Tiết kiệm và chống lãng phí là hai thành tố gắn bó hữu cơ với nhau, là hai trụ cột để đi tới thịnh vượng, giàu có đối với cả phạm vi gia đình, đất nước và xã hội. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là điều cần làm trong cuộc sống của từng cá nhân và toàn xã hội, là “hòn đá tảng” góp phần xây dựng một xã hội văn minh, phát triển bền vững. Đó phải là trách nhiệm chung và cần trở thành nếp sống, thành văn hóa hàng ngày của mỗi chúng ta.
Văn hoá Việt Nam là nền văn hoá gắn liền với sự đề cao lối sống tiết kiệm, giản dị. Từ đó, việc thực hành tiết kiệm của người Việt đã được đúc kết thành ca dao, tục ngữ, truyền miệng từ đời này sang đời khác [1], như “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Ít chắt chiu hơn nhiều phung phí”, “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”; “Được mùa chớ phụ ngô khoai/Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”; “nên ăn có chừng, nên dùng có mực”; “Tiết kiệm sẵn có đồng tiền/Phòng khi túng lỡ không phiền lụy ai”...
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Thầy của cách mạng Việt Nam là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm. Ngay sau khi lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công, trước nguy cơ giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đe dọa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra ngày 03/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách, trong đó Người đặc biệt đề cao việc phát động phong trào tăng gia tiết kiệm để chống đói, xây dựng đất nước. Bác Hồ đã nhiều lần giải thích rõ về tiết kiệm để mọi người hiểu cho đúng, để thực hiện cho tốt: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi…; Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết chống xa xỉ… Vì vậy, xa xỉ có tội với tổ quốc, với đồng bào”[2]. Bác coi tiết kiệm là một nghệ thuật quan trọng của đời sống xã hội. Bác nhấn mạnh phải tiết kiệm sức lao động: “một người làm bằng hai, ba người”[3]; tiết kiệm thời gian: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”[4]. Bác yêu cầu Chính phủ phải tiết kiệm tiền của, tiết kiệm sức dân, tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân: “phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”[5], “Của cải hết, có thể lại làm ra; thời giờ qua, thời giờ lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu, có khi hy sinh cả tính mệnh”[6] nên “phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc” [7]. Hay, tiết kiệm lời nói: “nói ít, làm nhiều”[8], “bắt đầu bằng hành động”[9].
Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm vấn đề thực hành tiết kiệm, coi đây là quốc sách hàng đầu. Trong chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự đi đầu nêu gương của Bác, của cán bộ, đảng viên, việc chi tiêu hợp lý, thực hành tiết kiệm, mỗi người dân đều thắt lưng buộc bụng, nhịn ăn, nhịn mặc, hi sinh mọi quyền lợi vật chất cá nhân để dồn sức cho tiền tuyến, giúp tập trung nguồn lực giải phóng đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, ban hành nhiều Chỉ thị về vấn đề này, như Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư khóa XI về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/01/2025 của Bộ Chính trị khoá XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xác định rõ “Tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng…các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về:…. cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, không cho phép đảng viên “Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục đích vụ lợi”. Thể chế hoá chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã ban hành Pháp lệnh về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998; được Quốc hội khóa XI nâng lên thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và được Quốc hội khóa XIII sửa đổi, bổ sung ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Hiến pháp năm 2013 cũng hiến định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước” (Điều 56); hàng năm và theo giai đoạn, Chính phủ đều ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hành tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ, đảng viên đã chú trọng thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, nâng cao vai trò của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm. Một số cơ quan, đơn vị khi tổ chức đại hội hay các dịp kỷ niệm ngày thành lập đã có văn bản thông báo “thực hành tiết kiệm, không nhận hoa chúc mừng”. Nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết đã được các cấp, các ngành tổ chức theo hướng ngắn gọn, đơn giản, tiết kiệm thời gian, không sử dụng tài liệu giấy, tổ chức họp trực tuyến để tiết kiệm chi phí. Việc sử dụng xe chung cho cán bộ cấp cao trong các chuyến công tác cũng được triển khai ở nhiều nơi. Tình trạng đất bị bỏ hoang, quy hoạch “treo” từng bước được khắc phục. Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc cơ bản đã thực hiện đúng mục đích và định mức, tiêu chuẩn. Nhiều doanh nghiệp tăng cường quản lý các định mức liên quan đến chi phí sản xuất, nhất là các chi phí gián tiếp để hạ giá thành sản phẩm; cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tăng cường quản lý định mức tiêu hao để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, từ cuối năm 2024 đến nay, thực hiện các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc ở cấp Trung ương và địa phương; qua đó tinh giảm đầu mối, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện để thực hiện ngay chủ trương miễn giảm học phí cho học sinh. Ngoài ra, theo tính toán sơ bộ, khi thực hiện chủ trương mà Hội nghị Trung ương 11 khoá XIII đã thống nhất về sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sáp nhập cấp xã, riêng tiết kiệm chi thường xuyên hàng năm. Theo tính toán sơ bộ, khoản tiết kiệm của chi thường xuyên của Ngân sách nhà nước giai đoạn 2025-2030 là hơn 20.000 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2030 trở đi mỗi năm tiết kiệm trên 30.000 tỷ đồng. Đó là chúng ta chưa tính giá trị cụ thể của hơn 18.500 trụ sở các cơ quan, đơn vị không còn chức năng “công sở” khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Bên cạnh kết quả, việc thực hành tiết kiệm vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đạt hiệu quả rất thấp. Các chủ trương, chính sách tiết kiệm chưa thật sự phát huy hiệu quả; sự lãng phí, thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước đã và đang diễn ra trên phạm vi rộng gây nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Thực hành tiết kiệm chưa thành nề nếp thường xuyên; tiết kiệm chưa trở thành ý thức thường trực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Lãng phí không chỉ tồn tại ở các cơ quan Nhà nước mà ngay trong hoạt động xã hội của người dân. Xu hướng sính dùng hàng ngoại, hàng xa xỉ, hàng hiệu, tặng quà biếu với giá trị lớn; tâm lý hưởng thụ của một bộ phận người dân, nhất là lớp trẻ, trong khi thu nhập bình quân của cả nước mới vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình, năng suất lao động thấp… là những biểu hiện đáng lo ngại của việc thực hành tiết kiệm. Bên cạnh những cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tính đảng, gương mẫu, đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có tinh thần trách nhiệm cao trong quản lý, sử dụng, tiết kiệm tài sản công, không rơi vào “vòng xoáy” của quyền lực, tiền tài, xa hoa, hưởng thụ... vẫn còn một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cả người đứng đầu, thiếu tinh thần trách nhiệm, thích hưởng thụ, thích vật chất, gây thất thoát kinh phí, tài sản, lãng phí trong tiêu dùng, sử dụng công quĩ cho chi tiêu cá nhân, nhóm lợi ích.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do ý thức trách nhiệm, sự quyết tâm của một số cơ quan, tổ chức và cá nhân chưa cao, chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, cơ chế chính sách, nội qui, qui định chưa đầy đủ, rõ ràng, nhiều kẽ hở. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có lúc, có nơi còn hình thức, chiếu lệ. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tự giác trong việc xây dựng các giải pháp để triển khai việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực, phạm vi được giao quản lý. Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thật sự đi vào thực tiễn cuộc sống, các quy định còn chung chung, dẫn đến chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả trong triển khai. Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực tế cuộc sống của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi gia đình và từng cá nhân, chưa đưa ra được các mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá cụ thể. Nhiều lãng phí, sai phạm đã được phát hiện nhưng chậm được xử lý; chưa kịp thời tuyên dương, khen thưởng người thực hiện tiết kiệm hoặc phát hiện lãng phí khiến việc tuân thủ pháp luật chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cấp các ngành hiệu quả chưa cao.
Hội nghị Trung ương 11 khoá XIII đã thống nhất rất cao những quyết sách lịch sử, trong đó, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã, tạo tiền đề tạo chuyển biến căn bản trong thực hành tiết kiệm ở nước ta trong giai đoạn mới. Để đạt yêu cầu cao nhất trong giai đoạn cách mạng mới mà Hội nghị Trung ương 11 đã thống nhất, đó là “phát triển chất lượng cao, phát triển nhanh và phát triển bền vững”,“chủ động, tự cường và tự chủ trong phát triển” nhằm đạt mục tiêu cao nhất “ổn định, phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân”, thực hiện thắng lợi hai mục tiêu 100 năm, cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề, sau đây:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những giải pháp căn cơ nhất để đất nước vượt qua mọi bão giông trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, tác động trực tiếp, nhiều mặt đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh. Thực tế lịch sử đã chứng minh, tiết kiệm là một trong những yếu tố then chốt tạo ra tiềm lực to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, dù là một đất nước nghèo nàn về kinh tế, cuộc sống vật chất của người dân khó khăn, thậm chí trong hoàn cảnh “giặc đói” hoành hành, nhưng chúng ta vẫn “thắt lưng buộc bụng”, dồn sức cho kháng chiến, giành cơm gạo cho chiến trường và đã đánh thắng bọn thực dân, đế quốc xâm lược hùng mạnh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trước những khó khăn, thách thức mới, với truyền thống kiên cường, bất khuất, với sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, phát huy cao độ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sẽ tạo nguồn sức mạnh nội sinh, nội lực to lớn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế, giúp đất nước vững vàng tiến lên, đạt các mục tiêu chiến lược, đồng thời chăm lo tốt hơn cho đời sống người dân. Do vậy, mọi công dân và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, thực hiện hợp lý hóa việc thu-chi hợp lý; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình, nhân dân tích cực tham gia; mọi ngành, mọi nghề, mọi nhà, mọi người đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động sản xuất, triệt để thực hành tiết kiệm, hạn chế tới mức thấp nhất sự lãng phí cả về thời gian, tiền bạc, của cải, sức lực.
