1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. Vua Lê Thánh Tông và cuộc đại cải cách giúp vương triều cực thịnh

Vua Lê Thánh Tông và cuộc đại cải cách giúp vương triều cực thịnh

thứ hai, 8/4/2024 10:39 GMT+07
Lê Thánh Tông lên ngôi năm 1460, được kể là một trong những triều đại thịnh nhất của thời phong kiến Việt Nam. Đường lối trị nước của Lê Thánh Tông mang dấu ấn của một cá tính mạnh, trung thành với tổ tông, thừa hưởng và phát huy được nền cai trị của các triều vua trước. Trong suốt 38 năm ở ngôi vua, đường lối trị nước của Lê Thánh Tông đã thể hiện những quan điểm khá nhất quán. Đó là sự tăng cường vai trò cá nhân của một ông vua toàn năng, điều hành bộ máy nhà nước mạnh, cực quyền toàn trị, với tinh thần tự tôn của một quốc gia - dân tộc lớn.

Tập trung quyền lực tối cao

Lớn lên trong những năm ổn định của triều Lê, hoàng tử Lê Tư Thành có vẻ như chỉ biết chăm lo học hành, trau dồi kiến thức. Nhưng sự thực không chỉ có vậy. Ngoài là một người rất mực tài hoa, Lê Tư Thành hết sức để tâm đến những sự kiện chính trị lớn diễn ra ngay ở kinh thành, có liên quan đến sự tồn vong của triều đại do ông mình sáng lập. Khi nghiên cứu Bắc sử và sử dân tộc, Lê Tư Thành luôn tự đặt những câu hỏi: tại sao có cuộc cải tổ bộ máy chính quyền nhà Minh; những sửa đổi về chính trị của Hồ Quý Ly hồi đầu thế kỷ trước; cũng như nguyên nhân nào khiến Lê Thái Tổ lập lại mô hình nhà nước thời Trần?

Tượng vua Lê Thánh Tông. (Ảnh: Bảo tàng Văn học Việt Nam)
Tượng vua Lê Thánh Tông. (Ảnh: Bảo tàng Văn học Việt Nam)

Vì thế, khi được suy tôn làm vua thay cho Lê Nghi Dân, Lê Thánh Tông đã nghĩ ngay đến một cuộc cải cách hành chính, vừa nhằm củng cố vững chắc bộ máy nhà nước, giữ vững quyền thống trị; vừa nhằm đưa đất nước tiến lên, làm rạng danh triều đại do ông lãnh đạo.

Ý tưởng có từ rất sớm nhưng chỉ đến năm 1471, khi đã ổn định các vùng biên giới phía bắc và phía nam, cuộc cải cách hành chính mới thực sự bắt đầu. Bản “Hiệu định quan chế” tức là văn bản chính thức về cuộc cải cách hành chính được ban hành. Lê Thánh Tông nêu những lý do cấp thiết dẫn đến cuộc cải cách: “Đồ bản, đất đai ngày nay so với trước đã khác nhau xa, ta cần phải tự mình giữ quyền chế tác, hết đạo biến thông. Ở trong kinh, quân vệ nhiều thì đặt 5 phủ để giữ, việc công bề bộn thì đặt 6 Bộ bàn nhau cùng làm, 6 khoa để xét bác trăm quan, 6 tự để thừa hành mọi việc”. Lê Thánh Tông cũng chỉ rõ những lợi ích mà cuộc cải cách đem lại: “Ăn hại đã không có, trách nhiệm lại rõ ràng. Như thế là cốt để cho lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, uy quyền không bị lạm dụng, lẽ phải không bị lung lay, khiến trăm họ có thói quen theo đạo, giữ phép, không có lầm lỗi làm trái nghĩa, phàm hình, để theo trọn cái chí của Thái Tổ, Thần Tông ta mà giữ được an trị lâu dài”.

Trên thực tế, cuộc cải cách hành chính đã diễn ra hết sức nghiêm ngặt. Trước tiên, Lê Thánh Tông bỏ hết các chức quan và cơ quan trung gian giữa vua và bộ phận thừa hành như Thượng thư sảnh, Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh, khu mật viện, các tướng quốc, Đại hành khiển, Tả hữu bộc xạ... Vua trực tiếp nắm quyền chỉ đạo mọi công việc quan trọng của nhà nước cũng như liên hệ với các cơ quan thừa hành. Nếu khi cần phải có người thay vua chỉ đạo công việc, thì phải là các đại thần như Thái sư, Thái phó, Thái bảo, Thái úy, Thiếu sư, Thiếu bảo...

Có thể nói Lê Thánh Tông là một vị hoàng đế đầy tự tin, ý chí kiên định và hành động quyết đoán. Ông can thiệp vào và trực tiếp điều hành ở mức tối cao mọi mặt công việc của triều đình, không thông qua vai trò của chức quan đầu triều là tể tướng như các triều đại trước.

Tiếp đến, Lê Thánh Tông tách 6 bộ Lại, Lễ, Binh, Hình, Công, Hộ ra khỏi Thượng thư sảnh (theo kiểu nhà Minh), lập thành 6 cơ quan riêng, phụ trách các hoạt động khác nhau của nhà nước. Đứng đầu mỗi Bộ là chức Thượng Thư, hàm nhị phẩm, chịu trách nhiệm trực tiếp trước vua. Sự cải cách dễ nhận ra nhất là ở bộ Lại, một bộ chịu trách nhiệm tuyển bổ, thăng giáng và bãi miễn các chức quan từ tam phẩm trở xuống. Không như các triều đại trước, bộ Lại không được toàn quyền hành động. Theo nguyên tắc “lớn nhỏ cùng ràng buộc lẫn nhau”, nếu “bộ Lại thăng bổ không xứng thì Khoa có quyền bắt bẻ, hoặc tố giác nếu bộ Lại làm sai trái”.

Trong cuộc cải cách này, Lê Thánh Tông rất đề cao công tác thanh tra, giám sát quan lại. Ngoài Ngự sử đài có từ thời Trần, ông cho đặt 6 Khoa chuyên theo dõi, giám sát quan lại ở 6 bộ. “Bộ Lễ nghi thức không hợp thì Lễ khoa được phép đàn hặc. Bộ Hộ có Hộ khoa giúp đỡ. Hình khoa có quyền xét lại sự thẩm đoán của bộ Hình...”.

Bên cạnh những công việc quan trọng của nhà nước ở trung ương, Lê Thánh Tông còn đổi đặt 6 tự (Thượng bài, Đại lý, Hồng lô...) để phụ trách những công việc phụ.

Lê Thánh Tông đặc biệt chú ý đến kiến thức thực sự của giới quan lại. Ông bỏ chế độ bổ dụng vương hầu, quý tộc vào các trọng trách của triều đình mà lấy thước đo học vấn qua khoa cử làm tiêu chuẩn dùng người, không phân biệt thành phần xuất thân. Các thân vương, công hầu tuy vẫn được ban bổng lộc hơn hẳn các quan nhưng nếu không đỗ đạt thì không được dùng trong bộ máy nhà nước. Ta thấy rằng chỉ riêng với cải cách này, Lê Thánh Tông đã có một tầm nhìn hơn hẳn các triều đại trước.

Hành chính thống nhất trong cả nước

Chùa Huy Văn thờ vua Lê Thánh Tông (ở ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội). (Ảnh: Quý Hoàng)
Chùa Huy Văn thờ vua Lê Thánh Tông (ở ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội). (Ảnh: Quý Hoàng)

Bên cạnh bộ máy nhà nước ở trung ương, hệ thống hành chính địa phương cũng có ý nghĩa rất quan trọng với địa vị thống trị của một triều đại. Bởi vì phần đông dân cư tập họp ở những nơi này. Nếu có một chế độ phù hợp với họ, triều đại ấy sẽ bền vững bởi sự bảo vệ của chính những người dân ấy.

Lê Thánh Tông đã sáng suốt nhận rõ điều đó. Năm 1466, cùng với việc thành lập các bộ, các tự, Lê Thánh Tông chia lại cả nước thành 12 đạo thừa tuyên và một phủ Trung đô (khu vực kinh thành). Năm 1471, ông cho lập thêm đạo thừa tuyên thứ 13 là Quảng Nam. Hệ thống hành chính địa phương gồm 5 đạo và 24 lộ như thời kỳ đầu triều Lê, bị bãi bỏ. Theo đó, các chức An phủ sứ đứng đầu các đạo cũng không còn nữa. Ở cách phân chia mới, mỗi đạo thừa tuyên đều có 3 ty ngang quyền nhau cai quản: Đô tổng binh sứ ty (Đô ty), Thừa tuyên sứ ty (Thừa ty) và Hiến sát sứ ty (Hiến ty). Nếu như Đô ty và Thừa ty trông coi về quân sự và dân sự thì Hiến ty chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát các quan chức địa phương; luôn đi sâu, tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của nhân dân. Ngoài ra, để giúp Hiến ty làm nhiệm vụ, ở Ngự sử đài, Lê Thánh Tông đặt thêm 13 cai đạo giám sát ngự sử chuyên giám sát, giúp đỡ các Hiến ty. Dưới đạo Thừa tuyên, Lê Thánh Tông cho thống nhất các đơn vị hành chính: phủ, huyện, châu, xã. Đứng đầu phủ là tri phủ, đứng đầu huyện có tri huyện, xã quan đổi thành xã trưởng.

Nhìn vào sự cải cách cơ cấu hành chính, ta nhận thấy Lê Thánh Tông có học tập nhà Minh, song là sự học tập có sáng tạo. Ông không đặt chức quan đứng đầu đạo Thừa tuyên, nghĩa là muốn có một sự liên kết thống nhất, thẳng từ trung ương xuống địa phương, tránh được hiện tượng các cơ quan nhà nước cấp trên không được trực tiếp hiểu về tình hình dân chúng. Một sáng tạo nữa là Lê Thánh Tông đặt “Hiến ty” với nhiệm vụ thanh tra quan lại. Điều này làm cho vai trò của quan lại địa phương nặng thêm, bởi họ chính là đại diện của vua, quan hệ đến sự tồn vong của đất nước.

Như vậy, khoảng từ năm 1471, thông qua cải cách, Lê Thánh Tông đã tạo được hệ thống hành chính thống nhất trong phạm vi cả nước. Hệ thống khá gọn gàng với chức trách phân minh, bảo đảm sự chỉ đạo và tập trung quyền lực của trung ương. Đây là mô hình tiên tiến nhất của chế độ quân chủ phong kiến đương thời, trong đó, trung ương và địa phương gắn liền nhau, quyền lực của vua được bảo đảm từ trên xuống dưới.

Lê Thánh Tông là một vị hoàng đế lớn của một vương triều mạnh, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc. Những thành công của cuộc cải cách hành chính do Lê Thánh Tông thực hiện, thật đáng để cho chúng ta suy ngẫm.