã như đâm vào dải phân cách, cột điện, cây xanh ven đường… và phần lớn đều có nồng độ cồn trong máu cao.
Một số trường hợp như sau: Khoảng 22 giờ ngày 2/3/2023, lực lượng Công an nhận được tin báo của quần chúng nhân dân phát hiện 1 nạn nhân nam giới tử vong trong tư thế nằm sấp, bị chiếc xe mô tô đè lên người dưới cống thoát nước. Kết quả mẫu máu giám định có Ethanol, nồng độ 274mg/100mL máu.
Khoảng 13 giờ 40 phút ngày 9/5/2023, Công an xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội nhận được tin báo của quần chúng nhân dân tại đường liên thôn trước cổng UBND xã xảy ra vụ tai nạn giao thông, ông C.N.T điều khiển xe mô tô tự ngã ra đường. Kết quả mẫu máu giám định có Ethanol, nồng độ 217mg/100mL máu.
Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 15/5/2023, anh P.T.D một mình điều khiển xe mô tô đi trên đường nội bộ khu đất dịch vụ Hà Trì hướng chợ 365 đi ngã 5 Hà Trì. Khi đi đến đoạn trước số nhà No17, LK02, Hà Trì thuộc phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội thì xe mô tô của anh tự đổ ra đường. Anh D đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Kết quả mẫu máu giám định có Ethanol, nồng độ 208mg/100mL máu.
Khoảng 08 giờ 30 phút ngày 25/5/2023, ông N.V.S điều khiển xe mô tô đi trên cầu Đuống theo chiều Ngô Gia Tự hướng Hà Huy Tập, khi đến khu vực giữa cầu thuộc phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội thì tự va vào thành cầu xảy ra tai nạn. Ông S. bị thương và đi cấp cứu, đến 12 giờ 30 phút cùng ngày 25/5/2023 thì tử vong. Kết quả mẫu máu giám định có Ethanol, nồng độ 112mg/100mL máu...
Đừng nhân danh “văn hóa uống”
Ngăn chặn việc uống rượu, bia, nhất là trong dịp lễ, Tết là điều rất khó, nhưng để bảo đảm an toàn tính mạng cho chính mình và người khác, mỗi người cần nâng cao ý thức tự kiềm chế bản thân. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, TS.BS Trần Bá Thoại - Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam từng cho biết, việc dùng rượu, bia trong trong dịp lễ, Tết và những ngày xuân đã thành phong tục của người dân. Rượu đã thành rượu lễ, rượu nghĩa, tức là uống rượu phải có nghi thức, có phép tắc và uống rượu chỉ trong chừng mực. Bởi vậy, mỗi người chúng ta hãy biết “vui có chừng, dừng đúng lúc”, đừng vì cạn ly mà để cạn mất sức khỏe của bản thân. “Uống bia, rượu phải có một “văn hóa ẩm thực” đặc thù: uống đúng thì là “tiên tửu”, là món “thăng hoa cuộc sống”; uống sai là “phàm tửu”, lạm dụng thì rượu, bia sẽ là con “quỷ dữ” phá hoại bản thân, gia đình và xã hội”, TS.BS Trần Bá Thoại nhấn mạnh.
Gần đây, động thái quyết liệt trong chỉ đạo và thực tế xử lý vi phạm nồng độ cồn ở người tham gia giao thông cũng được xem như “liều thuốc” trị “căn bệnh” ép uống rượu, bia của người Việt. Từ “liều thuốc” này, một nhận thức mới đã và đang được hình thành, đó là: “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “đã uống rượu, bia là bắt taxi về nhà”... Nhận thức này sẽ đưa khái niệm “văn hóa uống rượu” trở về đúng ý nghĩa của nó, uống một cách có văn hóa, vừa đủ để vui vẻ trong các cuộc gặp gỡ và đặc biệt đã uống thì không lái xe.
Nhưng cũng có một bộ phận người dân từ chối uống rượu, bia chỉ vì “sợ bị cảnh sát giao thông xử phạt”, sợ phải đóng tiền phạt, chưa hẳn vì lo cho sự an toàn của bản thân. Chính vì thế, theo ThS. Phạm Huy Hoàng - Phó Trưởng khoa Xét nghiệm tổng hợp, Trung tâm Pháp y Hà Nội, mỗi người cần phải biết về sự ảnh hưởng của rượu, cồn (Ethanol) lên cơ thể chính mình. “Ethanol ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể người, làm giãn mạch máu, gây ức chế hệ thống thần kinh trung ương, viêm dạ dày, lợi tiểu, xơ gan, suy gan. Với hệ tim mạch, một liều lượng vừa phải Ethanol cũng có thể gây co mạch tụy trong tim và não. Ảnh hưởng nổi bật của Ethanol là ở não, làm ức chế hệ thống thần kinh trung ương. Sự ức chế này nên được xem như là một sự ức chế liên tục chứ không phải là một loạt ức chế rời rạc. Nồng độ Ethanol có thể tăng đến mức gây ức chế trung tâm hô hấp gây hôn mê và tử vong. Ethanol đậm đặc, nồng độ trên 40%, có thể gây kích thích màng nhầy, dẫn đến xung huyết hoặc viêm dạ dày. Nhiều người nghiện rượu mãn tính có các vấn đề dạ dày mãn tính do tác dụng kích thích của Ethanol lên dạ dày. Với gan, thận, việc tổn thương sẽ phát triển như là kết quả của việc tiêu thụ Ethanol lâu dài, thường xuyên, cuối cùng trở nên không thể đảo ngược, phát triển thành xơ gan, suy gan và tử vong...”, theo ThS. Phạm Huy Hoàng.
Có thể nhiều người sẽ nghĩ đây là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng nếu nói mãi chưa chuyển biến thì nói nữa vẫn không thừa. Bởi số người tử vong, người bị thương do tai nạn giao thông dịp lễ, Tết trong vài năm trở lại đây vẫn có xu hướng tăng. Thiết nghĩ, đã đến lúc, mỗi người phải tự ý thức tiết chế sử dụng rượu, bia, tránh gây những hệ lụy, day dứt có khi đeo đẳng suốt cả cuộc đời. Phải nhận thức được rằng, nếu đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe, để tránh hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội.
Theo ThS. Phạm Huy Hoàng, tại Mỹ, các nghiên cứu dịch tễ học đã ghi nhận rõ ràng vai trò của Ethanol trong các vụ tai nạn giao thông. Do đó, việc đo nồng độ Ethanol trở thành một phần quan trọng trong các vụ kiện hình sự hoặc dân sự do những tai nạn giao thông.
Để giải quyết vấn đề này, cơ quan lập pháp của các bang đã đặt ra các giới hạn về lượng Ethanol có thể có trong máu hoặc hơi thở của một cá nhân khi người đó đang điều khiển phương tiện cơ giới. Hầu hết các tiểu bang đã sử dụng phạm vi 50 - 100mg/100mL máu hoặc mg/210L hơi thở là vi phạm lái xe. Bất kỳ người lái xe nào có nồng độ Ethanol trong máu là 80mg/100mL đều bị suy giảm khả năng lái xe. Luật “per se” (luật về nguyên tắc vi phạm mặc nhiên - PV) đã được thông qua khiến việc phát hiện nồng độ Ethanol nhất định trong máu hoặc hơi thở khi lái xe là vi phạm pháp luật.
Theo pháp luật của nhiều bang tại Mỹ, việc thu hồi giấy phép lái xe do từ chối thực hiện đo nồng độ cồn hoặc có nồng độ cồn trong máu thường là 80mg/100mL máu trở lên; thu hồi giấy phép lái xe do từ chối thực hiện đo nồng độ cồn hoặc có nồng độ cồn trong máu 20mg/100mL trở lên đối với người dưới 21 tuổi. Nếu nồng độ cồn đo được là 80mg/dL hoặc mg/210L trở lên thì người đó được coi là đã say rượu và sẽ phải gánh chịu nhiều trách nhiệm pháp lý rất nặng nề.
(PLM) -Chiều 15/1, Ban Doanh nhân và Pháp luật (Báo Pháp luật Việt Nam) với sự đồng hành của các doanh nghiệp đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Tết ấm – Xuân thương” tại Bệnh viện K – Cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
(PLM) - Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Xiển có xu hướng bùng phát trở lại. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị.
(PLM) - Khoảng 10 giờ ngày 15/1, một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn qua thôn Trường Thịnh, xã Trường Lâm, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa gây ùn tắc nghiêm trọng.
(PLM) - Sáng 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu là đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
(PLM) - Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
(PLM) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa Công viên hồ Phùng Khoang vào phục vụ Nhân dân trước ngày 20/1.
(PLM) - Nằm trong chuỗi hoạt động “Tết quân dân” năm 2024 huyện Mỏ Cày Bắc, ngày 9/1, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp UBND huyện Mỏ Cày Bắc khánh thành cầu Pháp Luật Việt Nam (Cầu Rạch Dầu) tại ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).
(PLM) - Sáng 9/1, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh dự và chủ trì Toạ đàm, đồng chủ trì và điều hành có Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp. Tham dự Toạ đàm có các chuyên gia về kinh tế, chuyên gia pháp luật cùng đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam. Toạ đàm là diễn đàn để lắng nghe, là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới .
(PLM) - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.