Thứ hai, triển khai mạnh mẽ các giải pháp căn bản nhằm tạo chuyển biến thực chất trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trọng tâm là: (i) Tập trung hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở khắc phục triệt để những lãng phí do thể chế gây ra, xóa bỏ những rào cản, khó khăn, vướng mắc cản trở phát triển, khơi thông các điểm nghẽn tạo nền tảng cho phát triển, nhất là các vấn đề liên quan đến đấu thầu, ngân sách, đầu tư công, kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cuộc Cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo cơ sở chính trị pháp lý toàn diện, vững chắc cho thực hành tiết kiệm ở mọi ngành, mọi nghề, mọi cán bộ, đảng viên và người dân. (ii) Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế "xin-cho"; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm. Trong năm 2025, đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả; 100% thủ tục hành chính không bị giới hạn bởi địa giới hành chính cấp tỉnh. (iii) Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, muốn hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, yếu tố rất căn cốt đó là phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức, kĩ năng, thái độ làm việc đúng đắn để đạt hiệu quả cao nhất ở mỗi lĩnh vực mà họ đảm trách. Trong đó, kĩ năng quản lý, thực thi nhiệm vụ; sự say mê, nhiệt huyết và trách nhiệm trong mỗi công việc, mỗi nhiệm vụ được giao; văn hoá chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, ý thức chủ động tiết kiệm… là những yêu cầu đặt ra đối với cán bộ trong tổ chức bộ máy mới. (iv) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy. Kiên quyết triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và phát triển kinh tế; phấn đấu tăng cao hơn nữa tỷ lệ chi đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. (v) Tạo hành lang pháp lý, nguồn lực để kinh tế tư nhân phát triển, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, tạo điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội đóng góp, tăng năng suất lao động, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Thứ ba, xây dựng văn hoá tiết kiệm; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Nghiên cứu phát động và duy trì thường niên “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm” để thúc đẩy, lan tỏa phong trào toàn xã hội nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm. Đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; kịp thời khen thưởng, biểu dương những tấm gương cán bộ, chiến sỹ, người dân có những sáng kiến trong công tác, phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hành tiết kiệm, có hình thức xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, đảng viên chưa thực hiện đầy đủ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lấy đây là một trong những giải pháp căn cơ góp phần xây dựng văn hoá tiết kiệm.
Trong Báo cáo trước Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản, V.I. Lênin nhấn mạnh “Dù sao, chúng tôi cũng phải tinh giản bộ máy nhà nước đó, phải hết sức tiết kiệm, càng nhiều càng tốt. Chúng tôi tiết kiệm về mọi mặt, đến cả những chi phí về trường học. Phải làm như thế vì chúng tôi biết rằng, nếu không cứu vãn được công nghiệp nặng, nếu không khôi phục được công nghiệp nặng, thì chúng tôi sẽ không thể xây dựng được công nghiệp nào cả, và nếu không có công nghiệp, thì nói chung, chúng tôi sẽ diệt vong, không còn là một nước độc lập nữa”[10]; Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhấn mạnh “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiết kiệm là một chính sách lớn, một đạo đức lớn, một nếp làm việc và nếp sống không bao giờ được lơ là”[11]; để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới và thành công, nhất định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải ra sức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
TÔ LÂM
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
-------
[1] Xem thêm: Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Văn học, 1996; Phúc Hải, Tuyển chọn tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Thời đại, 2014; Mai Khanh, Thành ngữ - tục ngữ, ca dao - dân ca Việt Nam, NXB Văn học, 2022…
[2] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, tr.122-124
[3] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, tr.181
[4] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.122
[5] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.70
[6] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.335
[7] Sđd, tập 4, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tr.229
[8] Sđd, tập 5, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tr.217
[9] Sđd, tập 3, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tr.457
[10] Sđd, V.I. Lênin, Toàn tập, NXB CTQG-ST, H.2005, tập 45, tr.333-334
[11] Báo Nhân dân, số 2149 ngày 05/2/1950, tr.2
(PLM) - Chiều ngày 17.7 tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam và Cục Quản lý Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi “Chuyện nghề Thi hành án”. Tham dự lễ trao giải có sự góp mặt của đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Đồng chí Nguyễn Quang Thái, Phó Bí thư chuyên trách Đảng uỷ Bộ Tư pháp, Đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi – Cục Trưởng Cục Quản lý Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, TS Vũ Hoài Nam – Tổng Biên tập báo Pháp luật Việt Nam.
