1.500 túi dịch truyền Dextran điều trị sốc sốt xuất huyết về Việt Nam
Đồng thời để có nguồn cung ứng các thuốc chứa Dextran 40 hoặc Dextran 70 điều trị sốc sốt huyết, Cục Quản lý Dược đã chủ động liên hệ với Cơ quan Quản lý Dược phẩm Thái Lan (FDA TháiLan) để có được sự hỗ trợ và thúc đẩy cơ sở sản xuất tại Thái Lan cung ứng dịch truyền Dextran cho Việt Nam. Ngoài ra, Cục Quản lý Dược nhận được thông tin một đơn vị khác đã tìm được một nguồn cung ứng dịch truyền Dextran khác (từ Pháp) có thể cung ứng cho thị trường Việt Nam.
Để kịp thời cung cấp thuốc chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa Dextran 40 hoặc Dextran 70.
Sau khi tìm được nguồn cung ứng, các cơ sở nhập khẩu này cũng phải liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Cục Quản lý Dược.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các đơn vị cung ứng đầy đủ thuốc theo dự trù của các Sở Y tế, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộcBộ khi nhập khẩu được thuốc và báo cáo Cục về tình hình nhập khẩu. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướngmắc đề nghị các cơ sở báo cáo kịp thời về Cục để xem xét, giải quyết theo quy định.
Từ đầu năm đến nay, theo tổng hợp của các địa phương, cả nước ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 87 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái,số mắc và tử vong đều tăng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện và 395/579 xã, phường, thị trấn.
Tại nhiều cơ sở y tế ở phía Nam, thời gian qua cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tự ý điều trị ở nhà, chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào viện thì đã ở trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, tổn thương đa cơ quan, tràn dịchmàng phổi, ngưng thở... Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực, thậm chí có trường hợp đã phải can thiệp ECMO mới qua nguy kịch...
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.
Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểmvà giai đoạn hồi phục.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 266 ra ngày 23/9/2022)