Ý nghĩa về ngày rằm tháng Giêng trong Phật giáo
Ngày trăng tròn tháng Giêng là ngày đại hội thường lệ của chư Phật tổ được gọi là Caturangasannipàta. Tuy nhiên trong lịch sử những vị Phật tổ trong quá khứ thì số tăng hội, thời kỳ đại hội, địa điểm có phần khác với đức Phật Thích Ca. Còn những yếu tố căn bản cho kỳ đại hội thì hoàn toàn giống nhau. Dường như đây là truyền thống của Chư Phật tổ.
Ðại hội thánh tăng này khai mạc đúng vào ngày trăng tròn tháng giêng âm lịch tại Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana). Trong đại hội, đức Phật thuyết cho 1250 vị tỷ kheo về Ba La Ðề Mộc Xoa (Patimokkha).
Ngày nay chư Tăng Phật giáo Nam truyền vẫn còn gìn giữ truyền thống này vì Giới luật là nền tảng của Phật giáo, Giới luật còn thì Giáo pháp còn. Trong ba tạng kinh điển, đức Phật tuyên bố rằng theo thời gian, Luật tạng sẽ hoại diệt sau cùng. Khi nào Luật tạng hoại diệt thì lúc đó là thời mạt pháp, là khởi điểm hết nhiệm kỳ Giáo pháp của một vị Phật tổ.
Ðể kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại đó, giới Phật giáo Nam tông tổ chức lễ rằm tháng giêng bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau: như lễ hội đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà... nhằm giúp người Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp.
Ðặc biệt là lễ Ðầu đà (Dhutanga): thức một đêm không ngủ để tưởng nhớ đức Phật - một con người vĩ đại, với một lý tưởng phi thường, suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì quyền lợi của tha nhân. Thông thường trong đêm đầu đà có nhiều tiết mục để người Phật tử tham gia học và thực hành thêm về giáo lý. Những tiết mục đó thường là Thuyết pháp, Chiêm bái Xá lợi, Hành thiền, Vấn đáp Phật pháp, Hái hoa chánh pháp, Luận đạo v.v. Người tham dự một đêm đầu đà, qua những mục đó, chắc chắn sẽ được hiểu biết giáo lý căn của đức Phật và sẽ có thêm niềm tin vững chắc ở Tam bảo.
Và ngày rằm tháng Giêng còn có một ý nghĩa nữa, chính là thời điểm: đức Phât tuyên hứa và khẳng định với Ma vương ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Niết-bàn (cho nên ngày này còn được gọi là ngày Phật di chúc).