Đại gia nào được nữ Chủ tịch Trương Mỹ Lan phóng tay cho 1.500 tỷ?
Theo cáo trạng truy tố của VKSNDTC, qua người quen giới thiệu, ông Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đông Phương) có quan hệ quen biết với bà Trương Mỹ Lan. Nhằm tiếp tục rút tiền từ Ngân hàng SCB, tháng 5/2022, bà Lan đã thỏa thuận với ông Tùng về việc sử dụng các công ty trong nhóm của đại gia này để đứng tên, tạo lập hồ sơ vay vốn tại SCB. Tài sản đảm bảo do bà Lan đưa ra còn tiền rút được cả hai cùng lấy sử dụng.
Thực hiện thỏa thuận với bà Trương Mỹ Lan, ông Tùng đã chỉ đạo ông Đào Chí Kiên (Phó TGĐ Công ty Dầu khí Đông Phương) và các đối tượng khác đưa thông tin 35 công ty cho nhân viên NH SCB lập 37 hồ sơ vay 1.720,88 tỷ đồng (gồm dư nợ gốc là 1.720,88 tỷ đồng và dư nợ lãi là hơn 12 tỷ đồng).
Ông Tùng giao cho ông Kiên trực tiếp quản lý và chuyển thông tin 11 công ty cho nhân viên NH SCB để lập 11 hồ sơ vay vốn, giải ngân 443,6 tỷ đồng cho ông Tùng sử dụng vào việc nộp thuế cho Công ty Đông Phương.
Đến ngày 17/10/2022, 11 khoản vay này còn tổng dư nợ là hơn 446 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc là 443,6 tỷ đồng và dư nợ lãi hơn 3 tỷ đồng).
Cáo trạng cũng xác định, ông Tùng đã câu kết với bà Trương Mỹ Lan, chỉ đạo ông Đào Chí Kiên thực hiện các hành vi sai phạm, tạo lập hồ sơ vay vốn khống, trái quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng, rút 1.720,88 tỷ đồng từ NH SCB để bà Lan và ông Tùng cùng sử dụng.
Ông Tùng bị xác định gây thiệt hại cho SCB hơn 850 tỷ đồng, ông Kiên gây thiệt hại cho SCB hơn 356 tỷ đồng.
Vì sao nữ Chủ tịch Trương Mỹ Lan hào phóng đem cho hơn 1.500 tỷ?
Ông Dương Tấn Trước (TGĐ Công ty Tường Việt) quen biết bà Trương Mỹ Lan từ cuối năm 2020. Khoảng tháng 4/2021, bà Lan trao đổi, thỏa thuận với ông Trước về việc bà Lan chuyển nhượng dự án Thanh Yến cho đại gia này và Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận, ông Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại SCB, số tiền nhận nợ là 3.500 tỷ đồng. Trong đó, 2.500 tỷ đồng là tiền nhận chuyển nhượng Dự án Thanh Yến; 1.000 tỷ đồng còn lại để bà Lan sử dụng và có trách nhiệm trả cho SCB.
Đại gia Dương Tấn Trước sau đó đã chỉ đạo nhân viên Công ty Tường Việt liên hệ với phía SCB thực hiện phương án vay vốn bằng cách thành lập Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh đứng tên hồ sơ vay vốn.
Đến ngày 19/5/2021, ngân hàng SCB ký thỏa thuận cho vay đối với Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh, số tiền vay giải ngân lần lượt là 1.700 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng.
Sau khi giải ngân, tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân, công ty thuộc nhóm bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát để bà Lan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Ngoài ra, do ông Trước giúp bà Lan thực hiện công việc liên quan đến việc xin cấp Giấy phép xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 Dự án Mũi đèn đỏ, thay đổi về hệ số xây dựng (tăng) của Dự án Mũi đèn đỏ; Giấy phép xây dựng Dự án Sài Gòn Bình An (SDI).
Vì vậy, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo bà Trần Thị Mỹ Dung (Phó TGĐ SCB) làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng, thực chất là rút tiền ngân hàng SCB để bà Lan cho ông Trước số tiền trên.
Vậy nên, dù thời điểm đó, Công ty Tường Việt không có phương án kinh doanh, chưa có nhu cầu vay tiền, không có tài sản đảm bảo cho khoản vay, nhưng Tường Việt đã có biên bản họp Hội đồng thành viên đồng ý để Công ty vay vốn tại SCB; ký thỏa thuận cấp hạn mức tín dụng với mức hạn mức 1.500 tỷ đồng.
Khoản vay của Công ty Tường Việt thực tế đã được ngân hàng SCB giải ngân 1.498 tỷ đồng. Số tiền này được bà Lan chỉ đạo giữ lại 240 tỷ đồng. Sau đó, bà Lan tiếp tục chỉ đạo lập hồ sơ vay vốn khống để rút thêm tiền chuyển cho ông Trước bù vào số tiền bà Lan đã sử dụng là 240 tỷ đồng nói trên.
Cáo buộc chỉ ra rằng, các bị can đã rút của NH SCB 1.746,5 tỷ đồng. Trong đó bà Lan sử dụng 240 tỷ đồng, đại gia Dương Tấn Trước dùng 1.368,5 tỷ đồng, Công ty Tường Việt dùng cho hoạt động kinh doanh 138 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định, đến ngày 17/10/2022, 15 khoản vay đứng tên các công ty Thuận Tiến, Khánh Minh, Tường Việt, Việt Đức có tổng dư nợ là hơn 5.695 tỷ đồng. Đối với 18 khoản vay trong hạn mức 1.500 tỷ đồng của Công ty Tường Việt, SCB đã giải ngân 1.498 tỷ đồng, tại thời điểm 17/10/2022 còn dư nợ gốc là 1.342 tỷ đồng, dư nợ lãi là hơn 8 tỷ đồng.
Cáo buộc cho rằng, ông Dương Tấn Trước đã giúp sức, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 4.752 tỷ đồng.
Chồng nữ Chủ tịch Trương Mỹ Lan nộp khắc phục 1 tỷ đồng
Cũng theo cáo trạng truy tố, quá trình điều tra, truy tố, trừ bà Trương Mỹ Lan và 5 bị can bị truy tố vắng mặt, 80 bị can còn lại trong vụ án đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã điều tra, thu thập trong hồ sơ vụ án.
Một số bị can đã phối hợp, tích cực hợp tác, giúp cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ bản chất của vụ án. Một số bị can khác đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra.
Cụ thể, cháu gái bà Trương Mỹ Lan là bị can Trương Huệ Vân (TGĐ Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor) đã khắc phục: hơn 1,063 tỷ đồng và 3.000 USD; ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư quảng trường thời đại Times Square) đã khắc phục 1 tỷ đồng.
Ông Dương Tấn Trước (TGĐ Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt) sau khi khởi tố vụ án đã trả cho SCB hơn 813 tỷ đồng, xin được nộp lại 2.204,565 tỷ đồng đã nhận của bà Trương Mỹ Lan. Bị can đã nộp khắc phục hơn 52 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) được xác định đã nộp khắc phục hơn 657 tỷ đồng và hơn 3,3 triệu USD.
Bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) đã nộp khắc phục 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Các bị can khác cũng nộp tiền khắc phục như sau: Ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước): 390.000 USD; bà Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II): 20.000 USD và 210 triệu đồng.
Bị can Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thanh tra thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) nộp: 20.000 USD. Nguyễn Văn Thùy (cựu Phó Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nộp: 21.000 USD và 60 triệu đồng. Lê Thanh Hà (cựu Phó chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước, cựu Trưởng phòng Kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII) nộp: 14.000 USD và 100 triệu đồng.
Trần Văn Tuấn (cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (thuộc Thanh tra Chính phủ) nộp: 6.000 USD và 40 triệu đồng; Nguyễn Tuấn Anh (cựu công chức Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong nước (thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) và Vũ Khánh Linh (cựu Phó trưởng phòng Thanh tra ngân hàng thương mại cổ phần (thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) nộp: 100 triệu đồng.
Nguyễn Duy Phương (cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp) nộp: 1.000 USD và 20 triệu đồng. Nguyễn Văn Dũng (cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM) nộp: 15.000 USD và 400 triệu đồng.
Nguyễn Thị Phi Loan (cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh) nộp: 470 triệu đồng; Võ Văn Thuần (cựu Phó chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh: 1,85 tỷ đồng)…
Cáo trạng cho rằng, một số bị can còn có tình tiết giảm nhẹ vì có thành tích xuất sắc trong công tác. Trong đó, bị can Nguyễn Văn Hưng từng được nhận Huân chương lao động hạng Nhì; Nguyễn Văn Du (cựu quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước) được nhận Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Nguyễn Cao Trí nhận: Huân chương lao động hạng Ba…