Những điều nên và không nên làm dịp Tết Trung Thu theo phong tục truyền thống
Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, đây là ngày Tết của trẻ em và còn được gọi là Tết Rằm tháng Tám, Tết hoa đăng, Tết trông Trăng, Tết đoàn viên, Tết thiếu nhi.
Tết Trung Thu năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch, theo dương lịch sẽ là thứ Ba ngày 17/9.
Trẻ em thường trông đợi ngày này vì thường được người lớn tặng đèn ông sao, đèn cá chép, đèn kéo quân, mặt nạ và được ăn bánh nướng, bánh dẻo; là dịp thể hiện lòng biết ơn đến tổ tiên, ông bà. Tuy nhiên để đón ngày Tết này trọn vẹn, bạn cần lưu ý những việc nên và không nên làm.
Nên sum họp gia đình
Tết Trung Thu là ngày Tết đoàn viên, vì thế bạn nên dành thời gian để về thăm bố mẹ. Quan tâm bố mẹ nhiều hơn, dành những lời yêu thương, những hành động đẹp để bày tỏ lòng biết ơn đối với đấng sinh thành.
Nên mặc quần áo màu đỏ
Dân gian quan niệm rằng màu sắc ảnh hưởng đến việc thu hút xui xẻo và may mắn. Do đó, vào dịp Tết Trung Thu mọi người nên tránh mặc các trang phục tối màu như xám hoặc đen. Vì những trang phục này sẽ đem đến những điều xui rủi. Thay vào đó bạn có thể mặc màu đỏ và màu vàng để tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, thịnh vượng, tránh khỏi những điềm xui cho nửa năm sắp đến.
Nên đeo vòng dây cát tường
Nếu bạn vẫn còn độc thân và muốn tìm một nửa còn lại của mình, bạn nên chuẩn bị một vòng dây cát tường màu đỏ. Bạn có thể đeo ở cổ tay, cổ chân, và lưu ý là nam đeo ở bên trái, nữ bên phải.
Nên buộc gọn tóc, vén tóc sang một bên
Tóc cũng được coi là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến việc thu hút tài lộc của bạn. Vào dịp Tết Trung Thu, bạn nên vén tóc và để gọn tóc sang một bên sao cho không để tóc che mất vùng trán. Điều này giúp gia đình bạn luôn gặp may mắn và nhiều tài lộc.
Nên làm việc thiện
Ngày Rằm, bạn có thể phóng sinh để tăng phúc phần. Ngoài ra, giúp đỡ những người khó khăn ngay cạnh mình cũng chính là hành thiện.
Nên thắp hương lên bàn thờ tổ tiên
Vào ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, trước khi đi chơi, bạn nên thắp hương bàn thờ tổ tiên. Trung Thu là tết của tình thân, vì vậy việc thắp một nén hương là nhớ về tổ tiên, nhớ về cội nguồn là bản sắc của người Việt Nam.
Không cúng Trung Thu trước buổi trưa
Theo phong tục truyền thống, việc cúng Trăng trong dịp Tết Trung Thu nên tổ chức sau buổi trưa, vì lúc này Mặt Trời đã dần lặn và Mặt Trăng đã bắt đầu xuất hiện.
Đặc biệt, khi chuẩn bị mâm cỗ cho dịp Trung Thu bạn không nên sử dụng những loại trái cây có hình dáng méo mó, xấu xí để dâng lên tổ tiên. Người xưa tin rằng những quả có tròn thì phúc lộc mới đầy. Thế nên, khi lựa chọn hoa quả, bạn cần chọn lựa kỹ càng.
Mâm cỗ đêm Trung Thu nên được đặt về hướng có Mặt Trăng. Đồng thời, bạn nên đợi sau khi hương tàn, hóa vàng xong mới hạ mâm cỗ, để cùng người thân, bạn bè hưởng lộc.
Không lộn ngược đồ vật
Trong dịp Trung Thu, các gia đình sẽ bày các lễ vật, lễ vật để cúng trăng và tổ tiên, nhưng phải cẩn thận không để lộn ngược đồ vật.
Đặc biệt, đối với các vật dụng như bát hương, đèn lồng hay các món đồ trang trí khác, việc để lộn ngược không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn được cho là thiếu tôn trọng đối với tổ tiên và các vị thần linh.
Trong ngày lễ quan trọng như tết Trung Thu, việc giữ gìn sự ngăn nắp và trật tự còn thể hiện lòng thành kính và sự chuẩn bị chu đáo của gia đình.
Không nên ra ngoài nếu bị ốm, cơ thể yếu
Trung Thu là dịp mọi người được vui chơi, tham gia các hoạt động rước đèn, trông trăng... nhưng không phải ai cũng nên ra ngoài vào ngày này. Theo quan niệm dân gian, người đang có vấn đề về sức khỏe, đau ốm, bệnh tật hoặc khó chịu trong người không nên ra ngoài.
Ngoài ra, phụ nữ mới sinh hoặc sảy thai thì tránh ra ngoài vào ban đêm và không nên ngồi ngoài phá cỗ. Ban đêm, âm khí thường rất nặng do đó, những phụ nữ mới sinh thường yếu hơn người bình thường do đó, nên hạn chế ra ngoài. Hơn nữa, thời tiết ban đêm nhiệt độ thấp hơn ban ngày dễ gây nhiễm lạnh.
Không nói tục, chửi bậy
Tết Trung Thu là dịp lễ hội mang ý nghĩa sum họp gia đình và tôn vinh các giá trị truyền thống. Vì vậy, việc giữ gìn phẩm cách và cách ứng xử lịch sự là điều quan trọng.
Theo quan niệm dân gian, việc nói tục, chửi bậy trong ngày tết Trung Thu không chỉ làm mất đi không khí thiêng liêng của ngày lễ mà còn có thể mang lại điều không may cho bản thân và gia đình.
Không chỉ tay vào Mặt Trăng
Dân gian quan niệm rằng hành động chỉ tay vào Trăng thể hiện sự thiếu tôn trọng với Mặt Trăng. Đây là một trong những điều cần kiêng kị không nên làm vào ngày Tết Trung Thu.
Mặt Trăng là vật được tế lễ, thờ cúng trong dịp Trung Thu tượng trưng cho sự trọn vẹn và hoàn hảo. Vì vậy, chỉ tay vào Mặt Trăng được coi là có thái độ xúc phạm đến Mặt Trăng và có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc./.