1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. Huế - 'Thành phố Xanh Quốc gia' đầu tiên tại Việt Nam

Huế - 'Thành phố Xanh Quốc gia' đầu tiên tại Việt Nam

thứ hai, 22/4/2024 10:53 GMT+07
Huế chính thức được Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) vinh danh là “Thành phố Xanh Quốc gia của Việt Nam năm 2016”, danh hiệu xứng đáng cho những chính sách và sáng kiến mà thành phố và người dân Huế đang thực hiện để trở thành thành phố đi đầu của cả nước trong phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại nhiều nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn đang có chiều hướng gia tăng, thì chất lượng không khí ở thành phố Huế luôn ở mức độ tốt.

Năm 2016, Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam được WWF vinh danh là “Thành phố xanh quốc gia”.

z5370773560657_448d857fa7a07d3acef69403d8461298.jpg
Huế - “Thành phố Xanh Quốc gia” đầu tiên tại Việt Nam

Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế (EHCC) là một sáng kiến của WWF, nhằm kêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường, đồng thời xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2016 có 125 thành phố từ 21 quốc gia trên thế giới dự thi Thành phố Xanh Quốc tế, trong đó Việt Nam lần đầu tiên tham gia với đại diện là thành phố Huế.

Các thành phố dự thi phải có báo cáo phát thải các-bon kèm theo ít nhất một cam kết và một kế hoạch hành động phát triển bền vững về các lĩnh vực môi trường, xây dựng, giao thông, năng lượng, lương thực và nguồn nước. Căn cứ vào đó, ban giám khảo sẽ chọn ra các “Thành phố Xanh Quốc gia” đại diện cho nước mình (mỗi nước một thành phố) để vào vòng chung kết. Quán quân cuộc thi sẽ được tôn vinh là “Thành phố Xanh Toàn cầu”.

z5370775688396_e17b7586f36eb0c27b4acc465ba9624f.jpg
Thành phố Huế là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước, với hơn 64.000 cây xanh trên từng đường phố, công viên.

Ngay trong lần tham gia đầu tiên, thành phố Huế đã vượt qua các tiêu chí khắt khe của chương trình để lọt vào danh sách các thành phố Xanh trên thế giới với cam kết đến năm 2020, thành phố sẽ giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải của năm 2011. Kèm với cam kết này là 7 kế hoạch hành động cụ thể, trong đó chú trọng vào xanh hoá đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường.

Từ năm 2016 đến nay, thành phố Huế đã không ngừng nỗ lực thực hiện cam kết về giảm mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như kế hoạch xây dựng Huế trở thành một đô thị xanh, sạch, sáng, không rác thải.

Thành phố Huế là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước, với hơn 64.000 cây xanh trên từng đường phố, công viên đều được chăm chút tỉ mỉ, vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại 1. Cây xanh được xem như một lá chắn tự nhiên che chắn người dân thoát khỏi cái nắng như đổ lửa của mùa hè tại thành phố Huế.

z5370772701652_f04e8882fb1e4d4680af68d6f8661bed.jpg
Thừa Thiên Huế có một nền tảng vững chắc để phát triển "Du lịch xanh".

Những năm qua, tỉnh TT-Huế đã triển khai hàng loạt mô hình để phủ xanh thành phố thông qua các hoạt động thiết thực như “Thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Công viên không rác”, “Công sở văn minh, sạch đẹp”, “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng, bản không rác”, “Góc phố sạch, vỉa hè sạch”, “Huế - Thành phố 4 mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”,…với nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng đồng lòng của nhân dân toàn tỉnh, góp phần vào việc giữ gìn Huế “Xanh- Sạch- Đẹp”.

Thừa Thiên Huế đang từng bước xây dựng địa phương theo hướng đô thị di sản, văn hóa sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Với thành phố Huế là đô thị trung tâm, góp phần giúp cho Thừa Thiên Huế có một nền tảng vững chắc để phát triển "Du lịch xanh" trong những năm tới, đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững bám sát nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị hướng đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Nguồn: https://congly.vn/hue-thanh-pho-xanh-quoc-gia-dau-tien-tai-viet-nam-427065.html