1. Trang chủ /
  2. Đại úy Phạm Văn Lãi và những giây phút không thể quên tại Trại Davis

Đại úy Phạm Văn Lãi và những giây phút không thể quên tại Trại Davis

thứ bảy, 29/4/2023 17:31 GMT+07
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ông Phạm Văn Lãi, chiến sỹ cách mạng tại Trại Davis không bao giờ có thể quên được hai lần kéo cờ chiến thắng vào ngày 30/4/1975 và 1/5/1975.
Ông Phạm Văn Lãi (thứ hai từ trái sang) trao tặng hiện vật tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Một buổi sáng, Đại úy-cựu chiến binh Phạm Văn Lãi gọi điện cho tôi, hồ hởi khoe rằng trong lúc soạn tư liệu, hiện vật tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Hà Nội), ông bỗng nhớ ra nhiều chuyện cũ.

Vậy là tôi đến gặp ông, để nghe người lính già kể lại những giờ phút đấu trí với kẻ địch phía sau hàng rào thép gai của Trại Davis, để Hiệp định Paris được thực thi và rồi ông có được vinh dự cắm lá cờ sao vàng lên đỉnh tháp nước Trại Davis, ngạo nghễ, hiên ngang trong giờ phút hấp hối của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Lính Mỹ xem phim cùng bộ đội

Đại úy Phạm Văn Lãi sinh năm 1952 tại xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Năm 1971, khi đang học tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn, cùng khóa với huấn luyện viên Mai Đức Chung và nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trọng Hỷ thì ông xung phong nhập ngũ.

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Đảng ta chủ trương tiếp tục đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, để đảm bảo các bên thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris. Vậy là một lực lượng đặc biệt đã đóng quân tại Trại Davis (Sân bay Tân Sơn Nhất) âm thầm đấu tranh cách mạng ngay tại hang ổ của địch.

Nơi ở của đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trại Davis. (Ảnh tư liệu)

Ông Phạm Văn Lãi lúc đó là Thượng sỹ, được giao nhiệm vụ tham gia đội chiếu phim thuộc Ban Chính trị Đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trại Davis. Rất nhiều bộ phim như “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh,” “Trần Quốc Toản ra quân”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” đã được trình chiếu tại đây, góp phần tuyên truyền chủ trương cách mạng.

“Với mục đích phá hoại, ngăn cản việc thực thi hiệp định, Chính quyền Sài Gòn cô lập Trại Davis, rào kín nhiều tầng dây thép gai. Xung quanh trại được lắp nhiều thiết bị nghe lén, phá sóng, gây nhiễu thông tin liên lạc. Địch cũng cho quân đội thực hiện nhiều hoạt động vũ trang quanh trại để khủng bố tinh thần thành viên phái đoàn,” ông Phạm Văn Lãi kể.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, các chiến sỹ bề ngoài thì vẫn làm việc bình thường, tăng gia sản xuất, tập luyện thể thao, nhưng bên trong thì lợi dụng tiếng máy bay lên xuống để cắt sàn nhà, dùng cọc màn đào hầm trú ẩn, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng tiến công.

“Chúng tôi nuôi chó, gà, chim bồ câu. Một mặt là để thư giãn, tăng gia, mặt khác là dùng chúng để thử thức ăn phòng khi bị đầu độc bởi mọi điều kiện ăn ở sinh hoạt đều bị phụ thuộc vào Chính quyền Sài Gòn. Các chiến sỹ quân y hàng ngày cũng kiểm tra đồ ăn, nước uống rất cẩn thận,” ông Lãi nói.

Lính Mỹ và bộ đội Việt Nam chụp ảnh khi cùng chơi bóng chuyền. (Ảnh tư liệu)

Chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian hơn 2 năm đấu tranh tại Trại Davis, ông Lãi cho hay đó là một lần tổ chức chiếu phim về Bác Hồ, vô tình có một toán lính Mỹ ghé thăm. Họ hiếu kỳ nên nấn ná ở lại xem.

“Buổi chiếu phim diễn ra thân tình, gần gũi ngoài sức tưởng tượng. Những người lính Mỹ 19-20 tuổi hồn nhiên kê dép lên ngồi, không khác gì bộ đội Việt Nam. Tan cuộc, họ xin phép chụp ảnh những chiếc Huy hiệu Bác Hồ rồi hô vang: ‘Việt Nam-Hồ Chí Minh,” ông Lãi kể.

