Ai Cập kịch liệt phản đối ý định tấn công thành phố Rafah của quân đội Israel
Ai Cập cũng kêu gọi "đoàn kết" tất cả các nỗ lực khu vực và quốc tế nhằm ngăn chặn cuộc tấn công vào thành phố Rafah, nơi có khoảng 1,4 triệu người Palestine phải sơ tán đang trú ẩn. Những người Palestine phải di dời coi thành phố Rafah là khu vực an toàn cuối cùng ở Gaza.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ cuộc tấn công vào Rafah, cùng với việc Israel tiếp tục cản trở hoạt động vận chuyển viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, trên thực tế đang góp phần vào việc thực thi chính sách di dời người Palestine và hủy hoại sự nghiệp của họ.
Cairo coi những hành động như vậy rõ ràng là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế cũng như các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Ai Cập cũng nhấn mạnh nước này sẽ tiếp tục liên lạc với các bên khác nhau để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức, thực thi lệnh ngừng bắn cũng như thúc đẩy kế hoạch trao đổi tù nhân và những người bị giam giữ, đồng thời kêu gọi các cường quốc quốc tế có ảnh hưởng gây áp lực buộc Israel phải hưởng ứng những nỗ lực này cũng như tránh các biện pháp làm phức tạp thêm tình hình và gây thiệt hại đến lợi ích của tất cả bên.
Trước đó, hai quan chức Ai Cập và một nhà ngoại giao phương Tây nói với hãng tin AP rằng sáng 11/2, Ai Cập đe dọa đình chỉ Hiệp ước hòa bình với Israel nếu cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza mở rộng sang thành phố biên giới Rafah đông dân cư ở dải đất ven Địa Trung Hải này.
Lời đe dọa đình chỉ Hiệp định Trại David năm 1978 của Cairo được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố việc điều quân đến Rafah là cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài 4 tháng chống lại lực lượng Hamas ở Gaza.
Thành phố Rafah ở phía Nam Gaza hiện là nơi trú ẩn cuối cùng của người Palestine. Với số dân chưa đến 300.000 người trước khi cuộc xung đột Gaza nổ ra vào tháng 7/2023, thành phố Rafah giờ đây đã có thêm 1,4 triệu người, do các cuộc không kích và cuộc tấn công trên bộ của Israel tại các khu vực ở miền Trung và Bắc Gaza.
Cuộc xung đột Israel-Hamas đã cướp đi sinh mạng của hơn 28.000 người Palestine, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đe dọa hủy hoại cuộc sống của hàng chục nghìn người hiện đang sinh sống trong các lều trại đông đúc và những nơi trú ẩn do Liên hợp quốc điều hành gần biên giới.
Hiện phía Israel chưa đưa ra bình luận gì về tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Ai Cập.
Tổng thống Mỹ điện đàm với Thủ tướng Israel về Rafah
Theo Reuters, Nhà Trắng ngày 11/2 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và tuyên bố Israel không nên tiến hành một chiến dịch quân sự ở Rafah mà không có kế hoạch đảm bảo an toàn cho khoảng 1 triệu người đang trú ẩn trong khu vực.
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo đối thoại sau khi ông Biden nói rằng phản ứng của Israel đối với khu vực Gaza là “quá mức.”
Trước đó, phát biểu trong buổi phỏng vấn chương trình “This Week” của đài ABC phát sóng ngày 11/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết 132 con tin Israel còn lại bị giam giữ ở Gaza là “đủ” để biện minh cho cuộc chiến của Israel tại khu vực này.
Trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Netanyahu nêu rõ: “Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức để đưa tất cả những người còn sống trở về và cả thi thể của những người thiệt mạng.”
Đề cập số lượng con tin còn sống, ông Netayahu khẳng định "đủ để xác chứng thực những nỗ lực mà Israel đang thực hiện."
Bên cạnh đó, ông Netanyahu cũng khẳng định Israel đã nỗ lực hết mình để giảm thiểu thương vong cho dân thường, đồng thời đưa ra thống kê là cứ mỗi chiến binh Hamas bị tiêu diệt ở Gaza thì có một thường dân Palestine thiệt mạng./.
Tuyên bố của Hamas nêu rõ bất cứ hành động động quân sự nào tại Rafah sẽ gây ra hậu quả thảm khốc, có thể khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương.