20 năm tự hào gìn giữ cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Huế
Nói đến Kỳ đài Huế hẳn rất nhiều người biết đến đó là công trình thuộc quần thể kiến trúc Cố đô Huế, nằm ở phía trong mặt tiền kinh thành, trước Ngọ Môn. Cùng với những thăng trầm của Kinh thành Huế, Kỳ đài là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Kỳ đài Huế chính thức được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (Đinh Mão 1807) và đến thời Vua Minh Mạng liên tục được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840, cột cờ nguyên xưa làm bằng gỗ và đến năm 1948 cột cờ bắt đầu được làm bằng bê tông cốtsắt với tổng chiều cao 37m.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phân công nhiệm vụ cho 3 nhân viên bảo vệ có khả năng trèo cao và cẩn trọng chuyên làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo quản, treo và hạ cờ Tổ quốc dài 12m, rộng 9m ở cột cờ Kỳ đài, trong đó có anh Trần Thạch Cương - người gắn bó lâu nhất với công việc treo và hạ cờ trên Kỳ đài Huế.
Đã nhiều năm làm công việc treo cờ, ngày nào cũng vậy, khi bước chân ra khỏi nhà anh Trần ThạchCương đều nhớ lời vợ dặn: “Nhớ đeo dây bảo hộ nghe anh”. Nghe mãi thành quen, bởi câu nói đó từ lâu đã nằm trong tiềm thức của người nói và người nghe. Anh Cương cho biết, anh được nhận vào làm việc tại tổ bảo vệ Kỳ đài từ năm 2000. Do có khả năng trèo nên được tổ phân công làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo quản, treo và hạ cờ Tổ quốc ở cột cờ trên đỉnh Kỳ đài Huế. Với anh Cương, công việc này rất tự hào khi phải luôn đảm bảo lá cờ Tổ quốc lúc nào cũng tung bay để ai đi ngang qua khi ngắm nhìn Kỳ đài cũng thấy sự tự hào, tự tôn dân tộc.
Anh Cương chia sẻ, ngần ấy năm làm nghề, lần treo cờ đáng nhớ nhất với anh đó là ngày được giao nhiệm vụ treo cờ rủ trong Lễ quốc tang cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Ngày hôm ấy, công việc vẫn vậy nhưng cảm giác nó khác so với mọi ngày. Giữa sự đau buồn của người dân cả nước, tôi cùng anh Lê Tiến Sỹ (cùng làm công việc treo, hạ cờ trên Kỳ đài Huế) cẩn trọng hạ lá cờ Tổ quốc xuống rồi buộc vào đó dải lụa đen thể hiện niềm tiếc thương sự ra đi của một thiên tài quân sự của Tổ quốc. Lúc ấy xúc động lắm, không thể diễn tả được thành lời” - anh Cương chia sẻ.
Ngoài ra, kỷ niệm gần đây nhất với anh Cương là treo cờ trong Lễ Ban Sóc (phát lịch) của triều Nguyễn do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hoá -Thể thao; Sở Du lịch và Trung tâm Festival Huế tổ chức vào đầu năm 2022. Thời điểm điểm ấy, trời mưa, gió to, anh Cương cùng anh em bảo vệ phải rất vất vả để treo lá cờ tung bay. “Với độ cao hơn 50m, kết hợp với gió to, mưa ướt nên rất trơn trượt khiến việc leo lên gặp rất nhiều khó khăn. Khi lá cờ tung bay như đúng kế hoạch, mọi người ai cũng rất vui vì hoàn thành nhiệm vụ”, anh Cương nói.
Công việc mà anh Cương đang làm, nếu người ngoài nhìn vào những tưởng rất dễ dàng.Tuy vậy, công việc này lại tiềm ẩn nhiều rủiro và không phải ai cũng làm được. Đó là người phải biết leo trèo, không sợ độ cao và đặc biệt biệt là phải thật khéo léo, nhuần nhuyễn. Theo lời anh Cương, trước đây, cờ Tổ quốc được làm bằng vảisa tanh nhuộm đỏ nên rất nặng và phải 2 người gánh mới nổi nhưng cờ Tổ quốc hiện nay chỉ cần 1 người xách lên treo. Nếu người chưa quen thì rất dễ bị ngợp và chỉ những người chịu được áp suất độ cao, chịu khó thì mới làm được. Đây cũng là lý do mà công việc này rất ít người làm.
Nói về những người làm nhiệm vụ treo cờ trên Kỳ đài Huế, ông NguyễnThành Nam,Trưởng phòng Quản lý bảo vệ,Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, công việc nào có thể sai, rút kinh nghiệm nhưng đối với công việc này thì không phép được sai. Bởi vậy, lãnh đạo phòng luôn động viên anh em phải luôn cẩn thận, đảm bảo an toàn lao động trong khi làm nhiệm vụ.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 244 -248 ra ngày 1-5/9/2022)