(PLM) - Thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự (nay là Cục Quản lý thi hành án dân sự) và Báo Pháp luật Việt Nam, nhằm hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI và Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (THADS). Ngày 26/10/2024, Báo Pháp luật Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự đã phát động Cuộc thi Chuyện nghề Thi hành án dân sự trên Báo Pháp luật Việt Nam.
(PLM) - Chiều 16/7, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, tổng kết công tác năm học 2024 – 2025, triển khai công tác năm học 2025 – 2026 và 6 tháng cuối năm 2025. Chủ trì Hội nghị có TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cùng các đồng chí Phó Hiệu trưởng nhà trường, lãnh đạo các phòng, khoa, đơn vị thuộc trường và toàn thể viên chức, người lao động nhà trường.
(PLM) - Thời gian qua, tại khu vực cầu Đô Lương và dọc tuyến Quốc lộ 7A đoạn qua địa bàn xã Đô Lương, tỉnh Nghệ An đang xuất hiện tình trạng nhiều xe chở cát ướt trong quá trình di chuyển khiến nước vương vãi trên đường, đi đến đâu thì cuốn bụi mù mịt đến đó ảnh hưởng tới người đi đường và phương tiện cùng lưu thông. Đáng chú ý, các xe chở cát có dấu hiệu quá tải này đang đe dọa giới hạn tải trọng của cầu Đô Lương.
(PLM) Liên quan đến bản án số 39/2020/DS-ST ngày 20/10/2020 của TAND huyện Lạng Giang và bản án số 82/2021/DS-PT ngày 03/8/2021 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang cũ nay là tỉnh Bắc Ninh, ngày 20/12/2024 và ngày 12.3.2025 Chi Cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang cũ trước đây nay là phòng Thi hành án dân sự khu vưc 4 – tỉnh Bắc Ninh đã 2 lần có công văn gửi Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang cũ đề nghị giải thích bản án. Ngày 9/6/2025, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang đã có công văn số 982 gửi Chánh án Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội để xem xét lại bản án số 39/2020/DS-ST ngày 20/10/2020 TAND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang và bản án số 82/2021/DSPT ngày 03/8/2021 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang theo thủ tục tái thẩm. Bởi theo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang văn bản số 80 của ngày 19/5/2025, Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Giang với nội dung giữ nguyên phần quyết định của bản án đã tuyên và đề nghị đơn vị này căn cứ vào 2 bản án đã tuyên để tiếp tục thi hành theo quy định của pháp luật mà không giải thích về việc bản án của toà án tuyên không đúng với diện tích đất và thửa đất. Do đó, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang không thể tổ chức thi hành án được.
(PLM) Tuyến phố Vọng Đức, thuộc phường Cửa Nam, TP Hà Nội tối ngày 13.7 nhiều hàng quán kinh doanh dưới lòng đường cùng với đó xe máy, ô tô lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, biển quảng cáo rao vặt được treo có dấu hiệu chưa đúng quy định, gây mất mỹ quan đô thị. Theo phản ánh của người dân tình trạng này diễn ra thường xuyên liên tục nhất là giờ cao điểm buổi trưa và buổi tối, khiến giao thông đi lại tại khu vực gặp nhiều khó khăn.
(PLM) - Với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đột phá – Phát triển”, Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tổ chức phiên Đại hội đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025–2030 diễn ra từ ngày 13/7 đến 14/7, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho một giai đoạn phát triển mới.
(PLM) Chiều ngày 11 tháng 7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trao đổi, giải đáp, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ rà soát, cho ý kiến về kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định của Pháp luật. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Bộ Tư pháp và trực tuyến tại ba mươi tư tỉnh, thành phố trên cả nước.
(PLVN) Thời gian gần đây trên tuyến đường Khuất Duy Tiến và đường Tố Hữu tình trạng phương tiện đi lên vỉa hè tái diễn, nhất là vào giờ cao điểm. Mặc dù, mức xử phạt theo Nghị định 168 đối với hành vi vi phạm này đã tăng cao, thế nhưng nhiều người vẫn bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình điều khiển phương tiện lấn chiếm lối đi của người đi bộ.
(PLM) Chiều ngày 10/7 tại Hà Nội, báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày phát hành số báo đầu tiên (10/7/1985 – 10/7/2025). Ghi nhận và biểu dương những đóng góp của các thế hệ người làm báo báo Pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc cho biết sự ra đời của báo Pháp luật Việt Nam đã tạo một dấu ấn đậm nét, một dòng chảy thông tin không thể thiếu.