Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 16/1 (giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với vai trò diễn giả chính tại Phiên Đối thoại Chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024).
Đây là một trong 8 phiên đối thoại với những người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại WEF Davos 2024, thể hiện sự quan tâm, đánh giá tích cực của WEF và các thành viên đối với vai trò, vị thế quốc tế, thành tựu, tầm nhìn và triển vọng phát triển của Việt Nam.
Phiên Đối thoại Chính sách của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được WEF đề xuất, xác định là một phiên điểm nhấn tại WEF Davos 2024.
Phiên đối thoại diễn ra vào thời điểm then chốt, giúp thúc đẩy quan hệ với các đối tác và chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn, là thành viên có trách nhiệm và là hình mẫu trong nhiều mặt, lĩnh vực của cộng đồng quốc tế.
Phiên Đối thoại có sự tham dự trực tiếp của Giáo sư Klaus Schwab - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF - và 100 lãnh đạo, đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp là thành viên của WEF.
Nhà bình luận nổi tiếng về quan hệ quốc tế Thomas Friedman - Tạp chí New York Times, tác giả cuốn sách "Thế giới phẳng" - là người điều phối Phiên Đối thoại.
Giáo sư Schwab bày tỏ vui mừng được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần đầu tiên tới tham dự Hội nghị WEF Davos; đánh giá Việt Nam không chỉ là một ngôi sao ở khu vực Đông Á, mà còn đang trong quá trình vươn lên trở thành một quốc gia có ảnh hưởng kinh tế ở tầm thế giới.
Giáo sư Schwab đánh giá cao và tin tưởng vào vai trò ngày càng gia tăng của Việt Nam; cho rằng Việt Nam thực sự trở thành một trong những quốc gia tiên phong về phát triển nền kinh tế xanh và thông minh.
Chia sẻ quan điểm với Giáo sư Schwab, ông Friedman cho rằng Việt Nam là điển hình tiêu biểu cho cải cách và phát triển, được quốc tế đánh giá là hình mẫu về phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Với vai trò người điều phối, ông bày tỏ mong muốn được lắng nghe những kinh nghiệm, định hướng phát triển và đóng góp của Việt Nam cho tiến trình giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Phát biểu tại Phiên Đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số định hướng, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ nhất, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thứ hai, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Thứ ba, kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không.”
Thứ tư, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa còn thì dân tộc còn.
Nêu bật những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong chặng đường gần 40 năm đổi mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết từ thành công đó có 5 bài học kinh nghiệm lớn.
Một là, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Hai là, coi nhân dân là người làm nên lịch sử.
Ba là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Năm là, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ 2 gợi ý cho các quốc gia.
Thứ nhất, xác định nguồn lực bắt đầu từ tư duy, động lực bắt đầu từ sự đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Thủ tướng đề cao vai trò của đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Thứ hai, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Theo đó, người dân cần được trực tiếp tham gia và thụ hưởng chính sách.
Trả lời câu hỏi của nhà bình luận Friedman về quan điểm của Việt Nam trong cân bằng quan hệ với các nước lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận.
Tuy vậy, Việt Nam đã “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai” để biến thù thành bạn.
Thủ tướng khẳng định chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa qua thể hiện lòng tin chính trị vững vàng giữa Việt Nam và 2 đối tác, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm chuyển đổi số, khoa học-công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh... và xác định đây vừa là yêu cầu, xu thế khách quan, vừa là lựa chọn chiến lược.
Trong lĩnh vực bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng thông tin và đang có kế hoạch đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn trong thời gian sắp tới.
Về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá mọi vấn đề đều có tính hai mặt, cho biết Việt Nam sẽ tích cực khai thác lợi thế, hạn chế tiêu cực của AI, bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, song song với hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư và tăng cường, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực.
Trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác kinh doanh, trên cơ sở phát huy tối đa lòng tin, hy vọng, quyết tâm của hai bên và mong muốn các doanh nghiệp gắn sản xuất, tiêu dùng với nghiên cứu và đào tạo.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, nêu bật cam kết đưa phát thải ròng về mức “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Theo đó, trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động nâng cao khả năng thích ứng với sạt lở, hạn hán, thiên tai; đồng thời, triển khai sáng kiến mới về phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp, để vừa phù hợp với xu thế phát triển bền vững, vừa phát huy vai trò quan trọng của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Các thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận được sự đánh giá rất cao của các đại biểu tham dự Phiên Đối thoại.
Phiên Đối thoại được tổ chức theo hình thức mở, tương tác trực tiếp với một nhà bình luận quốc tế hàng đầu thế giới và truyền tải trên nhiều nền tảng truyền thông trực tuyến, qua đó, giúp lan tỏa mạnh mẽ và rộng rãi thông điệp về một Việt Nam với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín mới./.
(PLM) - Khoảng 10 giờ ngày 15/1, một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn qua thôn Trường Thịnh, xã Trường Lâm, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa gây ùn tắc nghiêm trọng.
(PLM) - Sáng 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu là đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
(PLM) - Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
(PLM) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa Công viên hồ Phùng Khoang vào phục vụ Nhân dân trước ngày 20/1.
(PLM) - Nằm trong chuỗi hoạt động “Tết quân dân” năm 2024 huyện Mỏ Cày Bắc, ngày 9/1, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp UBND huyện Mỏ Cày Bắc khánh thành cầu Pháp Luật Việt Nam (Cầu Rạch Dầu) tại ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).
(PLM) - Sáng 9/1, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh dự và chủ trì Toạ đàm, đồng chủ trì và điều hành có Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp. Tham dự Toạ đàm có các chuyên gia về kinh tế, chuyên gia pháp luật cùng đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam. Toạ đàm là diễn đàn để lắng nghe, là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới .
(PLM) - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
(PLM) - Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.
(PLM) - Lịch Tết là một ấn phẩm văn hóa đã đi sâu trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Mỗi dịp đón năm mới, nhiều gia đình Việt lại treo lên tường cuốn lịch Tết, không chỉ để xem ngày tháng, hay trang trí trong nhà. Đặc biệt, Lịch Công an nhân dân, ấn phẩm văn hóa mang đặc trưng riêng của lực lượng công an. Trở thành quà tặng nhiều ý nghĩa của cán bộ chiến sĩ dành tặng thân nhân, bạn bè mỗi dịp Tết đến xuân về.
(PLM) - Thời gian vừa qua, trên một số trang mạng xã hội facebook như: N-Collagen, Trần Thị Bích Ngân…và tại các website: kemncollagen.com/, myphamkis22.vn/, ncollagen.com.vn/... đang xuất hiện hàng loạt các quảng cáo về sản phẩm N-Collagen đông trùng tổ yến Plus + có dấu hiệu vi phạm quảng cáo. Sản phẩm đang được “nổ” hàng loạt công dụng như: “Giải pháp giúp nám “rời xa”; điều hòa và cân bằng nội tiết; giảm nám do rối loạn nội tiết; dưỡng da trắng sáng, đều màu; ngừa mụn nội tiết, mờ thâm sạm; cải thiện độ đàn hồi, ngăn lão hoa; tái tạo da sau biến đổi nội tiết…”. Tuy vậy, N-Collagen đông trùng tổ yến Plus thực chất chỉ là một loại thực phẩm bổ sung với các chiết xuất được ghi trên bao bì là bình vôi, lạc tiên, tâm sen…mà không phải là dược phẩm.