1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. Lễ hội xuân bớt lộn xộn hơn

Lễ hội xuân bớt lộn xộn hơn

thứ hai, 26/2/2024 09:49 GMT+07
Việc tổ chức các lễ hội đầu xuân Giáp Thìn 2024 có nhiều chuyển biến theo hướng ngày càng quy củ, nền nếp hơn, bớt phiền hà, lộn xộn so với những năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn còn một số hạn chế cần được chấn chỉnh.
Lễ hội Cổ Loa dịp xuân Giáp Thìn. (Ảnh CHÍ DŨNG)
Lễ hội Cổ Loa dịp xuân Giáp Thìn. (Ảnh CHÍ DŨNG)

Những ngày này, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang trong cao điểm của mùa lễ hội. Không chỉ những ngày chính hội, mà trong suốt tháng Giêng, hầu như ngày nào các di tích lịch sử, văn hóa cũng đông khách.

Quy củ và nền nếp hơn

Từ ngày mồng 1 đến mồng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (thành phố Việt Trì, Phú Thọ) đón khoảng 500 nghìn du khách về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Bà Bùi Lan Anh ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết, nhiều năm qua, gia đình bà đều về đây. Năm nay, mặc dù lượng người về Đền Hùng khá đông, nhưng an ninh trật tự khá tốt, không xảy ra chen lấn xô đẩy. Hàng quán không chèo kéo khách, ép giá. Đặc biệt, việc giữ gìn vệ sinh chung được thực hiện tốt, không khí khu di tích rất trong lành, thoải mái.

Kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại đền Và (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Chí Dũng.

Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang cho biết, đơn vị đã triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông, phòng chống cháy, nổ; bổ sung các biển chỉ dẫn, hướng dẫn trong khu vực di tích; bố trí vị trí bán hàng cho nhân dân quanh khu vực di tích, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát người bán hàng đúng nơi quy định, đúng giá đã niêm yết.

Hai tuần đầu xuân Giáp Thìn, khu di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã đón khoảng 300 nghìn lượt khách. Năm nay, lễ hội chùa Hương có nhiều đổi mới khiến việc mua vé tiện lợi hơn và không bị ùn tắc thuyền đò. Lễ hội Đống Đa, lễ hội đền Sóc, lễ hội Hai Bà Trưng, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh... đều diễn ra an toàn, văn minh, tạo sự yên tâm cho người dân đi lễ. Tại khu vực nội thành, những di tích đông người đi lễ nhất là phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Hà...

Lễ hội Cổ Loa diễn ra trong không khí trang nghiêm trong dịp xuân Giáp Thìn. Ảnh: Chí Dũng.

Tại phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ), trong ngày rằm tháng Giêng, lượng khách đến lễ tăng đột biến, nhưng tình trạng chen chúc trước khu vực thờ tự, hay “rải tiền lẻ”, tình trạng đốt vàng mã giảm đáng kể. Nhiều người bất ngờ khi các hàng quán ở tuyến phố Tô Ngọc Vân chung quanh phủ là tuyến phố không thanh toán tiền mặt, cho nên tình trạng chặt chém giá hàng hóa, dịch vụ hầu như không xuất hiện.

Bí thư Đảng ủy phường Quảng An (Tây Hồ) cho biết: “Các phương án chuẩn bị đón khách sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã được phường chuẩn bị từ cuối năm 2023. Không chỉ trong phủ mà các tuyến đường ngoài phủ cũng được vận động thực hiện văn minh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thanh toán không dùng tiền mặt, phân luồng giao thông...”.

Màn trống nữ làng Đọi Tam biểu diễn tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn. Ảnh: Đào Phương.

Tại tỉnh Hà Nam, các lễ hội: Tịch điền Đọi Sơn; xuân Tam Chúc; phát lương Đức Thánh Trần đều được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống và mang những dấu ấn đặc trưng. Năm nay lễ hội Tịch điền ngoài những nghi lễ chính như lễ cáo yết, rước nước, sái tịnh, cầu an..., phần hội được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa thể hiện nét đặc trưng của vùng, như hội thi cấy, thi vẽ trâu; thi làm bánh dầy giữa các dòng họ trong làng Đọi Tam...

Lễ phát lương Đức Thánh Trần tại Đền Trần Thương được tỉnh Hà Nam tổ chức vào đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng. Năm nay, Ban tổ chức đã phối hợp nhà đền chuẩn bị gần 20 nghìn túi lương tại 19 cửa phát lương ở phía đông và phía tây thuộc Nghi môn ngoại của Đền, bảo đảm nhân dân và du khách về dự lễ ai cũng nhận được lương cầu may đầu xuân.

Nghi thức cày tịch điền tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024. Ảnh: Đào Phương.

Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Công an huyện Lý Nhân phối hợp các phòng nghiệp vụ triển khai kế hoạch, phương án tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông; bố trí các bình chữa cháy tại các nơi diễn ra lễ thắp hương...

Tại Nam Định, lễ khai ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hằng năm, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách thập phương. Đồng chí Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp cho biết, du khách về dự lễ năm nay được thưởng thức màn biểu diễn lân sư rồng, hát văn, hát xẩm, múa rối nước... lần đầu được tổ chức tại Quảng trường Đông A, công trình thuộc dự án khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần.

Hội thi trang trí trâu tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024. Ảnh: Đào Phương.

