Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas
Nhà Trắng gia tăng áp lực
Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken đã gửi hai thông điệp tới Hamas và Israel hôm thứ Tư, thúc ép Hamas chấp nhận đề xuất ngừng bắn, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel hoãn một cuộc tấn công lớn trên bộ vào thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza.
Vào ngày cuối cùng của chuyến đi Trung Đông, chuyến thăm thứ 7 tới khu vực này kể từ khi chiến sự bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Blinken đã cố gắng tăng áp lực lên Hamas.
Ông Blinken nói khi bắt đầu cuộc họp với Tổng thống Israel, Isaac Herzog, ở Tel Aviv: “Chúng tôi quyết tâm đạt được lệnh ngừng bắn đưa các con tin về nhà và đạt được nó ngay bây giờ, và lý do duy nhất khiến điều đó không đạt được là vì Hamas. Có một đề xuất trên bàn, và như chúng tôi đã nói: Không trì hoãn, không bào chữa. Đã đến lúc rồi”.
Những bình luận của ông Blinken, được đưa ra ở Tel Aviv và Jerusalem, là một phần trong chiến dịch phối hợp của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm đảm bảo tạm dừng cuộc chiến mà các quan chức Gaza cho biết đã giết chết hơn 34.000 người Palestine. Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza đã làm rung chuyển các trường đại học ở Mỹ và đang lan sang nền chính trị trong nước.
Các nhà đàm phán từ Ai Cập, Qatar, Mỹ và Hamas đã tập trung tại Cairo để xem xét một khuôn khổ mới do Ai Cập đề xuất nhằm kêu gọi nhóm thả 33 con tin bị bắt cóc từ Israel tin trong giai đoạn đầu của lệnh ngừng bắn, và sẽ dẫn đến việc thả các tù nhân Palestine đang bị giam giữ ở Israel.
Bên cạnh việc gây áp lực lên Hamas, Ngoại trưởng Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel. Phát biểu với các phóng viên vào tối thứ Tư sau một ngày gặp gỡ các nhà lãnh đạo Israel, trong đó có gần 3 giờ với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Ngoại trưởng Blinken nói rằng chính quyền Israel đã không thuyết phục được ông rằng họ có thể ngăn chặn thảm họa nhân đạo mà dư luận thế giới lo ngại sẽ xảy ra nếu Israel tấn công trên bộ vào Rafah.
“Chúng tôi không thể, và sẽ không hỗ trợ một chiến dịch quân sự lớn ở Rafah nếu không có một kế hoạch hiệu quả để đảm bảo rằng dân thường không bị tổn hại. Và, chúng tôi chưa từng thấy một kế hoạch như vậy”, ông Blinken nói với các phóng viên.
Ngoại trưởng Blinken cũng đã nói chuyện với thủ lĩnh phe đối lập trong Quốc hội Israel, Yair Lapid. Sau đó, ông Lapid nói trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng ông Netanyahu “không có lý do chính trị” nào để không thực hiện thỏa thuận tuyên bố ngừng bắn và giải thoát con tin. Ông Lapid nói: “Mỗi giờ đều rất quan trọng.
Israel và Hamas vẫn cứng rắn
Chuyến thăm của ông Blinken tới Trung Đông, bắt đầu vào thứ Hai, diễn ra trong bối cảnh Israel vừa giảm bớt một số yêu cầu của mình trong các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn, vừa thực hiện lời thề sẽ tấn công Rafah “dù có hoặc không có thỏa thuận”, như lời Thủ tướng Netanyahu hồi đầu tuần này.
Theo hai quan chức Israel, trong đề xuất mới nhất của mình, Israel cho biết họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quay trở lại miền bắc Gaza đối với thường dân Palestine đã phải rời bỏ quê hương vì cuộc tấn công của họ. Đó là một sự đảo ngược rõ ràng về một vấn đề vốn là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán.
Trong nhiều tuần, Israel đã yêu cầu họ có thể áp đặt những hạn chế đáng kể đối với người Palestine tiến về phía bắc, vì lo ngại rằng Hamas có thể lợi dụng việc hồi hương này để củng cố lại lực lượng. Theo các quan chức giấu tên tiết lộ với báo New York Times, giờ đây Israel đã đồng ý cho dân thường Palestine trở về hàng loạt trong giai đoạn đầu của thỏa thuận.
Một trong những quan chức Israel cho biết những người quay trở lại miền bắc Gaza sẽ không bị kiểm tra hay hạn chế, trong khi người thứ hai cho biết gần như không có hạn chế nào mà không nêu rõ chi tiết.
Hiện không rõ liệu Hamas có chấp nhận đề xuất của Israel hay không. Vào tối thứ Tư, người phát ngôn của Hamas, Osama Hamdan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Lebanon rằng “quan điểm của chúng tôi trên tài liệu đàm phán hiện tại là tiêu cực”. Nhưng Văn phòng báo chí của Hamas sau đó đã làm rõ những bình luận đó khi cho biết: “Quan điểm tiêu cực không có nghĩa là các cuộc đàm phán đã dừng lại. Đó là chuyện trao đổi qua lại các vấn đề”.
Hamas từ lâu đã yêu cầu bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh, vốn đã buộc hầu hết hơn hai triệu người dân ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Theo một trong các quan chức Israel, lời đề nghị của Israel không bao gồm ngôn ngữ thảo luận rõ ràng về việc chấm dứt giao tranh.
Một quan chức Ai Cập giấu tên đã tham gia các cuộc đàm phán tại Cairo nói với hãng tin AP rằng Hamas đang tìm cách củng cố ngôn ngữ để đảm bảo quân đội Israel rút hoàn toàn khỏi toàn bộ Dải Gaza. Và Hamas có thể sẽ đưa ra phản hồi đối với đề xuất của Ai Cập vào thứ Năm. Nhưng phản hồi ấy như thế nào, vẫn là câu hỏi rất khó dự đoán được lời đáp, với cả Mỹ, Israel cũng như các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar.