1. Trang chủ /
  2. Đảm bảo điều trị theo phác đồ cho người dân

Đảm bảo điều trị theo phác đồ cho người dân

thứ sáu, 23/6/2023 10:56 GMT+07
Theo các chuyên gia y tế, khi Covid-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B thì người bệnh sẽ không được điều trị miễn phí. Tuy nhiên, người dân khi điều trị Covid-19 có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thì được thanh toán BHYT theo đúng quy định. Đặc biệt quyền lợi người dân vẫn được đảm bảo, khi chuyển về thay đổi trong thanh toán, còn về phác đồ và phương thức điều trị vẫn như bình thường.
Tiêm vắc xin vẫn được xác định là một trong những giải pháp phòng Covid-19 đơn giản và hiệu quả. Ảnh: Minh Khuê

Thay đổi trong thanh toán chi phí điều trị

Khi chuyển Covid-19 từ nhóm A sang B, người dân quan tâm đến chi phí điều trị có được miễn phí như trước hay không. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: "Dự kiến tháng 6 này sẽ có quyết định chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B". Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trước đây, người dân mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A khi vào cơ sở khám chữa bệnh sẽ được điều trị miễn phí. Nếu Covid-19 chuyển sang nhóm B sẽ có sự thay đổi trong thanh toán chi phí điều trị. Người dân khi điều trị Covid-19 có thẻ BHYT thì được thanh toán BHYT theo đúng mức hưởng ghi trên thẻ. Covid-19 đã được đưa vào Thông tư số 20/2022/TT-BYT thanh toán BHYT.

Tiêm vắc xin vẫn được xác định là một trong những giải pháp phòng Covid-19 đơn giản và hiệu quả. Ảnh: Minh Khuê

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế đã cùng với Bộ Tư pháp tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Riêng quyết định chuyên môn từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B do Bộ Y tế quyết định. Hai quyết định này sẽ làm đồng thời. Cùng đó, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đang chỉnh sửa lại tất cả các hướng dẫn chuyên môn như: Hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn chẩn đoán điều trị; hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế…

“Việc chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6/2023. Khi Thủ tướng ký công bố hết hiệu lực của Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc công bố dịch Covid-19, thì Bộ Y tế cùng đồng thời ký ban hành hướng dẫn về chuyển dịch Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng thông tin, khi chuyển bệnh Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc thẩm quyền công bố dịch cũng sẽ có sự thay đổi. Theo đó, khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, thẩm quyền công bố dịch do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố dịch. Như vậy, dịch Covid-19 khi chuyển sang nhóm B không còn thuộc đối tượng công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc công bố hết dịch, nếu ở nhóm A, theo quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch đối với trường hợp Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch. Khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của dịch Covid-19 để thực hiện việc công bố hết dịch theo quy định pháp luật hiện hành. Về điều kiện công bố hết dịch Covid-19, theo Bộ Y tế, cần có 2 điều kiện là không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày và đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Tăng cường kiểm soát bệnh Covid-19 phù hợp

Đề cập đến vấn đề kiểm soát bệnh Covid-19 khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, Giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ tăng cường triển khai các điểm giám sát trọng điểm. Trong đó, tiếp tục thực hiện giám sát giải trình tự gen và giám sát các trường hợp viêm phổi nặng, các ca bệnh nặng, ổ dịch có diễn biến bất thường tại cơ sở y tế, cộng đồng. Trong quá trình giám sát, khi kết quả giải trình tự gen có biến đổi bất thường sẽ phát hiện nhanh chóng để xử lý kịp thời.

Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân, khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho thấy, phân loại dựa trên bệnh học là chủ yếu. “Tại Việt Nam, nhóm A chủ yếu là các biện pháp về hành chính xã hội, khi sang nhóm B thì bỏ các hoạt động kiểm soát về hành chính xã hội. Hay nói cách khác là nếu nhóm A thì ngoài ngành Y tế sẽ có các bộ, ngành cùng tham dự chống dịch. Còn khi chuyển sang nhóm B thì chủ yếu là ngành Y tế triển khai” - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ Y tế Hà Anh Đức lưu ý, khi chuyển dịch Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, hoàn thiện hướng dẫn triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 phù hợp tình hình; lồng ghép giám sát Covid-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm cả giám sát trọng điểm. Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Rà soát, sửa đổi, cập nhật các phác đồ điều trị, quản lý bệnh nhân Covid-19, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện phù hợp với tình hình mới. Triển khai tiêm vắc xin làm một trong những hoạt động tiêm chủng thường xuyên…

Còn đối với các địa phương cần rà soát lại tình hình dịch tại địa phương mình, từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Trong đó, các địa phương tập trung bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch Covid-19 cùng với việc quản lý các bệnh truyền nhiễm khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng và tiêm chủng vắc xin. Ngành Y tế địa phương cũng cần tiếp tục tổ chức tập huấn, đào tạo thường xuyên cho cán bộ y tế về dịch tễ học, xử lý ca bệnh, tiêm chủng, điều trị, truyền thông.

Hiện Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng, chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch bền vững, lâu dài. Như vậy, Việt Nam cần có chính sách, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới theo sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ, vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia, sẵn sàng, linh hoạt, nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ; đưa tiêm chủng vắc xin Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia, tăng cường việc tiêm các mũi tăng cường, nhất là cho nhóm nguy cơ cao. Tiếp tục các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vắc xin và tìm hiểu các tình trạng liên quan hậu Covid-19, cần giám sát chặt chẽ trong bối cảnh ca nhiễm tăng lên, đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, coi thường dịch Covid-19, vẫn phải thường xuyên dự phòng lây nhiễm bệnh này. Trong lúc chờ đợi các quy định, các khuyến cáo của Bộ Y tế có thay đổi thì người dân vẫn cần thực hiện tốt 2K (đeo khẩu trang và khử khuẩn), chú ý bảo vệ bản thân tại các nơi tập trung đông người. Các đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ em, người có bệnh nền... vẫn cần phải được ưu tiên bảo vệ để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh và trở nặng.

Nhóm A là danh mục các bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong. Từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019, Covid-19 được xếp vào bệnh nhóm A, Chính phủ công bố dịch vào đầu tháng 4/2020, từ đó áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch. Phân loại Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, đồng nghĩa với việc xem đây là bệnh thông thường, bệnh lưu hành hàng năm và là một bước để tiến tới tuyên bố hết dịch. Tuy nhiên, người dân cũng cần lưu ý, cả nhóm A và nhóm B đều là những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao.