1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. Bảo vệ, phát huy mạnh mẽ di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Bảo vệ, phát huy mạnh mẽ di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

thứ năm, 30/3/2023 08:34 GMT+07
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đậm bản sắc và giá trị truyền thống văn hóa Việt, phản ánh ứng xử con người với con người, con người với thiên nhiên. Các thực hành trong tín ngưỡng đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội.
Phủ Tiên Hương - phủ chính trong Khu Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy

Nam Định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng, đất phát tích của vương triều Trần và nhiều danh tướng khác làm rạng danh sử sách non sông. Nam Định còn được coi là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Mẫu Tứ phủ của người Việt, được UNESCO xét duyệt và ghi danh vào danh mục "Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" vào tháng 12/2016.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" do Thủ tướng Chính phủ cam kết với UNESCO (năm 2017), UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-UBND phê duyệt đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh đến năm 2030".

Riêng về thờ và phối thờ Mẫu, Nam Định có 352 di tích lịch sử-văn hoá; trong đó có 220 phủ, 16 miếu, 72 chùa phối thờ, 44 đền, đình thờ chung với thành hoàng làng. Riêng xã Kim Thái (huyện Vụ Bản) có gần 20 di tích ở trong Khu Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy (một trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định và cả nước).

Theo nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Đàm Lan: "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ/Tứ phủ là tín ngưỡng nội sinh của dân tộc, tín ngưỡng thờ mẫu khác với những tôn giáo và tín ngưỡng khác trên thế giới, bởi đã thể hiện một cách sâu sắc tâm tư, tình cảm, đạo đức, trí tuệ của người Việt".

Nhà nghiên cứu Đàm Lan cho hay, tín ngưỡng thờ mẫu có nguồn gốc từ thuở sơ khai nhằm thỏa mãn tâm lý của con người cầu mong về một cuộc sống bình yên, no đủ. Trong quá trình phát triển của mình, tín ngưỡng thờ mẫu thể hiện khả năng tích hợp văn hóa và tích hợp tôn giáo cao tạo ra một hệ thống điện thần với sắc màu đa văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo một cách hài hòa, nhưng mang đậm bản sắc của người Việt.

Bên cạnh đó, trong tín ngưỡng thờ mẫu có một nghi lễ điển hình nhất - đó chính là nghi lễ hầu đồng. Tuy nhiên, bà Đàm Lan cho biết, hầu đồng hay giá đồng chỉ là một thành tố và là thành tố quan trọng, một thực hành cơ bản và nhạy cảm trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Vì thế, để bảo vệ và phát huy di sản, trước hết chúng ta cần nhận diện đúng, đầy đủ bản chất và giá trị cốt lõi của di sản. Cần phải thực hiện công tác tuyên truyền một các đồng bộ và sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng và trúng về ý nghĩa của di sản "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt", qua đó bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Theo viện dẫn trong sử sách và truyền ngôn, phủ Tiên Hương (phủ chính trong Khu Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy ngày nay) khởi thủy được dựng lên bằng mái tranh để làm nơi phụng thờ Mẫu Liễu. Đến năm Dương Hòa 8 (1642), vua Lê Thần Tông xuống chỉ cho nhân dân địa phương xây lại và lợp ngói. Đến thời Cảnh Trị (1663-1671), được xây lại bằng gạch và mở tộng hơn. Năm Tự Đức 19 (1866), lại được tiếp tục trùng tu. 

Đến năm Duy Tân thứ 6 (1912), Tổng đốc Nam Định là Đoàn Triển cùng với nhân dân, khách thập phương xây dựng với quy mô to đẹp như sau này. Đến cuối thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) công việc trùng tu, tôn tạo các di tích thờ mẫu (tu sửa phủ Vân Cát, Tiên Hương...) và xây lăng mẫu vào năm 1938, đều có sự tham gia từ vua, quan triều đình đến các quan lại địa phương.

Bảo vệ, phát huy mạnh mẽ di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Ảnh 3.
Biểu diễn "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" tại Phủ Dầy - Ảnh: VGP

Cùng với sự vinh danh của UNESCO, tín ngưỡng thờ mẫu xưa là kế thừa, ngày nay là phát huy.

Thời gian qua, việc thực hành tín ngưỡng thờ mẫu liên quan đến các nghi lễ thờ cúng và các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các lễ hội được các địa phương khôi phục và phát huy. Hàng năm, tại các di tích thờ mẫu, lễ hội thường được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch với các nghi lễ, như tế, rước kiệu và các hoạt động văn hóa dân gian, như hát chầu văn, múa lân, sư, rồng, cờ người.

Trong số các lễ hội tại các di tích thờ mẫu trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu nhất là lễ hội Phủ Dầy. Đây là lễ hội tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ nữ thần (mẫu) và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp vùng Đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Quần thể di tích quốc gia Phủ Dầy (Nam Định) gồm 18 đền, phủ, chùa, lăng, được xem là nơi gắn liền với thần tích giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của dân tộc Việt. Phủ Dầy được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ mẫu tại Việt Nam.

Cùng với quần thể kiến trúc, lễ hội Phủ Dầy là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam.

Với một khu vực văn hóa có kho tàng di sản phong phú, đa dạng và đặc sắc đó, nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đó là hết sức nặng nề, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Nhiệm vụ và trách nhiệm vẻ vang đó trước hết được đặt trong tay đội ngũ các nhà quản lý văn hóa và chính quyền sở tại các cấp, đội ngũ các nhà khoa học.