Lúc đó, ông chỉ thấy ngạc nhiên quá đỗi nhưng rồi sau này, ông nhận ra rằng hình tượng Bác Hồ vĩ đại đến mức có thể xóa nhòa ranh giới giữa bộ đội Việt Nam và lính Mỹ. Thời khắc ấy, đôi bên đã cùng chia sẻ sự trân trọng và ngưỡng mộ đối với Bác.

Hai lần kéo cờ chiến thắng

Ông Lãi còn nhớ, ngày 26/4, không khí chuẩn bị chiến đấu rất khẩn trương, nhưng bộ đội ta vẫn bình tĩnh chờ lệnh. Đội chiếu phim phục vụ anh em bộ phim "Giải phóng Châu Âu" của Điện ảnh Liên Xô. Đêm 28 rạng ngày 29, pháo ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, đạn pháo rơi cả vào khu vực chiếu phim.

Bức ảnh các chiến sỹ cắm cờ tại Trại Davis sáng 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Khoảng 8h ngày 30/4, ông Lãi được giao nhiệm vụ vào kho lấy lá cờ to nhất mang cho vệ binh cắm lên tháp nước. Dọc đường, ông nhặt một ống nước bằng kẽm để làm cán cờ và gọi cảnh vệ Nguyễn Văn Cẩn hỗ trợ.

Đến chân tháp nước, ông Lãi chui vào lồng bảo vệ trèo lên trước, ông Cẩn đeo súng ngắn K-54 theo sau. Lên đến đỉnh, ông Lãi buộc phía trên, ông Cẩn buộc phía dưới. Kiểm tra mối buộc xong, thấy chắc chắn rồi, ông Lãi mới buông tay, lá cờ no gió tung bay hiên ngang, từ xa hàng cây số đã có thể trông thấy.

Lá cờ giải phóng trở thành đích ngắm cho pháo binh tính toán phần tử bắn chính xác, làm chuẩn cho bộ đội tiến công, khích lệ toàn quân dũng mãnh xông lên. Quân địch nhìn thấy lá cờ thì càng thêm hoảng loạn, tan rã.

Người chiến sỹ Phạm Văn Lãi đứng ở trên điểm cao nhất của Trại Davis, tầm mắt được mở rộng, tai nghe tiếng cờ bay phần phật mà trào nước mắt. Nhìn xuống dưới, ông thấy Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phái đoàn cũng lặng lẽ lau nước mắt.

Tôi đặt câu hỏi rằng ở một điểm cao như vậy, ông không sợ mình sẽ trở thành đích ngắm cho nòng súng kẻ địch hay sao. Ông Lãi trả lời ngay rằng ông không hề nghĩ đến hiểm nguy vào lúc đó.

“Tinh thần đang sục sôi máu lửa nên dường như tôi đã quên đi mọi sợ hãi. Đứng trên tháp nước, nhìn xung quanh tôi thấy các đơn vị của ta đang ào ào tiến công. Giây phút đó suốt đời tôi không sao quên được,” ông tâm sự.

Đại úy Phạm Văn Lãi tham gia giao lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Hà Nội). (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngay chiều 30/4, Ủy ban Quân quản Sài Gòn được thành lập do Trung tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Nhiều cán bộ, chiến sỹ Trại Davis được điều về Ủy ban Quân quản trong đó có Phạm Văn Lãi. Sáng 1/5, ông lại được thủ trưởng giao nhiệm vụ trèo lên cột cờ Dinh Độc Lập, thay lá cờ ông Bùi Quang Thận cắm lúc 11h30 hôm trước. Lá cờ chiến sỹ Thận cắm bị mắc dây, không mở ra được, cũng không hạ dây kéo xuống được. Cột cờ cao, trơn nhẵn, ông Lãi bèn lấy dây dù buộc vào hai chân rồi ôm cột trèo lên như kiểu bà con Nam bộ leo dừa. Vậy là ông thành công thay được lá cờ mới, to rộng hơn.

Khi nước nhà thống nhất, Phái đoàn quân sự chấm dứt hoạt động, mỗi cán bộ chiến sỹ được điều về một đơn vị mới theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Ông Lãi tiếp tục ở Ủy ban Quân quản, phục vụ các cuộc mít tinh, hội nghị hiệp thương thống nhất hai miền. Tháng 6/1975, ông được kết nạp vào Đảng và đến năm 1979, được điều về Văn phòng Chính phủ, được gần gũi, phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ông Phạm Văn Lãi không bao giờ có thể quên được hai lần kéo cờ chiến thắng. Trong khi kể chuyện, ánh mắt ông sáng long lanh. Dường như những sự kiện lịch sử ấy vẫn luôn cháy bỏng, rạo rực trong ông như mới xảy ra ngày hôm qua./.