Không gian chung quanh Đền Trần được trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Nam Định; triển lãm “Hành cung Thiên Trường-Dấu ấn vàng son”... Về công tác tổ chức lễ hội, cơ quan chức năng huy động hơn 2.800 cán bộ, chiến sĩ, chia làm năm vòng và 70 chốt làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong và ngoài Đền Trần.

Tại lễ hội năm nay, những hình ảnh phản cảm như người dân xô đẩy, ném tiền vào kiệu ấn hay tranh cướp lộc ấn không còn tái diễn. Ngoài ra, với sự túc trực của các đoàn kiểm tra liên ngành, hoạt động dịch vụ chung quanh Đền Trần cũng đã đi vào quy củ, nền nếp, chấm dứt cảnh “chặt chém”, chèo kéo khách, ăn xin... từng một thời là nỗi khiếp sợ của du khách.

Các đơn vị chức năng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bảo đảm đúng quy định. (Ảnh NGỌC LONG)

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những hạn chế

Từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã họp bàn với các địa phương có lễ hội lớn về công tác chuẩn bị, trong đó, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và thành phố về tổ chức lễ hội, không để xảy ra hành vi mê tín, dị đoan, cờ bạc trá hình; không làm sai lệch các tục lệ truyền thống...

Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động trước và trong thời gian tổ chức lễ hội. Nhờ đó, các lễ hội diễn ra trật tự, văn minh. Tại lễ hội chùa Hương, mặc dù tình trạng rải tiền lẻ ở các ban chưa chấm dứt hẳn, nhưng hầu như không có tình trạng xem bói, đốt vàng mã bừa bãi. Chùa Hương là nơi có lượng khách tham quan lớn, dịch vụ ăn uống phát triển. Mùa lễ hội năm nay, có 97 cơ sở kinh doanh ăn uống.

Nhờ làm tốt công tác tổ chức, Lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra an toàn, trang nghiêm, thành kính. Ảnh: Trần Khánh.

Đến thời điểm này, chưa xuất hiện hiện tượng “chặt chém” trong các hoạt động dịch vụ. Chiều 24/2, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương. Tại thời điểm kiểm tra, các nhà hàng đã tuân thủ các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết công khai giá các mặt hàng thực phẩm. Qua xét nghiệm nhanh các bát ăn đều đạt tiêu chuẩn.

Sau khi kiểm tra đột xuất công tác tổ chức lễ hội tại một số di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội vào ngày 23/2, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng đánh giá, qua kiểm tra thực tế, công tác quản lý, tổ chức lễ hội, quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội nói chung và tại các di tích nêu trên khá tốt và bài bản.

Ngay sau khi các ngành chức năng tỉnh Nam Định quyết liệt vào cuộc, hoạt động “đóng ấn, thu tiền” và đổi tiền lẻ tại di tích đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc đã được kịp thời chấn chỉnh. Ảnh: Trần Khánh.

Đối với công tác tổ chức lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa du lịch đất Tổ tổ chức vào đầu tháng 3 (âm lịch), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch để tổ chức tốt các hoạt động phần lễ, bảo đảm an toàn phần hội; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí, các điểm bán hàng, trông giữ xe..., kiên quyết xử lý nghiêm minh các vi phạm tại lễ hội, các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình để bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.

Tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng công tác quản lý và tổ chức lễ hội không tránh khỏi những khó khăn, bất cập. Theo đồng chí Doãn Sinh Nam, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, một số lễ hội còn có biểu hiện lãng phí, tình trạng thương mại hóa trong hoạt động dịch vụ lễ hội, bán hàng rong, bán sách ngoài luồng, xem tướng số, nâng giá dịch vụ, đặt tiền công đức, giọt dầu tùy tiện, hành khất... còn xuất hiện. Cá biệt còn một số nơi coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương, cho nên nặng về khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ.

Ngay sau khi các ngành chức năng tỉnh Nam Định quyết liệt vào cuộc, hoạt động “đóng ấn, thu tiền” và đổi tiền lẻ tại di tích đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc đã được kịp thời chấn chỉnh. Ảnh: Trần Khánh

Trước ngày rằm tháng Giêng, mặc dù lễ khai ấn Đền Trần chưa diễn ra, nhưng tại đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định), những lá ấn đã được “bán” công khai. Hàng trăm người xếp hàng, chen chân để chờ được tự tay đóng ấn trong cung cấm với nhiều mức giá từ 50 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng, cao nhất lên đến 500 nghìn đồng/lá ấn.

Bên cạnh đó, hoạt động đổi tiền lẻ cũng diễn ra ngang nhiên, giao dịch ngay trước cửa đền. Người cần đổi tiền phải chịu mức “lãi suất” lên đến 25%, thí dụ, đổi 100 nghìn đồng tiền lẻ thì phải mất 125 nghìn đồng. Trước sự việc này, Ủy ban nhân dân và ngành văn hóa tỉnh Nam Định đã quyết liệt vào cuộc chấn chỉnh, chấm dứt ngay những hoạt động phản cảm làm xấu hình ảnh di tích, lễ hội.

Khách du xuân thăm Chợ Viềng và làm lễ tại Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định). Ảnh: Trần Khánh


Nguồn: https://nhandan.vn/le-hoi-xuan-bot-lon-xon-hon-post797565.html